Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tuyển sinh vào lớp 10 tại Vĩnh Phúc: Học sinh và phụ huynh "chao đảo" vì phải thi tới 5 môn

(DS&PL) -

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Vĩnh Phúc vừa có một cú “lội ngược dòng” khiến giáo viên, học sinh và cả phụ huynh “chao đảo” khi quyết định thi 5 môn.

Trong khi các tỉnh thành trên cả nước giảm tải số môn thi cho học sinh vào lớp 10 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Vĩnh Phúc vừa có một cú “lội ngược dòng” khiến giáo viên, học sinh và cả phụ huynh “chao đảo” khi quyết định thi 5 môn.

Học sinh “sợ thi”, giáo viên mệt mỏi

Ngay sau khi thông báo mới nhất về 5 môn thi trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên năm nay qua 3 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Tổ hợp (Tiếng Anh, Địa lý và Vật lý) được cập nhật trên trang của sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, hàng trăm bình luận của học sinh lớp 9 trên địa bàn bày tỏ nỗi lo lắng, hoang mang.

Sau khoảng thời gian phải nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh khối THCS tỉnh Vĩnh Phúc mới quay trở lại trường được hơn 2 tuần. Đây là giai đoạn các trường đang triển khai vừa ôn lại kiến thức đã dạy trực tuyến, dạy qua truyền hình, vừa kết hợp dạy kiến thức mới. Dưới thời tiết nắng nóng gay gắt của mùa hè, cả giáo viên và học sinh đều đang “căng mình” để đảm bảo khung kiến thức trước khi kết thúc năm học.

Trước bối cảnh dịch bệnh với những ngày nghỉ bất khả kháng như năm nay, nhiều học sinh và giáo viên vẫn không ngừng băn khoăn, khi ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc không giảm số môn thi để giảm áp lực cho kỳ thi.

Có sở trường về môn Ngữ văn, nhưng em L.L.A., học sinh lớp 9 trường THCS Tích Sơn (Vĩnh Phúc) vẫn không khỏi cảm thấy khó khăn với kỳ thi vào lớp 10 năm nay: “Trong thời gian nghỉ dịch, mặc dù chúng em được học trực tuyến nhưng hiệu quả không cao, nên khi quay trở lại trường, chúng em gần như phải học lại toàn bộ. Trong 5 môn thi, em chỉ tự tin với môn Ngữ văn, còn Toán và Vật lý đối với em khá thử thách. Trường thiếu giáo viên nên môn Địa lý do các giáo viên hợp đồng đảm nhiệm, lớp bị thay giáo viên liên tục, học sinh khó tiếp thu kiến thức một cách liền mạch”.

Mặc dù có thế mạnh là môn Vật lý, nhưng em Nguyễn Thị Ánh, học sinh lớp 9 một trường THCS tại Vĩnh Phúc vẫn cảm thấy khá vất vả khi phải ôn thêm những môn không thuộc sở trường như Ngữ văn và Địa lý. “Thời gian này, em phải tập trung “cày” Ngữ văn và Địa lý. Với thời tiết như hiện nay, cả cô và trò đều mệt mỏi. Cứ nghĩ một mình em như vậy, nhưng nhìn các bạn trong lớp ai cũng trong tình trạng mệt mỏi, mắt thâm quầng, em mới bắt đầu sợ thi vào THPT.

Em cho rằng, đối với các trường “top đầu” của mỗi huyện thì học sinh sẽ dễ dàng chấp nhận thách thức giữ nguyên 5 môn thi sau kỳ nghỉ dịch dài ngày này, nhưng đây cũng sẽ thực sự là áp lực đối với học sinh ở các trường “top dưới”...”.

Cô Trần Thị Điều, giáo viên môn Tiếng Anh một trường THCS tại Vĩnh Phúc bày tỏ khó khăn: “Việc tổ chức thi 5 môn khiến giáo viên chúng tôi gặp áp lực về thời gian khi phải song song thực hiện 2 nhiệm vụ vừa “chạy nước rút” để hoàn thành chương trình kết thúc năm học, vừa ôn thi cho các em. Thêm nữa, học sinh nghỉ lâu, hổng kiến thức, thời tiết nắng nóng cũng khiến cho việc học khó khăn hơn”.

Trước việc Sở giữ nguyên 5 môn thi, nhiều học sinh hy vọng lượng kiến thức sẽ “nhẹ nhàng” hơn, cô Trần Thị Điều cho rằng, đề “nhẹ nhàng” thì khó phân hóa tuyển sinh vào trường chuyên, mà đề nâng trình độ lên thì thực sự khó khăn cho học sinh lớp 9 năm nay. Bởi Vĩnh Phúc thực hiện kỳ thi “2 trong 1”, tức là dùng kết quả thi đại trà để xét vào trường chuyên. Vì vậy, các em học sinh không nên chủ quan”.

Giảm môn thi là… không cần thiết(!?)

Trả lời câu hỏi của PV Người Đưa Tin Pháp luật “vì sao không giảm môn thi để giảm áp lực cho học sinh, ông Nguyễn Lê Huy, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc giải thích: “Vì Sở cảm thấy không cần thiết! Với quan điểm học gì thi đó và đánh giá toàn diện nên Sở đã tổ chức thi như vậy nhiều năm nay. Nếu Sở giảm môn thì có thể có học sinh không mong muốn...

Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc chủ động ra đề thi với phương châm học sinh chỉ cần học đúng kiến thức trong sách giáo khoa thì có thể làm được bài thi, đề thi sẽ ra đúng những kiến thức mà học sinh cần học và phải học. Đối với phần kiến thức cơ bản thì cần phải “cơ bản hơn nữa” và phần kiến thức khó sẽ có độ phân hóa”.

Khi PV đề cập đến vấn đề áp lực thời gian như giáo viên và học sinh phản ánh ở trên, ông Nguyễn Lê Huy khẳng định: “Quan điểm của Sở là không có thời gian ôn cho học sinh, giáo viên cứ dạy bình thường, không cần phải ôn. Kết thúc năm học là cho học sinh thi luôn. Học sinh cứ học bình thường, ai có kiến thức hơn thì đỗ...”.

Trước quyết định của ngành giáo dục Vĩnh Phúc, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, người từng gửi đơn kiến nghị để giảm tải chương trình và môn thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 bày tỏ: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa... cũng đã nhận thấy khó khăn, giảm số môn thi vào lớp 10 để giảm áp lực cho học sinh.

Còn ở Vĩnh Phúc, tôi nghĩ rằng, lãnh đạo ngành giáo dục không chia sẻ áp lực với học sinh và gia đình học sinh. Những người làm lãnh đạo ngồi trong phòng máy lạnh chưa nghĩ đến học sinh đang vất vả ôn thi giữa trời nắng nóng.

Thêm nữa, Vĩnh Phúc lại có “ổ dịch” Sơn Lôi khiến việc học của các em bị ảnh hưởng nhiều. Quyết định tổ chức 5 môn thi là không tính đến giảm áp lực cho học sinh.

Thậm chí, ngay cả khi không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì nhiều địa phương vẫn tổ chức chỉ thi 3 môn trong nhiều năm qua, chẳng hạn như TP.Hồ Chí Minh. Ai dám khẳng định chất lượng tuyển sinh không bằng các địa phương khác cho học sinh thi nhiều môn hơn?”.

Đề thi phải phân hóa được học sinh

“Nếu ai nói rằng, do dịch bệnh tác động nên đề thi năm nay dễ hơn thì chắc chắn là không hiểu bản chất hoặc có thể hiểu nhưng lại cố tình đánh lừa dư luận. Bởi yêu cầu số 1 trong kỳ thi tuyển sinh là phải phân hóa được học sinh, một người làm giáo dục mà không hiểu bản chất thì không đủ tư cách ra đề”, thầy Nguyễn Xuân Khang nhấn mạnh.


Tin nổi bật