Công ty sản xuất máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ Baykar Tech đã tặng máy bay cho một nhóm gây quỹ ở Lithuania, sau khi phong trào gây quỹ của nhóm này thu về 5,9 triệu euro (6,32 triệu USD) chỉ trong 3 ngày.
Chiếc máy bay được mua miễn phí với điều kiện số tiền mà phong trào ở Luthuania huy động được sẽ được sử dụng cho mục đích nhân đạo và tái thiết ở Ukraine.
Một chiếc máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Ảnh: Getty
Ông Andrius Tapinas – người tổ chức phong trào gây quỹ, cho biết, Lithuania sẽ chuyển 1,5 triệu euro để mua đạn dược cho máy bay.
Lithuania sẽ nhận máy bay từ Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 3 tuần tới rồi chuyển cho Ukraine. Nhóm tổ chức phong trào sẽ gặp các quan chức của Lithuania và Ukraine để quyết định cách sử dụng phần tiền còn lại.
Lithunania là một trong những nước châu Âu gay gắt nhất với Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nước này nhanh chóng cung cấp vũ khí cho Kiev trước khi Nga mở chiến dịch quân sự, trong khi cắt đứt toàn bộ quan hệ về năng lượng với Moscow.
Lãnh đạo Baykar cho biết việc sử dụng UAV trong xung đột ở Ukraine đã khiến “cả thế giới” trở thành khách hàng của họ. Đầu năm nay, Baykar cho biết đã ký hợp đồng bán Bayraktar TB2 cho 16 quốc gia.
Theo các nhà phân tích, việc Mỹ và các nước phương Tây đang từng bước leo thang trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm mục đích kiểm tra các giới hạn của Nga. Nếu phía Nga phản ứng không đủ mạnh, các nước này sẽ tiếp tục cung cấp các loại vũ khí hiệu quả và tinh vi hơn. Điều này được cho là làm xói mòn sức mạnh quân sự và kinh tế của Nga.
Tuy nhiên, hậu quả cũng khôn lường bởi các động thái này sẽ tiếp tục đẩy cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đi xa hơn và không loại trừ có thể cuốn thêm các quốc gia khác vào vòng xoáy xung đột.
Trong khi đó, ngày 2/6, Tổng thư ký Cơ quan Cảnh sát quốc tế (Interpol), tướng Juergen Stock cảnh báo, nhiều vũ khí đang được gửi đến Ukraine cuối cùng sẽ rơi vào tay các nhóm tội phạm ở châu Âu và cả ở những khu vực khác.
Tổng thư ký Interpol nêu rõ, một số lượng lớn vũ khí đang được sử dụng trong cuộc xung đột Ukraine hiện nay sẽ dẫn đến việc phổ biến vũ khí trái phép trong giai đoạn hậu xung đột.
Mộc Miên (Theo Reuters)