Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Từ cửu vạn đến “nữ quái” trong đường dây buôn lậu 5.000 tấn thuốc bắc

(DS&PL) -

“Nữ quái” Nguyễn Thị Ngân cấu kết buôn lậu gần 5.000 tấn thuốc bắc khai toàn bộ số hàng hóa này đều của khách hàng Việt Nam đặt mua.

“Nữ quái” Nguyễn Thị Ngân cấu kết buôn lậu gần 5.000 tấn thuốc bắc khai toàn bộ số hàng hóa này đều của khách hàng Việt Nam đặt mua.

Khi lao động tự do “bắt tay” dân buôn lậu

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03), bộ Công an đã kết thúc điều tra vụ án buôn lậu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn và một số tỉnh thành.

Theo hồ sơ điều tra, bị can Nguyễn Thị Ngân là lao động tự do tại Ái Điểm, Trung Quốc, sinh ngày 16/12/1983, hộ khẩu thường trú tại thôn Phú Khánh, xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc.

Từ năm 2010, Nguyễn Thị Ngân sang Ái Điểm, Trung Quốc làm nghề bốc xếp hàng hóa cho các chủ hàng người Trung Quốc. Từ tháng 5/2019 đến tháng 12/2019, Ngân làm thuê xếp hàng thuốc bắc, hoa quả khô, đóng hàng cho người phụ nữ tên Yến (người Trung Quốc) để vận chuyển về Việt Nam.

Số thuốc bắc bị thu giữ.

Ngân khai biết việc Yến hợp tác với Lâm Đình Hưng, Lâm Đình Hoài để buôn lậu thuốc bắc về Việt Nam với thủ đoạn xếp lẫn thuốc bắc với hàng hóa là hoa quả khô. Ngân được Yến giao nhiệm vụ tổ chức thuê người đóng hàng vào các bao tải, bốc xếp hàng lên các phương tiện vận tải Trung Quốc, lập danh sách hàng hóa là thuốc bắc và hoa quả khô đã được bốc hàng lên gửi cho anh em Hưng, Hoài.

Thông thường sau khoảng từ 3 đến 4 ngày các xe hàng về đến cửa khẩu Chi Ma, Ngân sẽ thông báo trước cho Hưng và Hoài để đón hàng, làm thủ tục khai báo hải quan nhập khẩu và vận chuyển về Việt Nam đi giao cho khách hàng.

Nguyễn Thị Ngân thừa nhận, hàng hóa là thuốc bắc và hoa quả khô được đóng lên các phương tiện vận tải Trung Quốc đều là hàng hóa của các khách hàng Việt Nam với các cách đặt hàng như sau: Do các khách hàng tự đặt hàng trực tiếp với các chủ cửa hàng người Trung Quốc, đặt hàng qua các cửu vạn bốc hàng tại Ái Điểm hoặc đặt hàng trực tiếp qua Ngân.

Để thuận tiện cho việc lập danh sách hàng hóa, Ngân hoặc các chủ hàng Trung Quốc đặt cho mỗi khách một mã số tương ứng với thông tin địa chỉ, số điện thoại của khách hàng.

Tuy toàn bộ hàng hóa là thuốc bắc và hoa quả khô của các khách hàng người Việt Nam không phải do Ngân là người đặt hàng nhưng Ngân là người tổ chức phân công người làm của mình để đi gom hàng, bốc hàng, xếp hàng lên các phương tiện vận tải Trung Quốc; thống nhất với Hưng, Hoài về giá cước vận chuyển.

Ngân khai, Yến có trao đổi mỗi một tấn hàng về Việt Nam không phân biệt thuốc bắc, hoa quả khô thì Hưng và Hoài sẽ cho Ngân hưởng số tiền là 500.000 đồng/tấn, tuy nhiên đến ngày bị bắt, Ngân chưa được nhận số tiền này.

Tuy Ngân khai làm việc cho Yến, người Trung Quốc nhưng Ngân không đưa ra được căn cứ chứng minh và thông tin nhân thân liên quan đến Yến.

Do vậy, cơ quan chức năng xác định, Nguyễn Thị Ngân là người tổ chức đường dây buôn lậu thuốc bắc từ Trung Quốc về Việt Nam.

Trong quá trình điều tra, Ngân có thái độ ngoan cố, không khai báo thành khẩn, cản trở hoạt động điều tra, che giấu hành vi, vị trí, vai trò của mình trong đường dây buôn lậu, đổ tội cho các đối tượng có quốc tịch Trung Quốc.

Tuy nhiên, Ngân không đưa ra được thông tin cá nhân của các đối tượng này cũng như bất kỳ căn cứ nào khác để chứng minh cho lời khai của mình, gây khó khăn trong việc điều tra, làm rõ và mở rộng vụ án.

Sau khi bị cơ quan điều tra bắt quả tang xe hàng thuốc bắc ngày 4/12/2019, Ngân đã thu lại toàn bộ sổ sách, máy vi tính, điện thoại di động của các đối tượng giúp việc để cất giấu, tiêu hủy, dẫn tới cơ quan điều tra đã không thu được những tài liệu, chứng cứ trên.

Vì vậy, cơ quan điều tra chưa có căn cứ để chứng minh, làm rõ tổng số tiền hàng hóa thuốc bắc mà Ngân đã thu của khách hàng Việt Nam, cũng như số tiền mà Ngân thu lời bất chính.

Chi cục trưởng hải quan nhận 1,2 tỷ... để chung mua đất?

Tài liệu thu thập được từ máy tính xách tay của Lâm Đình Hưng thể hiện từ ngày 24/1 đến ngày 8/11/2019, Hưng đã đưa cho ông Hoàng Văn Quân, khi đó là chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, số tiền hơn 1,2 tỷ.

Trong đó, 500 triệu được ghi nội dung "đưa sếp Quân chung nhau mua đất Lạng Sơn" và số tiền 300 triệu ghi nội dung "chi anh Toàn + anh Quân tháng 7 dương".

Ông Quân khai có nhận 500 triệu từ Hưng để chung nhau mua đất tại Lạng Sơn, ngoài ra còn nhận 1 tỷ do Hưng gửi vào tài khoản của vợ ông.

Với số tiền trên, ông Quân đã dùng 1 tỷ 250 triệu mua đất của 5 hộ dân tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Toàn bộ giấy đặt cọc đều ghi tên người mua là vợ ông Quân. Còn lại 250 triệu đồng, ông Quân vẫn đang quản lý. Những số tiền khác theo ghi chép tại máy tính của trùm buôn lậu, ông Quân không thừa nhận.

Hiện nay ông Quân có đơn nộp lại số tiền đã nhận của Lâm Đình Hưng. Ngoài lời khai đưa tiền cho ông Quân như trên, Hưng và Quang còn khai đưa tiền cho hàng loạt công chức hải quan gồm: Hà Tuấn Tích, Vũ Quân, Lê Thanh Hải, Trần Hải Âu, Nguyễn Văn Quang, Chu Văn Điện từ 1-2 triệu trong quá trình làm thủ tục đăng ký nhập cảnh, mở tờ khai hải quan.

Tuy nhiên các công chức này không thừa nhận việc nhận tiền như lời khai trên. Tài liệu điều tra liên quan đến việc đưa nhận tiền chỉ là tài liệu một chiều, ngoài ra không thu thập được tài liệu nào khác để xác định việc này.

Do thời hạn điều tra đã hết và để đảm bảo thận trọng, khách quan, không bỏ lọt tội phạm, C03 đã quyết định tách tài liệu có dấu hiệu tội Đưa, nhận hối lộ để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định pháp luật.

Cơ quan điều tra cũng đã có văn bản gửi cục Hải quan Lạng Sơn và chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma có biện pháp xử lý nghiêm để kịp thời phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi vi phạm khác.

Hiện cơ quan chức năng đang cáo buộc Ngân câu kết với Hưng, Hoài thực hiện hành vi buôn lậu với số hàng hóa bị thu giữ trong quá trình bắt quả tang, khám xét khẩn cấp là 144.851kg thuốc bắc, tổng giá trị hơn 12 tỷ đồng, giá trị thuế phải nộp cho Ngân sách Nhà nước là hơn 923 triệu đồng và tổ chức vận chuyển 145 chuyến hàng với số lượng gần 5.000 tấn thuốc bắc buôn lậu từ Ái Điểm, Trung Quốc về Việt Nam để giao cho 288 khách hàng trên cả nước tiêu thụ với tổng tiền cước vận chuyển hơn 59 tỷ đồng; phạm vào điểm a, khoản 4, Điều 188 BLHS.

Nguyễn Thúy

Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (60)

Tin nổi bật