Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tương lai nào cho “vua” mì tôm Miliket?

(DS&PL) -

Giống một trường hợp vừa qua tại Hà Nội là CTCP Thủy Tạ, đơn vị sở hữu thương hiệu kem cùng tên, hạn chế lớn nhất của Miliket là nguồn nội lực hạn chế so với các đối thủ.

Giống một trường hợp vừa qua tại Hà Nội là CTCP Thủy Tạ, đơn vị sở hữu thương hiệu kem cùng tên, hạn chế lớn nhất của Miliket là nguồn nội lực hạn chế so với các đối thủ cùng ngành.

“Vua” mì tôm

Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa có quyết định cho phép CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket được đăng ký giao dịch 4,8 triêụ cổ phiếu trên UPCoMvơi mã chứng khoán CMN. Ngày giao dịch đầu tiên 10/7/2017 vớii giá tham chiếu 25.800 đồng/cổ phiêu. CTCP Lương thực thực phẩm Cosula-Miliket tiền thân là xí nghiệp Chế biến lương thực thực phẩm Colusa và xí nghiệp Lương thực thực phẩm Miliket. Năm 2004, hai đơn vị trên được sáp nhập thành xí nghiệp Chế biến Lương thực thực phẩm Colusa – Miliket và được chuyển thành công ty cổ phần vào tháng 4/2006.

Sản phẩm chính của Công ty là các loại mì, sản phẩm ăn liền được chế biến từ gạo như phở, bún, hủ tiếu, cháo, bột canh. Trụ sở và nhà máy của Colusa – Miliket được đặt tại khu đất 20.000m2 trên đường Kha Vạn Cân, P. Linh Trung, Q. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Mặc dù được đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm nhằm gia tăng sức cạnh tranh, song Miliket được biết đến nhiều với thương hiệu mì gói cùng tên. Hình ảnh hai con tôm trên gói mì giấy kraft đã “khuynh đảo” thị trường trong các thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Cũng do đó mà người tiêu dùng đã gọi mì ăn liền Miliket với cái tên thân thuộc là Mì Tôm. Nhắc tới mì tôm là nhớ đến mì có hình ảnh hai con tôm của hãng Colusa – Miliket. Tuy nhiên từ đầu thập niên 2000 đến nay, với sự tham gia của những “ông lớn” ngành thực phẩm cả trong lẫn ngoài nước như Masan, AceCook, Asia Foods hay Kido, thị trường mì gói trong nước đang trở nên chật chội hơn bao giờ hết.

Thị phần hiện nay của Miliket chỉ còn khoảng 4%, so với 40% của Acecook, 15% của Asiafood hay Masan. Trong khi đó, thị trường nông thôn cùng phân khúc giá rẻ vốn là những “cứ điểm” của Miliket, song việc một loạt các ông lớn đang đẩy mạnh khâu phân phối, truyền thông và đặc biệt là phủ sóng sản phẩm khắp các phân khúc đang đe dọa “vua” mì tôm một thời.

Theo lãnh đạo của Miliket, năm 2016 tiếp tục là một năm đầy khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty khi mà mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành ngày càng gay gắt. Không chỉ các thương hiệu mạnh có sẵn trên thị trường tạo ra áp lực lớn như Masan, Acecook... mà còn có sự xuất hiện và nổi lên nhanh chóng của Uniben – thương hiện “âm thầm” vượt thị phần Masan ở khu vực nông thôn trong nửa đầu năm 2016.

Sự tham gia của ngày càng nhiều các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh như Uniben nhằm mở rộng thị phần trên thị trường vốn đã bão hòa khiến cho hoạt động tiêu thụ các sản phẩm của Colusa – Miliket trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra và các kênh phân phối cũ hoạt động không hiệu quả khiến lượng hàng tồn kho trong năm của Công ty tiếp tục gia tăng.

Có tìm lại được thời hoàng kim?

Kể từ khi cổ phần hóa năm 2006, suốt một thập kỷ qua, vốn điều lệ của Miliket vẫn “giậm chân” ở 48 tỷ đồng. Đây là con số rất khiêm tốn nếu so với hơn 5.000 tỷ đồng của Masan Consumer hay 900 tỷ đồng của CTCP Uniben và 300 tỷ đồng của CTCP Acecook Việt Nam.

Nguồn nội lực hạn chế khiến Miliket không thể mở rộng sản xuất kinh doanh hay áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại hơn. Điều này cùng với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ khiến kết quả kinh doanh của Miliket giảm mạnh trong các năm qua. Năm 2016, tổng doanh thu của Miliket đạt 465 tỷ đồng, lãi sau thuế 20 tỷ đồng, giảm lần lượt 18% và 47% so với mức đỉnh năm 2011 (doanh thu 546 tỷ đồng, lãi sau thuế 36 tỷ đồng). Lợi nhuận giảm sút khiến tỉ lệ chi trả cổ tức (bằng tiền mặt) của Miliket từ mức ấn tượng 35% trong năm 2013 giảm về 30% trong các năm 2014-2015 và chỉ còn 25% trong năm 2016. So với các mã cổ phiếu khác, đây vẫn là mức trả cổ tức khá cao, tuy nhiên điều quan trọng hơn là xu hướng giảm nhanh cho thấy quá trình tăng trưởng của công ty đang chững lại đáng kể, thậm chí là thụt lùi.

Trong bối cảnh như vậy, việc đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM, và xa hơn có thể niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán, là một bước đi được đánh giá cao của ban lãnh đạo Miliket.

Tính tới ngày 15/11/2016, Miliket có 186 cổ đông, trong đó 4 cổ đông lớn chiếm tới 80,51% cổ phần, bao gồm tổng công ty Lương thực Miền Nam sở hữu 1.474.400 cổ phần (30,72%), tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (20%), Công ty TNHH TM&DV Mesa (20,08%) và cổ đông cá nhân Trịnh Việt Dũng nắm 446.100 cổ phần, tương đương 9,71%. Năm 2017, Miliket vẫn chưa có kế hoạch tăng vốn. Doanh thu thuần và lãi sau thuế dự kiến đạt 575 tỷ đồng và 22,4 tỷ đồng, tăng mạnh 25% và 14% so với năm 2016. Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, gần 600 cán bộ, nhân viên Miliket sẽ phải nỗ lực rất lớn trong phần còn lại của năm, khi mà trong quý 1/2017, mặc dù doanh thu tăng lên 126 tỷ đồng, song lãi sau thuế tiếp tục giảm về còn 4,9 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 5,9 tỷ đồng.

Nhìn xa hơn, cổ đông hiện hữu có thể phải chấp nhận giảm bớt tỉ lệ lợi ích tại Miliket, và nhường sân chơi cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh hơn, chấp nhận không chia cổ tức trong một vài năm tới nhằm dồn lực mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà thị trường mì ăn liền trong nước nhìn chung đang co hẹp lại, với sản lượng tiêu thụ giảm từ mức đỉnh 5,2 tỷ gói năm 2013 về còn 5 tỷ gói năm 2014 và 4,8 tỷ gói năm 2015, theo Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA).

NGHI ĐIỀN

Đăng lại bài báo giấy Đời sống & Pháp luật

Tin nổi bật