Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tuyển sinh 2025: Thí sinh chạy đua "săn vé" vào đại học sớm

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Để tránh phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT, ngày càng nhiều thí sinh chủ động tìm kiếm cơ hội trúng tuyển đại học sớm thông qua các phương thức xét tuyển khác.

Mạnh tay chi tiền luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới, kéo theo sự điều chỉnh trong phương thức tuyển sinh của các trường đại học để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, nhiều trường đại học hàng đầu như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Xu hướng này mở ra cơ hội cho các phương thức xét tuyển sớm như xét tuyển học bạ, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét tuyển bằng kết quả các kỳ thi riêng.

Vì vậy, nhiều thí sinh đang nỗ lực trau dồi kiến thức, kỹ năng và đầu tư cho việc luyện thi các chứng chỉ quốc tế như IELTS, SAT để tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học danh tiếng.

Dù mới bước vào học kỳ đầu tiên của bậc THPT nhưng em Nguyễn Ngọc Diệp, học sinh lớp 10, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) đã tìm lớp luyện thi IELTS. Diệp đặt mục tiêu đạt 7.0 IELTS và dự kiến sẽ thi lấy chứng chỉ vào học kỳ II lớp 11 hoặc học kỳ I lớp 12.

“Em dự kiến sẽ chọn phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi IELTS với kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Thế nên luyện thi IELTS càng sớm thì tới năm lớp 12 em sẽ đỡ vất vả hơn", tờ Đại đoàn kết dẫn lời em Diệp nói.

Thí sinh chạy đua "săn vé" vào đại học sớm. Ảnh minh họa 

Chị Nguyễn Thu Hương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa đăng ký một khóa luyện thi IELTS cho con với học phí 55 triệu đồng, cam kết đầu ra 6.5 IELTS.

Chị Hương cho biết: “Trong bối cảnh, mọi người đổ xô luyện thi IELTS, con tôi không thể đứng ngoài cuộc. Để con tăng thêm cơ hội vào đại học yêu thích, tôi không tiếc tiền đầu tư cho con. Điểm 6.5 IELTS chỉ là mục tiêu bước đầu. Nếu con muốn xét tuyển vào các trường đại học top đầu thì cần luyện thi thêm để đạt mục tiêu cao hơn”.

Ngoài phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, nhiều thí sinh lựa chọn phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các trường đại học tổ chức.

Lợi bất cập hại khi có quá nhiều hình thức xét tuyển sớm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận, nguyên Chánh văn phòng Hội đồng giáo dục Quốc gia cho rằng, xét tuyển sớm vào đại học đã trở thành xu hướng ngày càng phổ biến trong những năm gần đây.

Đây là một hình thức tuyển sinh nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh được xét tuyển trước khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra, dựa trên nhiều yếu tố như học bạ, IELTS và kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Một trong những ưu điểm lớn nhất của xét tuyển sớm là giúp mở ra nhiều lựa chọn hơn cho học sinh khi họ có thể đăng ký nhiều đợt xét tuyển khác nhau, từ xét học bạ đến tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực tùy theo khả năng và điều kiện cụ thể. Đồng thời tạo điều kiện giúp các em có thể sớm đạt được nguyện vọng học tập của mình trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông...

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, xét tuyển sớm lại tiềm ẩn nhiều thách thức cho học sinh, phụ huynh và các trường trung học phổ thông.

Xét tuyển sớm vào đại học đã trở thành xu hướng ngày càng phổ biến trong những năm gần đây.

Thứ nhất, một trong những lo ngại lớn từ việc xét tuyển sớm là học sinh có xu hướng mất tập trung vào học tập sau khi nhận được kết quả trúng tuyển. Khi đã biết mình đỗ đại học, nhiều học sinh có thể giảm tinh thần học tập, dẫn đến việc không còn tập trung vào việc hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Từ đó, học sinh không chỉ bị ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn tạo ra sự bất cập trong công tác tổ chức ôn tập tại các trường trung học phổ thông.

Thứ hai, khả năng tiếp cận không đồng đều giữa học sinh ở các khu vực khác nhau dẫn đến tính thiếu công bằng khi xét tuyển sớm vào đại học. Đối với học sinh ở thành phố lớn, nơi có điều kiện học tập tốt hơn, thường có lợi thế hơn so với học sinh ở các vùng sâu, vùng xa.

Mặt khác, các kỳ thi đánh giá năng lực thường được tổ chức ở các thành phố lớn khiến học sinh ở xa khó tiếp cận với kỳ thi, tốn kém chi phí đi lại, ăn ở. Từ đó tạo ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận cơ hội thi tuyển và đặt ra thách thức cho các chính sách giáo dục hướng đến công bằng.

Thứ ba, việc có quá nhiều kỳ thi riêng như kỳ thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy tạo ra áp lực tài chính lớn cho phụ huynh và học sinh. Để có thể tham gia nhiều kỳ thi, học sinh phải bỏ thời gian và tiền bạc để ôn luyện, tham gia các lớp học thêm. Điều đó khiến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện tham gia các kỳ thi, dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội được vào đại học.

Thứ tư, sự xuất hiện của nhiều hình thức xét tuyển khác nhau cũng khiến cho hệ thống tuyển sinh trở nên phức tạp hơn. Các trường đại học với quyền tự chủ tuyển sinh riêng sẽ có những tiêu chí khác nhau, khiến cho học sinh và phụ huynh cảm thấy bối rối trong việc lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp. Điều này đòi hỏi Bộ GD&ĐT cần có sự điều chỉnh và thống nhất rõ ràng về các tiêu chí tuyển sinh, nhằm đảm bảo tính công bằng và hiệu quả của hệ thống.

Tin nổi bật