Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tự uống thuốc giảm đau suýt bại liệt, tàn phế suốt đời

(DS&PL) -

Trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân thoát vị đĩa đệm tự ý mua và uống thuốc giảm đau.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, đại diện bệnh viện Gia An 115 cho biết, thời gian gần đây, trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân thoát vị đĩa đệm tự ý mua và uống thuốc giảm đau. Tự điều trị có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Bệnh nặng thêm sau khi uống giảm đau

Bác sĩ Trần Công Năng, bác sĩ chuyên khoa 1, khoa Ngoại Thần kinh, bệnh viện Gia An 115 đã trực tiếp phẫu thuật cho 2 bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống do dùng thuốc giảm đau khiến bệnh nặng thêm phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân H.N.Q. (SN 1966, ngụ tỉnh Lâm Đồng), phẫu thuật ngày 16/5. Với sự hỗ trợ của kính hiển vi phẫu thuật Leica M525 F50 có 3 thị kính có khả năng phóng đại lớn, độ sắc nét cao giúp quan sát rõ nét nơi thương tổn và máy C-Arm giúp định vị vùng mổ chính xác. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân diễn tiến tốt.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân N.T.T.T. (SN 1967, Tiền Giang). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau phần mông, đùi, cơn đau dữ dội đến mức không thể đi lại, ngồi cũng khó chịu. Bệnh nhân mua thuốc giảm đau uống nhưng tình trạng bệnh càng nặng thêm. Bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện Gia An 115 cấp cứu. Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L5-S1 và được mổ lấy đĩa đệm thoát vị vào ngày 20/5.

Bệnh nhân điều trị thoát vị đĩa đệm tại bệnh viện.

Cũng theo bác sĩ Trần Công Năng, có nhiều bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cố chịu đau và tự tìm đến thuốc giảm đau thay vì tới bệnh viện khám và điều trị vì lo ngại phải phẫu thuật, đối mặt với rủi ro tai biến và thời gian nằm viện dài. Nhưng, thực tế, không phải trường hợp nào cũng phải phẫu thuật. Nếu điều trị sớm, sẽ không tiến triển và có thể điều trị bảo tồn.

Bác sĩ Trần Công Năng cho biết thêm, ngày nay, ở nhiều bệnh viện lớn với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và thiết bị y tế hiện đại, đã áp dụng phẫu thuật vi phẫu và phẫu thuật nội soi, nên có tỉ lệ tai biến thấp, vết mổ nhỏ, thời gian bệnh nhân hồi phục rất nhanh. Bác sĩ Năng cũng khẳng định, việc bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm tự ý mua thuốc giảm đau, là một sai lầm mà rất nhiều bệnh nhân mắc phải. Bởi vì, tùy thuộc vào bệnh sử mỗi người bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp như điều trị bảo tồn (dùng thuốc, vật lý trị liệu) hay phải phẫu thuật.

Việc tự ý dùng thuốc giảm đau có thể gây nhiều tác dụng phụ như có nguy cơ viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan, thận... Bên cạnh đó, nó không chỉ làm giảm chất lượng sống mà còn có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn đại tiểu tiện, rối loạn cảm giác, tê bì chân tay, teo cơ, thậm chí bại liệt, tàn phế suốt đời.

Thực trạng tự ý sử dụng thuốc giảm đau của người Việt Nam đã xuất hiện từ lâu. Sau khi những cảnh báo về nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe khi lạm dụng thuốc được đưa ra, dường như tâm lý chủ quan ấy vẫn chưa được xóa bỏ. Việc lạm dụng thuốc giảm đau không cần toa có thể dẫn đến những rủi ro cho gan, thận, gây chảy máu, đột quỵ, nhất là đối với những bệnh nhân đã có các bệnh khác. Bác sĩ Nguyễn Duy Đỉnh (Thái Bình) cảnh báo, đối với những người có cơ địa đặc biệt hoặc trong người đã có bệnh lý sẵn, việc dùng thuốc giảm đau không có chỉ định của bác sĩ càng nguy hiểm. Ở nước ta, khi đau đầu, cảm cúm, đau bụng, đau cơ, đau khớp... nhiều người có thói quen ra nhà thuốc mua thuốc giảm đau để sử dụng mà không cần thăm khám hoặc mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ này khuyến cáo, thuốc giảm đau chỉ an toàn và hiệu quả khi sử dụng theo đúng hướng dẫn.

Sự thật gây sốc

Mới đây, một báo cáo mới nhất của trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy sự đột biến đáng báo động về số người chết do sử dụng thuốc giảm đau ở Mỹ. Các trường hợp tử vong thường do lạm dụng thuốc phiện và các chất ma túy như OxyContin và Vicodin. Khoảng 48.000 phụ nữ Mỹ đã chết vì dùng thuốc giảm đau quá liều kể từ năm 1999 đến 2010. Chỉ tính riêng năm 2010, dữ liệu gần nhất cho thấy hơn 6.000 phụ nữ đã tử vong do sử dụng thuốc giảm đau quá liều, trung bình khoảng 18 người tử vong mỗi ngày. Ngoài ra, riêng trong năm 2010, hơn 200 nghìn phụ nữ phải trải qua quá trình cấp cứu do lạm dụng thuốc giảm đau.

Phụ nữ trở nên phụ thuộc vào thuốc giảm đau nhanh và nhiều hơn nam giới. Tỉ lệ phụ nữ chết vì thuốc tử vong đang tăng nhanh hơn nam giới. Tỉ lệ trường hợp phụ nữ tử vong vì dùng thuốc giảm đau quá liều đã tăng lên đáng kinh ngạc, 400% kể tử năm 1999. Tương tự, tỉ lệ nam giới cũng tăng đáng kể, nhưng số lượng nhỏ hơn, 265%. CDC lý giải cho trường hợp này do phụ nữ thường gặp phải những chứng bệnh đau mãn tính nhiều hơn nam giới, bởi vậy, thuốc giảm đau là sự lựa chọn hàng đầu của họ. Đáng nói, hiện tượng sốc thuốc không xảy ra ngay lập tức sau khi sử dụng. Kể từ năm 2007, tỉ lệ phụ nữ tử vong do sử dụng quá liều, dẫn đến tai nạn xe hơi ngày càng tăng cao. Con số này không giới hạn với các trường hợp thuốc giảm đau theo toa, hay thậm chí cả các chất cấm như heroin hay các loại thuốc kê đơn. Cũng theo thống kê của CDC, số lượng phụ nữ trẻ tử vong vì lạm dụng thuốc giảm đau tăng cao. Phụ nữ trong độ tuổi từ 25-34 có nhiều khả năng tử vong do lạm dụng thuốc giảm đau so với bất cứ độ tuổi nào khác. Gần 50 nghìn phụ nữ trong độ tuổi này đã phải cấp cứu do dùng thuốc giảm đau không đúng cách.

Nhập viện cấp cứu vì lạm dụng thuốc giảm đau

Một nữ ca sĩ sinh năm 1991 tại TP. HCM từng khiến bạn bè và khán giả lo lắng khi tiết lộ phải nhập viện cấp cứu vì lạm dụng thuốc đau đầu, phát hiện bị suy gan. Trước đó, ca sĩ này chia sẻ, cô hay bị nhức đầu nên mua thuốc về trữ sẵn, có khi mỗi ngày cô đều uống vì thường xuyên bị nhức đầu. Sau khi uống 5 viên Panadol giảm đau, cô phải vào cấp cứu tại bệnh viện. Xét nghiệm bác sĩ chẩn đoán cô bị suy gan do lạm dụng quá nhiều thuốc Panadol, cô bảo từ nay không bao giờ dám tự ý đụng tới loại thuốc này nữa.

Lành Nguyễn

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sông & Pháp luật số 89

Tin nổi bật