VOV dẫn thông tin từ Business Insider cho hay, Tư lệnh Hải quân Ukraine Oleksii Neizhpapa tuyên bố sẽ phá hủy cầu Crimea - cây cầu chiến lược nối bán đảo Crimea với đất liền Nga, trong năm 2024. Bình luận của ông Neizhpapa được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Dmytro Gordon - cựu thành viên Hội đồng thành phố Kiev hôm 5/2.
Ông Neizhpapa cho rằng, “thời của cây cầu Crimea đã qua”. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ không phải đợi lâu. Chắc chắn là trong năm nay", ông chia sẻ, đề cập đến thời điểm chính xác cây cầu dài nhất châu Âu sẽ bị sập. Tuy nhiên, ông không nêu rõ phía Kiev sẽ thực hiện tuyên bố tấn công cầu Crimea như thế nào.
VTC News dẫn thông tin trên RT cho biết, cách đây không lâu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng bán đảo Crimea sẽ trở thành mục tiêu lớn nhất trong kế hoạch quân sự của Kiev trong năm 2024.
Theo ông Zelensky, Kiev có thể tăng cường tấn công Crimea, "cô lập" bán đảo bằng cách phá hủy cây cầu Crimea nối liền khu vực này với đất liền Nga. Để thực hiện mục tiêu đó, ông Zelensky một lần nữa yêu cầu tên lửa hành trình tầm xa Taurus do Đức sản xuất, vũ khí mà Berlin cho đến nay đã từ chối cung cấp ngay cả sau khi Pháp và Anh cung cấp cho Kiev tên lửa Storm Shadow.
Cầu Crimea là tuyến đường bộ ngắn nhất nối bán đảo Crimea với đất liền Nga. Ảnh minh họa: Sputnik
Cầu Crimea (hay cầu Kerch) được xây dựng từ năm 2016 - 2018, với chiều dài hơn 18km. Business Insider cho biết, cây cầu có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga vì đây là tuyến đường bộ ngắn nhất từ Nga tới Crimea, được quân đội Nga sử dụng để vận chuyển thiết bị và đưa binh sĩ tới Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi cầu Crimea là “phép màu” trong lễ khánh thành vào năm 2018. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky gọi đó là “cơ sở của kẻ thù” được xây dựng bất chấp luật pháp quốc tế.
Ukraine đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào cây cầu này trong các cuộc tấn công bắt đầu từ tháng 10/2022. Cụ thể, một vụ nổ hồi tháng 10/2022 đã khiến một phần cầu bị sập xuống biển, buộc Nga phải tiến hành sửa chữa trong thời gian dài. Ukraine không trực tiếp nhận trách nhiệm các vụ tấn công nhưng các quan chức nước này nhiều lần ám chỉ Kiev thực hiện.
XEM THÊM: Thượng viện Mỹ không thông qua dự luật trị giá 118 tỷ USD về nhập cư, viện trợ cho Ukraine, Israel
Vào tháng 7/2023, các vụ nổ đã gây ra thiệt hại lâu dài hơn, khiến Nga phải tạm đình chỉ giao thông đến và đi từ Crimea. Nga cho biết, cây cầu đã được sửa chữa và đi vào hoạt động bình thường vào tháng 10/2023. Thế nhưng, tình báo của Bộ Quốc phòng Anh thời điểm đó nhận định, cây cầu “chắc chắn là một gánh nặng an ninh đáng kể” đối với Moscow.
Bên cạnh các biện pháp bảo vệ sẵn có, Moscow được cho là đang sử dụng nhiều chiến thuật mới như sử dụng thiết bị tạo màn khói, đánh chìm phà và dựng cả rào chắn nổi để ngăn chặn các vũ khí tấn công cầu Crimea.
Đinh Kim (T/h)