Cơ sở bốc thuốc của "thầy lang" Vân. |
Giáo viên dạy toán thành... lang băm
Ngày 20/9, PV báo Đời Sống và Pháp Luật đến xóm Khê Hiệp, thôn Mỹ Lại (xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi), để tìm hiểu rõ về chân dung của "thầy lang" Vân (50 tuổi).
Theo chỉ dẫn của người dân, PV ghé vào một quán nước ven đường. Cô chủ quán cho biết, ông Vân vốn là một thầy giáo dạy toán ở trường trung học cơ sở Võ Bẩm (xã Tịnh Khê). “Nhà ông có mấy cây hoa giấy trước nhà đó. Hôm qua công an xuống đây nhiều lắm. Hỏi ra mới biết ông giáo Vân là thầy bốc thuốc. Không biết ông bốc sao mà làm người ta nhập viện luôn," cô chủ quán nhanh nhảu cho biết.
Từ một thầy giáo, gần tháng nay ông Vân bỗng dưng biến thành một "thầy lang". Không qua trường lớp đào tạo về đông y, không có bằng cấp, chưa được cấp phép hành nghề nhưng ông vẫn bốc thuốc bắc, thuốc nam bán cho nhiều người. Vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2104, "thầy lang" Vân trực tiếp mang thuốc bắc do mình bốc đến địa bàn TP.Quảng Ngãi, tới nhà từng người giới thiệu là thầy thuốc Đông y, được chứng nhận Phật tử nhà chùa, chuyên chữa bệnh bằng phương thuốc gia truyền... Nhiều người nhẹ dạ cả tin đã mua thuốc của ông về uống, với giá 50.000 đồng/thang, mỗi người mua 10 thang.
Ông Vân quảng cáo với người bệnh, mình là thầy giáo nhưng ông ngoại và cậu ông là thầy lang bốc thuốc có tiếng. ông đã được truyền nghề lại nên biết khám, chữa bệnh bằng thuốc bắc và thuốc nam. Để lấy lòng tin của người dân, ông Vân khẳng định với họ: "Trước kia tôi chủ yếu bốc cho người thân anh em trong nhà uống chữa bệnh đau nhức mỏi tay chân, ai uống thuốc của tôi cũng khỏi bệnh. Có người sống trong Sài Gòn được người quen giới thiệu, đến tìm tôi cho thuốc về uống cũng bớt bệnh".
Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự cố khiến 4 người nhập viện trong tình trạng nguy kịch, quá trình kiểm tra các thang thuốc mà "thầy lang" Vân bán cho người bệnh sử dụng, Thanh tra sở Y tế Quảng Ngãi phát hiện một số loại cây làm thuốc ở cơ sở hành nghề trái phép của ông Vân không có trong danh mục của bộ Y tế . Đáng chú ý, trong mỗi thang có 11 vị, có một vị là cây lùng bung mà ông Vân cho rằng cây này là “vị thuốc bí truyền”, được ông hái trên những mỏm núi ở xã Bình Châu để chữa xương khớp, đau lưng. Không biết ông thầy giáo dạy toán học được “bí kíp" gia truyền gì mà ngang nhiên mở cơ sở bốc thuốc để chữa bệnh cứu người? Chỉ biết rằng, "bí kíp" ấy đã khiến 4 người nhập viện trong cảnh nguy kịch.
Những thang thuốc thu giữ được ở nhà ông Vân. |
“Thầy” trốn tránh khi có người lạ tìm đến
"Thầy lang" Vân hành nghề bốc thuốc chữa bệnh gần một tháng nay, nhưng hàng xóm láng giềng không hay biết. "Tôi chỉ biết ổng là thầy giáo, chứ ai mà biết ổng còn là thầy lang bốc thuốc chữa bệnh. Ngay cả khi công an xuống hỏi nhà ông lang Vân cũng không có ai biết", ông Trương Văn Được gần nhà ông Vân cho biết.
Ngay cả hai hộ dân sống sát nhà ông Vân vẫn không hay biết điều đó, chỉ đến khi công an xuống kiểm tra thì họ mới biết thầy giáo Vân sống bên cạnh nhà mình biến thành ông "thầy lang". Bà Nguyễn Thu Hà, sống sát nhà ông "thầy lang" Vân bần thần nói: "Sống cạnh nhà mà có hay biết gì đâu. Con gái tôi đi học thêm môn toán ở nhà ổng nhưng cũng đâu nghe nó nói gì".
Bà Hà bần thần khi nghe đến "thầy lang" Vân. |
Người dân sống quanh đây cũng không hề biết, "thầy lang" Vân có ông ngoại và cậu biết bốc thuốc chữa bệnh nổi tiếng như lời ông nói. "Chắc ổng đi quảng cáo rồi bán ở đâu đó, không thấy ai đến hỏi thăm nhà ổng để mua cả. Do đó, chúng tôi không hay ổng bốc thuốc chữa bệnh", bà Hà nói thêm.
Không chỉ người dân, mà cả chính quyền xóm Hà Khê cũng không hay biết về hoạt động của cơ sở bốc thuốc của "thầy lang" Vân. ông Trịnh Hân, Trưởng xóm Hà Khê cho biết: "ông Vân mở cơ sở nhưng cũng không báo gì ở chính quyền. ông hoạt động chui như thế không bốc thuốc tại nhà thì mình cũng chịu. Xưa nay, biết đến ổng là thầy giáo chứ ai ngờ ổng còn là thầy lang".
Vụ việc thầy giáo, không có bằng cấp về đông y cũng không có giấy phép hành nghề ngang nhiên bốc thuốc và chữa bệnh, khiến bốn người nhập viện trong cảnh nguy kịch, là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân không nên tin vào các thầy lang "dỏm" để rồi tiền mất mà tật mang. Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều cơ sở khám và chữa bệnh thiếu bằng cấp và giấy phép hành nghề như thế này tồn tại.
Qua quá trình kiểm tra, cho thấy ông Vân hành nghề không có chuyên môn, không hiểu hoạt chất thuốc đông dược dễ gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Thanh tra sở Y tế Quảng Ngãi quyết định đình chỉ cơ sở hành nghề đông y trái phép này. Đoàn thanh tra cũng niêm phong, tịch thu toàn bộ các thang thuốc Bắc khiến 4 bệnh nhân sau khi uống phải nhập viện cấp cứu. Sau khi xác định kết quả mẫu thuốc có độc tố gây ảnh hưởng sức khỏe các bệnh nhân, Thanh tra sở Y tế Quảng Ngãi sẽ có hướng xử phạt đối với "thầy lang" Vân.
Chiều 20/9, PV báo Đời Sống và Pháp Luật đã tìm gặp ông Vân nhiều lần nhưng không thể gặp được. Liên lạc qua điện thoại, ông Vân cũng không bắt máy. Thậm chí, đến tối cùng ngày, PV quay lại tìm gặp ông Vân vẫn không thấy tăm hơi. Một số người dân cho biết, từ khi xảy ra vụ việc, ông Vân đều trốn tránh khi có người lạ tìm đến.
Tác nhân gây ngộ độc có thể là vị thuốc mắt mèo xanh Thạc sỹ Phan Thị Nhung, bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Ngãi, thành viên đoàn kiểm tra nghi vấn nhiều khả năng vị thuốc mắt mèo xanh (người dân địa phương quen còn gọi là lùng bung - không có trong danh mục cho phép của bộ Y tế) có hàm lượng khá lớn trong thang thuốc của ông Vân. Đây có thể là tác nhân gây ngộ độc cho các bệnh nhân. Tuy nhiên phải chờ sau khi kiểm nghiệm xác định thành phần, hàm lượng thuốc mới biết chính xác đâu là nguyên nhân gây ngộ độc. Vẫn theo dõi sát sao diễn biến bệnh Đến sáng 21/9, sức khỏe của hai bệnh nhân Trần Thị Hải (50 tuổi) và Nguyễn Thị Hường (49 tuổi, ngụ TP. Quảng Ngãi, hai trong số bốn người uống thuốc của ông Vân) đã qua cơn nguy kịch sau khi được chuyển từ Quảng Ngãi về bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Khi nhập viện, các bệnh nhân này có dấu hiệu sốt cao, ăn uống kém, khó thở... Riêng bệnh nhân Hường, lục phủ ngũ tạng bị nhiễm những chất lạ gây tình trạng lọc máu của gan rất kém, khắp người bị nổi mẩn đỏ... Người nhà của bệnh nhân Hường và Hải cho biết, cùng nhập viện còn có thêm hai người nữa nhưng đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Ngoài ra, còn có một người uống thuốc nhưng chỉ ngộ độc nhẹ và điều trị ở nhà. Tất cả các trường hợp nay đều uống thuốc của ông Vân. Bác sỹ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học Nhiệt đới (bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng) cho biết: “Nhiều khả năng các bệnh nhân nói trên bị sốc phản vệ chậm, dị ứng sau khi uống thuốc bắc. Hiện bệnh nhân Hải đã ổn định, còn bệnh nhân Hường vẫn phải theo dõi sát sao vì bệnh diễn biến phức tạp. Dù chưa xác định các chất gây bệnh nhưng chúng tôi đã lường trước đến tình huống lọc máu cho bệnh nhân nếu cần thiết”. |