“Nhặt xương cho thầy” bôi nhọ giáo viên ngày Nhà giáo Việt Nam
Hình ảnh trong đoạn phim hoạt hình "Nhặt xương cho thầy" được phát sóng trên VTV3. |
Mới đây, dư luận vô cùng bức xúc về việc ngày 19/11 vừa qua, chương trình “Quà tặng cuộc sống” của VTV3 đã cho phát phim hoạt hình “Nhặt xương cho thầy" với nội dung xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của cả xã hội đối với các thầy cô.
Hơn nữa, việc phát sóng chương trình này vào đúng dịp cả nước đang tri ân thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 nên lại càng tạo nên làn sóng phản đối dữ dội trong dư luận. Đặc biệt, rất nhiều giáo viên sau khi xem đã tỏ ra phẫn nộ bởi nội dung và thông điệp mà bộ phim đem lại.
Xem video:
Phim hoạt hình: "Nhặt xương cho Thầy"
Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật về sự việc trên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, với vi phạm trên của VTV, Bộ Thông tin từ Truyền thông đã có quyết định xử phạt đơn vị này với số tiền phạt là 30 triệu đồng.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cũng chia sẻ thêm rằng, dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, Nhà nước ta ngày nay cũng khuyến khích xã hội học tập. Trong lúc cả nước đang tri ân thầy cô nhân ngày lễ Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11 mà VTV3 lại phát phim đó là làm xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của cả xã hội đối với những người thầy, người cô.
“Chuyển động 24h” với câu chuyện Công Phượng
Đoàn thanh tra của VFF kết luận Công Phượng 19 tuổi. |
Sau khi đoàn thanh tra của VFF về xã Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An để xác minh tuổi thật của Công Phượng và kết luận tiền đạo của U19 Việt Nam sinh năm 1995, tức 19 tuổi tưởng như những tranh cãi trước đó sẽ lắng xuống.
Thế nhưng, mới đây, chương trình Chuyển động 24h của VTV đã đặt ra thêm những nghi vấn về tuổi thật của Công Phượng sinh năm 1993 chứ không phải là 1995 như tài kết quả thanh tra được công bố trước đó của VFF. Điều đó khiến những tranh cãi xung quanh chuyện trung phong này 19 tuổi hay 21 tuổi vẫn chưa có hồi kết.
Chương trình Chuyển động 24h tập trung phân tích sâu, kỹ những điểm bất cập trong giấy khai sinh, học bạ… của Công Phượng. Theo đó học bạ của Công Phượng ghi chép quá trình cầu thủ này học tại trường tiểu học Mỹ Sơn từ năm lớp 1 đến lớp 5 đều được ghi bằng một nét chữ, một nét mực.
Chưa hết theo tìm hiểu của VTV, một học sinh học cùng lớp với Công Phượng có học bạ được ghi hoàn toàn khác. Ngoài ra, bố mẹ của học sinh này cũng cho biết là con mình có học cùng Công Phượng. Những người làm chương trình cũng đã tìm đến công an huyện Đô Lương để tìm hiểu. Hồ sơ lưu tại đây đây ghi Công Phượng sinh năm 1993.
Từ những điểm bất hợp lý nói trên, chương trình Chuyển động 24h nhắn đến Công Phượng rằng hãy tự mình lên tiếng hóa giải những khúc mắc, qua đó cho dư luận câu trả lời chính xác nhất, đồng thời cũng giải thoát cho chính mình.
Nói về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc tỏ ra không đồng tình với cách làm của nhà đài: “Tôi không đồng ý việc chương trình Chuyển động 24h tung hê tất cả các thông tin cá nhân của Công Phượng lên sóng cả nước. Đây rõ ràng là vi phạm quyền riêng tư cá nhân, cái này Bộ luật Dân sự hiện hành và sửa đổi đều quy định rõ. Tôi nghĩ trong vấn đề này báo chí đã bị yếu tố giật gân, câu khách tác động".
Trang phục gây phản cảm của nhóm F Band trong Bán kết Nhân tố bí ẩn. |
Vào ngày 12/10, chương trình Nhân tố bí ẩn phát sóng đêm Bán kết, trong đó có phần trình diễn của nhóm F Band với tiết mục Mash up các ca khúc Tây Nguyên, trang phục diễn lúc đó của nhóm là trang phục Tây Nguyên, đóng khố.
Ngay sau chương trình, nhiều khán giả dân tộc Thái đã bức xúc lên tiếng khi chiếc khăn Piêu truyền thống của người phụ nữ dân tộc họ bị các thành viên nhóm F-band quấn làm khố gây phản cảm.
Tới ngày 19/10, trong đêm chung kết Nhân tố bí ẩn được truyền hình trực tiếp trước hàng triệu khán giả, đại diện ban tổ chức đã chính thức gửi lời xin lỗi đến khán giả, đặc biệt là người dân tộc Thái vì “sự cố” dùng khăn Piêu làm khố cho thí sinh vào đêm bán kết trước đó.
Với sai phạm này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt VTV 15 triệu đồng.
Cảnh thí sinh Khánh Phương chặt đầu con baba được quay cận cảnh trên truyền hình khiến dân mạng phẫn nộ. |
Trong chương trình Vua đầu bếp phát sóng vào tối 20/9, cảnh tượng các thí sinh vật lộn với những động vật sống như baba, cá mặt quỷ, cá chình, để chế biến thành món ăn khiến người xem giật mình.
Đa số ý kiến đều cho rằng mang cảnh giết động vật dã man lên màn ảnh nhỏ là sai sót không hề nhỏ của những người thực hiện chương trình Vua đầu bếp năm nay.
Sau đó, đại diện VTV đã lên tiếng thừa nhận sơ sót trong quá trình kiểm duyệt hình ảnh và cho rằng đây giống như một tai nạn nghề nghiệp.
Vị đại diện này cũng cho biết, sẽ yêu cầu cắt bỏ những hình ảnh "không hay" đó đi trong lần phát sóng lại. Đồng thời yêu cầu đơn vị thực hiện chương trình là Công ty BHD xử lý hình ảnh cần phải thận trọng hơn.
Phụ huynh bức xúc vì VTVCap8 chiếu phim hoạt hình "người lớn" cho thiếu nhi
Hình ảnh bị cho là dung tục xuất hiện trong phim. (Ảnh chụp lại từ clip). |
Đầu tháng 6, Kênh truyền hình VTVCap8 – Bibi của Đài truyền hình Việt Nam phát sóng bộ phim hoạt hình “Niềm yêu thích của Kirina”. Đây là bộ phim hoạt hình được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết rất ăn khách của Nhật Bản có tên: “Ore imouto ga konna ni kawaii wake ga nai” (dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Em gái tôi không thể dễ thương đến thế" được Kênh truyền hình VTVCap8- Bibi mua bản quyền đổi tên là “Niềm yêu thích của Kirina”).
Sau khi bộ phim được phát sóng, nhiều độc giả và phụ huynh có em nhỏ bức xúc phản ánh đến đường dây nóng báo Đời sống và Pháp luật về việc nội dung phim không phù hợp dành cho lứa tuổi thiếu nhi.
Liên quan đến vấn đề này ông Vũ Trọng Hiếu, Trưởng phòng, Ban biên tập Truyền hình cáp - Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: “Hiện tại bộ phim Niềm yêu thích của Kirina vẫn đang được phát sóng vào lúc 21h hàng ngày. Chúng tôi khẳng định công tác biên tập và biên dịch rất chặt chẽ. Chúng tôi luôn đề cao và loại bỏ tất cả những yếu tố tâm sinh lý không phù hợp với trẻ em Việt Nam.
Đối với truyền hình cáp, phim 13+ là một kênh phim thử nghiệm. Trước khi lên sóng, chúng tôi đều có khuyến cáo bảng chữ “Phim dành cho lứa tuổi 13 trở lên, khi xem phim cần có hướng dẫn của cha mẹ”, ông Hiếu nói và cho biết, hãng phim hoạt hình ở nước ngoài họ chỉ khuyến cáo bảng chữ ở đầu phim. Còn ở Việt Nam, do thói quen bật phim lúc nào xem lúc ấy, cho nên cứ 5 phút lại cho chạy bảng chữ một lần, mỗi lần 30 giây”.