Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y học New England ngày 22/9 (theo giờ địa phương) đã đánh giá hiệu quả hiện nay của các loại vaccine ngừa COVID-19. Trong đó, vaccine do hãng dược Pfizer/BioNTech sản xuất có hiệu quả khoảng 88,8% còn vaccine của Moderna có hiệu quả lên tới 96,3%.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác được công bố với Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) chỉ ra hiệu quả trong việc ngăn chặn các triệu chứng nặng và nguy cơ nhập viện khi mắc COVID-19 của vaccine Pfizer đã giảm từ 91% xuống còn 77% sau khi tiêm mũi thứ 2 khoảng 4 tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở vaccine Moderna không có dấu hiệu suy giảm sau cùng khoảng thời gian.
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer và Moderna đều có hiệu quả bảo vệ tốt trước COVID-19. Ảnh: Straits Times
Nếu sự chênh lệch về hiệu quả còn tiếp tục tăng lên, điều này có thể có ý nghĩa đối với những tranh luận về sự cần thiết của mũi vaccine tăng cường. Trong tuần qua, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép việc tiêm mũi thứ 3 vaccine Pfizer đối với nhóm người trên 65 tuổi và những người có nguy cơ tổn thương cao.
Theo đó, các nhà khoa học dần nhận định có những khác biệt nhỏ giữa 2 loại vaccine của Pfizer và Moderna. Được biết, cả 2 loại vaccine này đều sử dụng RNA thông tin (còn gọi mRNA) để kích hoạt phản ứng miễn dịch ở người. Ban đầu, hiệu quả của 2 loại vaccine được đánh giá tương đương nhau, trong đó, vaccine Pfizer có hiệu quả 95% và vaccine Moderna hiệu quả 94%.
Tiến sĩ Natalie Dean, nhà thống kê sinh học tại Đại học Emory ở Atlanta (Mỹ), cho biết: "Giả định ban đầu của chúng tôi là vaccine mRNA hoạt động giống nhau nhưng sau đó bạn bắt đầu thấy có sự khác biệt. Đó không phải là một sự khác biệt quá lớn nhưng chúng nhất quán".
Tuy nhiên, bà Natalie nói rằng tác động của sự khác biệt này vẫn chưa thể xác định vì cả 2 loại vaccine mRNA đều có hiệu quả tốt trong việc phòng chống dịch COVID-19.
Giáo sư John Moore, một chuyên gia về virus tại Trường Weill Cornell Medicine ở New York (Mỹ), nhận định: "Đúng, có thể là một sự khác biệt, phản ánh các thành phần trong 2 lọ vaccine. Nhưng thực sự, sự khác biệt này quan trọng đến mức nào trong thế giới thực? Những người đã tiêm vaccine Pfizer không nên lo lắng rằng vaccine họ tiêm là kém chất lượng hơn".
Khác biệt không quá lớn
Vaccine Pfizer và Moderna chưa bao giờ được đặt vào cùng một thử nghiệm để so sánh nên sự khác biệt giữa 2 loại vaccine này chủ yếu được ghi nhận thông qua quan sát. Trong đó, bà Natalie Dean cho biết kết quả từ những nghiên cứu này có thể bị sai lệch bởi bất kỳ yếu tố nào, từ độ tuổi của dân số được tiêm chủng, thời điểm họ được chủng ngừa và khoảng thời gian giữa các mũi tiêm.
Ví dụ, tại Mỹ, vaccine Pfizer được đưa vào tiêm chủng trước vaccine Moderna ở nhóm người lớn tuổi, người có nguy cơ cao và nhân viên y tế. Trong đó, lượng kháng thể ở những người lớn tuổi thường suy giảm nhanh hơn. Vì vậy, sự suy giảm được quan sát thấy ở một nhóm chủ yếu là người lớn tuổi có thể tạo ấn tượng sai lầm rằng khả năng bảo vệ của vaccine Pfizer ít hơn.
Lên tiếng về vấn đề này, Tiến sĩ Bill Gruber, phó chủ tịch cấp cao của Pfizer chia sẻ: "Tôi không tin rằng thực sự có sự khác biệt. Chúng tôi có đủ dữ liệu để đưa ra tuyên bố đó".
Hiện các chuyên gia chưa xác định được tác động của sự khác biệt giữa vaccine Pfizer và Moderna. Ảnh: AP
Hiện tại, các quan sát từ một số địa điểm như Phòng khám Mayo tại bang Minnesota (Mỹ), một số bang khác ở Mỹ, ở các nhân viên y tế, cựu chiến binh nhập viện hoặc dân người dân nói chung, đã cho thấy sự khác biệt.
Hiệu quả của Moderna trong việc ngăn chặn triệu chứng bệnh nặng dao động từ 92%-100%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở vaccine Pfizer thấp hơn từ 10-15%.
Hai loại vaccine có sự khác biệt rõ ràng hơn về hiệu quả chống lại sự lây nhiễm. Được biết, khả năng bảo vệ của cả 2 loại vaccine đã giảm sút theo thời gian, đặc biệt là sau khi biến thể Delta xuất hiện, nhưng hiệu quả của vaccine Pfizer được đánh giá là giảm thấp hơn. Trong hai nghiên cứu gần đây, vaccine Moderna có tỷ lệ ngăn chặn lây nhiễm bệnh cao hơn vaccine Pfizer đến 30%.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng mức độ kháng thể được tạo ra bởi vaccine Pfizer-BioNTech bằng 1/3 đến 1/2 so với lượng kháng thể được tạo ra bởi vaccine Moderna. Tuy nhiên, sự sụt giảm đó là không đáng kể. Ông Moore chỉ ra: "Nếu đem ra so sánh, mức độ kháng thể giữa những người khỏe mạnh có thể chênh lệch nhau tới hơn 100 lần".
Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng những bằng chứng về sự khác biệt đáng để tìm hiểu, ít nhất là ở những người phản ứng yếu với vaccine, bao gồm cả người lớn tuổi và người suy giảm miễn dịch.
'Búa lớn' và 'búa tạ'
Tiến sĩ Jeffrey Wilson, một nhà miễn dịch học và bác sĩ tại Đại học Virginia (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu này, cho biết: "Tôi cho rằng những khác biệt thật sự giữa vaccine Pfizer và vaccine Moderna. Ở nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao, điều này có thể ảnh hưởng nhiều".
Trong đó, ông Wilson đã gọi vaccine Pfizer là "búa lớn" còn vaccine Moderna là "búa tạ".
Một số yếu tố có thể là nền tảng của sự khác biệt này bao gồm liều lượng tiêm và khoảng cách giữa 2 mũi tiêm. Các nhà sản xuất vaccine thường thử nghiệm nhiều liều lượng khác nhau trước khi lựa chọn một liều thích hợp nhất để tiêm cho phần lớn người dân.
Tuy nhiên, trước đại dịch COVID-19, các công ty đã không có nhiều thời gian làm việc này và họ buộc phải dự đoán liều lượng cho các loại vaccine của mình. Trong đó, liều lượng của vaccine Pfizer là khaongr 30 microgram và vaccine Moderna là 100 microgram.
Ngoài ra, vaccine Moderna dựa trên một hạt nano liquid, có thể cung cấp liều lượng lớn hơn. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm của vaccine Moderna là 4 tuần, trong khi vaccine Pfizer chỉ tiêm cách nhau 3 tuần.
Tiến sĩ Paul Burton, Giám đốc y tế của Moderna phân tích việc kéo dài khoảng cách 2 mũi tiêm thêm một tuần giúp các tế bào miễn dịch có thêm thời gian để sinh sản trước khi tiêm mũi thứ 2.
Dù có sự khác biệt nhưng các chuyên gia nhận định vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer và Moderna vẫn đang duy trì ổn định trong việc chống lại bệnh nặng và nhập viện, đặc biệt là ở những người dưới 65 tuổi. Do đó, 2 vaccine này vẫn được xem là "vũ khí" quan trọng giúp thế giới chống lại đại dịch COVID-19.
Minh Hạnh (Theo Straits Times)