Mới đây, Người phát ngôn Không quân Ukraine, Đại tá Yurii Ihnat cho biết Kiev đang đối mặt với một thách thức lớn - những quả bom lượn thông minh mà máy bay chiến đấu của Nga có thể thả ở tầm xa để né tránh hệ thống phòng thủ của Ukraine.
Ông Ignat cáo buộc Nga phóng tới 20 quả bom dẫn đường trên tiền tuyến mỗi ngày. Những loại bom này có thể bay xa tới 70 km và tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng, cũng như các mục tiêu khác của Ukraine.
“Chúng tôi không thể chống lại loại đạn này, và hệ thống phòng không cũng không hiệu quả”, ông Ignat nhấn mạnh thêm để ngăn chặn các cuộc tấn công như trên, Ukraine phải có các tiêm kích như Su-34, Su-35, và nhiều loại máy bay chiến thuật khác.
Người phát ngôn Không quân Ukraine, Đại tá Yurii Ihnat.
Ukraine hiện sở hữu một số thiết bị của phương Tây có thể nhắm mục tiêu máy bay đối phương ở khoảng cách 150km. Các khẩu đội Patriot mà Kiev mới nhận từ Mỹ và các đối tác ở châu Âu, dù phù hợp về tầm bắn nhưng hạn chế về số lượng.
“Chiến đấu cơ F-16 có thể đối phó với máy bay Nga một cách hiệu quả dọc theo rìa vùng chiến sự”, ông Ignat cho biết thêm, những máy bay này còn có thể ngăn cản máy bay Nga tiếp cận biên giới Ukraine.
Ông Justin Bronk, một chuyên gia về không quân tại Viện RUSI có trụ sở tại London, cũng cho rằng, “máy bay chiến đấu của phương Tây chắc chắn sẽ tăng cường khả năng sống sót cũng như khả năng sát thương trên không của Lực lượng Không quân Ukraine”.
“Loại bỏ mọi yếu tố chính trị, từ góc độ quân sự, cách hiệu quả nhất để đối phó với mối đe dọa đó là tiêu diệt những máy bay tiêm kích khi chúng ở dưới mặt đất. Nhưng nếu không thể thực hiện được điều đó, thì cần phải hạ gục những chiếc máy bay đó trên không”, ông Deptula, chủ nhiệm Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Mitchell, đồng quan điểm.
“Cách hiệu quả nhất để đối phó chúng [tiêm kích bom của Nga] trên không là sử dụng các máy bay chiến đấu có hệ thống vũ khí với tầm bắn với thích hợp”, vị chuyên gia nói thêm, đồng thời nhấn mạnh đây là một lý do để cung cấp F-16 cho Ukraine.
Tuy nhiên hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Ukraine “hiện không cần F-16”. Theo ông Biden, Mỹ đang tập trung hỗ trợ cho Kiev xe tăng và pháo.
Từ tháng 10/2022, Moskva đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự và năng lượng của Ukraine, sau khi cáo buộc Kiev thực hiện một số hành động phá hoại trên lãnh thổ Nga. Moskva cũng cáo buộc Kiev đứng sau vụ đánh bom cây cầu chiến lược Crimea. Ukraine chưa từng chính thức thừa nhận đứng sau vụ tấn công này.
Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều này sẽ chỉ kéo dài xung đột, đồng thời đẩy họ trở thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc chiến
Mộc Miên (T/h)