Theo cáo trạng, trưởng phòng Khảo thí sở GD&ĐT Sơn La đã nhận 1,3 tỷ đồng để nâng điểm thi cho 3 thí sinh vào trường công an.
Sáng ngày 21/5, TAND tỉnh Sơn La mở phiên sơ thẩm xét xử 12 bị cáo trong vụ án nâng điểm kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Thẩm phán Quản Hữu Chiến làm chủ toạ. Hai kiểm sát viên VKSND tỉnh Sơn La giữ quyền công tố, 15 luật sư đăng ký tham gia bào chữa.
Trong số 12 bị cáo, có 8 người hầu tòa về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo); Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La); Lò Văn Huynh (cựu trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo);
Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng); Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục); Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, nguyên đội phó đội giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La); Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng); Đặng Hữu Thuỷ (hiệu phó trường THPT Tô Hiệu).
4 người hầu tòa tội Đưa hối lộ là Nguyễn Minh Khoa (nguyên cán bộ Công an tỉnh Sơn La), Hoàng Thị Thành (cán bộ Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai), Trần Văn Điện (giáo viên), Lò Thị Trường (làm tự do).
Ở tội Nhận hối lộ có các bị can Huynh, Nga, Sọn.
Bị cáo Lò Văn Huynh. Ảnh: Lao động |
Theo cáo trạng, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ông Trần Xuân Yến, Lò Văn Huynh, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn và Đặng Hữu Thủy được phân công chấm thi.
Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn là 2 cán bộ Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an Sơn La được giao nhiệm vụ bảo vệ phòng chứa bài thi và giữ chìa khóa cửa ra vào nơi này.
Với động cơ vụ lợi và lợi dụng chức vụ các bị cáo đã cùng nhau nhận thông tin, tác động nâng điểm cho 44 thí sinh.
Cụ thể, các bị cáo đã rút bài thi môn trắc nghiệm mang ra ngoài khu vực chấm thi để sửa nâng điểm. Sau đó, họ mang trả lại các túi đựng bài thi và xóa toàn bộ file ảnh đã quét trước đó để quét lại bài đã sửa.
Với bài tự luận, các bị cáo tìm số phách của những thí sinh cần nâng điểm rồi đưa cho Lò Văn Huynh để ông ta nhờ người tìm bài thi tương ứng nhằm chấm nâng điểm.
Đối với 2 cựu công an, cơ quan công tố quy kết ngoài việc nhờ nâng điểm, họ đã cấu kết, giúp đỡ bằng cách mở cửa cho các bị cáo vào nơi chứa bài thi trắc nghiệm để mang ra ngoài sửa điểm.
Theo cáo trạng, Lò Văn Huynh là Phó ban chấm thi đã lợi dụng chức vụ để thỏa thuận, nhận 1 tỷ từ Nguyễn Minh Khoa (Phó phòng an ninh chính trị nội bộ) và nhận 300 triệu từ Lò Thị Trường (cháu họ Huynh) để giúp nâng điểm cho 4 thí sinh đủ đỗ vào trường công an.
Bị can Nga bị cáo buộc đã nhận hơn 1 tỷ từ Trần Văn Điện để giúp nâng điểm cho 4 thí sinh. Còn Cầm Thị Bun Sọn đã nhận 440 triệu của Hoàng Thị Thành để sửa điểm cho 1 thí sinh.
Quá trình điều tra, Lò Văn Huynh không thừa nhận đã trao đổi, thỏa thuận và nhận 1 tỷ từ ông Khoa. Số tiền 1 tỷ mà ông Huynh đã nộp cho cơ quan điều tra là tiền bán đất và khoản tiết kiệm của gia đình.
Ông Khoa cũng phủ nhận đưa hối lộ tiền, chỉ thừa nhận chỉ chuyển thông tin 3 thí sinh cho Huynh để nhờ xem điểm trước. Ngoài ra, bị cáo Trần Văn Điện cũng không thừa nhận đưa cho Nguyễn Thị Hồng Nga hơn 1 tỷ.
Tuy nhiên, VKSND có đủ căn cứ quy kết các bị cáo Lò Văn Huynh, Nguyễn Thị Hồng Nga phạm thêm tội Nhận hối lộ, quy định tại Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Còn Cầm Thị Bun Sọn đối diện 7-15 năm tù.
Các bị cáo Trần Văn Điện, Nguyễn Minh Khoa bị truy tố tội Đưa hối lộ với khung hình phạt tù 12-20 năm. Còn Hoàng Thị Thành và Lò Thị Trường bị truy tố cùng tội danh nhưng khung hình phạt thấp hơn (2-7 năm tù).
Hoàng Yên (T/h)