(ĐSPL) - “Bất cứ một dân tộc nào trong ứng xử cũng có điểm tốt, điểm xấu, và ta cần nhìn thẳng vào những điểm xấu đó để loại bỏ chúng”.
Sự việc tiếp viên Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) Nguyễn Bích Ngọc bị tạm giữ tại Nhật Bản vì nghi tuồn hàng ăn cắp về Việt Nam là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận lại những tật xấu của người Việt trong văn hóa ứng xử.
Báo Đời sống và Pháp luật xin giới thiệu bài viết đầy tâm huyết của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái - giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học KHXH và NV, xung quanh vấn đề đang được dư luận quan tâm này.
Hãng hàng không Quốc gia hay Hãng buôn đồ xách tay?
Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) với biểu tượng bông sen vàng đang là một đại diện cho hình ảnh Việt Nam trên cường quốc năm châu. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, Vietnam Airlines có nhiều khi, vẫn được gọi với cái tên “Sorry Ailines” - luôn “sorry” vì sự trễ chuyến bay đến hàng tiếng đồng hồ - những lời “sorry” tưởng như vàng ngọc nhưng lại rất thiếu ứng xử chuyên nghiệp với hành khách!
|
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái.
|
Cho dù chúng ta đang có nhiều hãng hàng không khác nhưng thực tế, VNA vẫn đang chiếm vai trò gần như độc quyền trong thị trường hàng không Việt Nam. Theo tôi, đây chưa phải là sự phát triển lành mạnh, trên sự cạnh tranh lành mạnh.
Tư tưởng về sự độc quyền ấy khiến những tiếp viên hàng không của chúng ta luôn thiếu chuyên nghiệp trong phục vụ hành khách. Và điều thiếu vắng nhất của hàng không Việt Nam chính là những nụ cười.
Thế nhưng, quay trở lại câu chuyện của nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Bích Ngọc đang bị tạm giữ tại Nhật Bản, chúng ta phải đặt câu hỏi, vì sao người Việt Nam sính hàng “xách tay” đến thế?
Lâu nay, hàng hóa có mác “xách tay” đều được người Việt Nam ưa chuộng, vì được cho là hàng xịn: thuốc xách tay, laptop xách tay, quần áo xách tay, sữa xách tay… Người Việt thích mua xe Vespa sản xuất ở Ý hơn là ở Việt Nam mặc dù xe sản xuất tại Việt Nam hoàn toàn theo công nghệ Ý. Đối với người Việt, có một thời gian dài từng cho là đã dùng xe máy là phải dùng Honda, chỉ có xe máy Honda mới là xe tốt nhất!
Việc này cũng một phần là ở tính cách tiêu dùng của người Việt, rất trung thành với nhãn hàng mà mình cho là tốt, cho là đã được thử nghiệm, nên trong tình trạng hiện nay rất nhiều hàng giả hàng rởm trà trộn, việc sính hàng hiệu, đồ ngoại, đồ xách tay là chuyện bình thường của tiêu dùng.
Nhưng theo tôi, nguyên nhân lớn nhất là do thị trường Việt Nam hiện nay đã và đang là nơi lưu thông hàng giả một cách tự do thoải mái, chưa có những chế tài, những biện pháp kịch liệt ngăn chặn.
Sống trong một xã hội hàng giả đầy rẫy như vậy nên việc khao khát, mong muốn tiêu dùng hàng xách tay mà người ta cho là thật, là xịn của người Việt được coi là nhu cầu lành mạnh. Nhưng tiếc rằng, nhu cầu lành mạnh ấy lại đang bị biến tướng hoặc bị người ta lợi dụng.
Hãng hàng không Việt Nam bỗng dưng trở thành “Hãng buôn hàng xách tay”. Nếu để ý, bạn sẽ thấy, ở Hà Nội có cả những cửa hàng chuyên bán đồ xách tay của tiếp viên hàng không hoặc của người đi du lịch ở gần cầu Chương Dương.
Tuy nhiên, khách quan mà nói, sự việc của cô Bích Ngọc vừa qua mang hàng xách tay lại là hàng ăn cắp chỉ là hiện tượng “giọt nước tràn ly”. Bởi hiện nay có một bộ phận người Việt khi đi ra nước ngoài, thấy buôn hàng xách tay không phải chịu thuế, lại có vô số lợi nhuận, nên đã có những hành động “xấu xí” như vậy.
Một dân tộc vốn trọng miếng ăn, song rất sĩ diện trong ăn uống
Bạn thử tưởng tượng xem, một buffet cho khách du lịch có rất nhiều người đến từ nhiều nước khác nhau, thế nhưng, ban tổ chức lại chỉ ghi biển cảnh báo bằng tiếng bản địa và… tiếng Việt với nội dung: “Đề nghị bạn không lấy quá nhiều thức ăn! Lấy quá nhiều, ăn không hết sẽ bị phạt”. Chắc hẳn, cái sự “xấu xí” ấy của người Việt đã được nước bạn rất chú tâm và cảnh báo.
|
"Người ta cân số thức ăn thừa trong đĩa của một du khách Việt rồi phạt anh ta bởi sự lãng phí".
|
Và rất buồn khi chính mắt tôi từng chứng kiến cảnh ban tổ chức cân số thức ăn thừa trong đĩa của một du khách Việt rồi phạt anh ta bởi sự lãng phí. Dân gian Việt ngày xưa đã từng lên án việc này bằng sự chê cười: “con mắt to hơn cái bụng!”.
Nhìn lại nền tảng văn hóa Việt Nam, thì thấy rằng, dân tộc Việt Nam đi lên từ cây lúa, từ nông nghiệp, rất coi trọng việc ăn cơm. Phải ăn cơm mới chắc bụng mà đi cày đi cấy. Hạt cơm được ví là hạt ngọc của trời đất. Và việc ăn được xem trọng, vì có thực mới vực được đạo, ngay cả trời đánh thì cũng phải tránh đánh vào lúc…ăn cơm!
Trọng miếng ăn là như vậy, nhưng người Việt Nam lại rất sĩ diện, bởi quan niệm “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, hay “ra đường mũ áo xênh xang, về nhà hỏi vợ cám rang đâu mày".
Và cho tới thế kỉ 21 này, khi tổ chức chương trình làm từ thiện cho các em nhỏ miền núi, ông Trần Đăng Tuấn – nguyên Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, đương kim Tổng giám đốc Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG) vẫn lấy tên chương trình: “Bữa cơm có thịt” – điều đó cho thấy, người Việt Nam vẫn luôn trọng chuyện ăn uống, luôn muốn ăn cơm no, mặc áo ấm trước đã và bây giờ, khi xã hội phát triển, trải qua những thời kì khốn khó, từng thiếu ăn đã làm chết hàng hai triệu người năm 1945, người Việt hôm nay đã rất khác, họ muốn ăn ngon, ăn bổ muốn mặc đẹp…
Tuy nhiên, trong cách ăn uống của từng gia đình và nơi công cộng vẫn còn đó những chuyện đáng buồn, những chuyện không đáng có về chuyện ăn cần phải từ bỏ và từ biệt, để chuyện miếng ăn miếng uống không bao giờ là nỗi xấu hổ hoặc sự xấu xí nữa!
Từ biệt để phát triển…
Trở lại chuyện cô Bích Ngọc bị tạm giữ vì nghi tuồn đồ ăn cắp về Việt Nam, nhiều người cho rằng, Bích Ngọc rất đáng thương, kém may mắn, cô đâu phải là người Việt Nam duy nhất làm việc xấu xí đó?
Nhưng tôi thì quan niệm rằng, bất cứ người Việt Nam nào khi ra nước ngoài đều gánh trọng trách việc gìn giữ hình ảnh đất nước, và bất cứ một hành động nào cũng phải xem xét trên tinh thần pháp luật của nước mình và nước người.
Rõ ràng, hành động của Bích Ngọc đã vi phạm luật pháp Nhật, làm xấu hình ảnh của đất nước mình, hành động đó cũng không đúng với pháp luật Việt Nam, và phải bị pháp luật trừng trị.
|
Bất cứ người Việt Nam nào khi ra nước ngoài đều gánh trọng trách việc gìn giữ hình ảnh đất nước... |
Trên thế giới từng có một dân tộc dám thẳng thắn nhìn vào gương soi để thấy những tật xấu của mình nhằm từ bỏ chúng. Cuốn sách “Người Trung Quốc xấu xí” đã được xuất bản và lan truyền không chỉ ở Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia khác.
Ở Việt Nam, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng và cố Giáo sư Cao Xuân Hạo cũng từng định viết sách tương tự nhưng rất tiếc là hai Giáo sư chưa thực hiện được.
Qua câu chuyện của nữ tiếp viên Bích Ngọc, ta cần nhìn nhận thẳng thắn rằng: Bất cứ dân tộc nào trong hành xử cũng có điểm tốt, điểm xấu, và ta cần nhìn thẳng vào những điểm xấu đó để loại bỏ chúng trong sự phát triển.
Ở bất cứ nơi công cộng nào tại Việt Nam, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những biển “CẤM ĐÁI BẬY” – điều này hiển nhiên nói lên một sự thật, người Việt Nam còn rất thiếu ý thức trong vệ sinh nơi công cộng.
Thử tưởng tượng, một anh chàng bảnh trai đỗ phịch chiếc xe Mercedes bóng lộn vào sát lề đường, rồi vội vàng ra khỏi xe, “xả” thứ nước ấy vào bên vệ đường, gốc cây, xuống thẳng hồ nước. Thậm chí, người dân nào vô tình đi qua cũng ngượng ngùng quay mặt, trong khi kẻ đáng xấu hổ kia thì vẫn ngang nhiên làm những chuyện để người đi đường xấu hổ thay. Về chuyện này, dân gian Việt có câu: “Người dại cởi truồng, người khôn xấu hổ”!
Vậy, chế tài của luật pháp Việt Nam ở đâu? Người xử phạt những hành vi thiếu ý thức đó ở đâu? Cứ thử hỏi, mỗi một hành động thiếu ý thức đó ngay lập tức “được” lĩnh một phiếu phạt 500.000 VNĐ xem, tôi cá rằng, sẽ chẳng ai còn nghĩ đến chuyện “xả” tùy tiện ra nơi công cộng như vậy!
Rồi còn truyền thông và giáo dục, truyền thông – giáo dục phải làm gì để đẩy lùi những tật xấu ấy ra khỏi đời sống hiện đại của người dân Việt Nam. Tôi cho rằng, vẻ đẹp có giá trị nhất của truyền thông chính là phản biện xã hội…
Những hiện tượng xấu xí như thế không phản biện để diệt trừ khỏi xã hội hôm nay thì truyền thông làm gì?