(ĐSPL) - Sau các nghệ sỹ, ca sỹ, diễn viên... bị triệu lên nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN), tới đây TP.HCM sẽ hướng sang các đối tượng là người làm cho nhiều doanh nghiệp, các bác sỹ, giáo viên người nước ngoài... Dư luận dậy sóng, nhất là giới y, bác sỹ, vì nhiều người nói họ có thu nhập thấp. Nhưng thực tế thì sao?
Bác sỹ có mấy nguồn thu?
Nhiều ý kiến cho rằng thu thuế TNCN đối với đối tượng là y, bác sỹ sẽ không phù hợp, vì họ là những đối tượng thu nhập thấp. Thế nhưng thực tế lại đang cho thấy điều ngược lại, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Chính vì thế, cơ quan thuế “lưu ý” đến chuyện truy thu thuế đối với đối tượng này ở TP.HCM là hoàn toàn phù hợp. Bởi như có người ví von, nếu như vào nhà thấy xe hơi thì biết nhà có thu nhập như thế nào và đến một bệnh viện, nhìn vào bãi đỗ xe dành cho cán bộ, công nhân viên mà chật cứng xe hơi thì đời sống của cán bộ, công nhân viên của bệnh viện đó phải rất khá. Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, quả là không khó để ghi hình những chiếc “xế xịn” của các bác sỹ làm việc tại các bệnh viện lớn. Chị T., bán nước trước cổng bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Ở đây có nhiều bác sỹ đi làm bằng xe ô tô lắm. Không biết họ làm việc như thế nào, thu nhập bao nhiêu nhưng đi làm bằng ô tô thì chắc cũng giàu”.
Theo một bác sỹ cho biết, nếu như trước đây, bác sỹ đi làm thêm, làm ngoài giờ, khám phòng mạch... là để kiếm thêm thu nhập, nhằm lo trang trải cho cuộc sống khó khăn. Thế nhưng, dăm bảy năm trở lại đây thì việc bác sỹ chạy hai ba “cuốc” là bình thường. Họ sẵn sàng chạy nhiều nơi để tăng thu nhập vì nguồn thu từ đây là không hề nhỏ. Chính vì thế, dễ dàng bắt gặp hình ảnh, hết ca làm việc tại nơi công tác, bác sỹ bắt đầu đến phòng mạch của mình hoặc phòng khám nhận làm ngoài giờ.
|
Giới y, bác sỹ hiện nay cũng có nguồn thu nhập cao là nhận định chung của nhiều người (ảnh minh họa). |
Ông Nguyễn Văn Cương, đang làm việc cho một doanh nghiệp phân phối thuốc tây cho biết, một nguồn thu nữa của các y bác sỹ chính là cho thuê bằng cấp của mình. Hiện nay, có rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đang xài bằng mượn. Đó là thực tế xảy ra bấy lâu nay nhưng để xử lý thì lại rất khó khăn. Thêm một nguồn thu nữa là hiện đang có luồng thông tin, mỗi ca phẫu thuật thành công, mỗi bác sỹ phẫu thuật chính sẽ nhận được từ 1 – 1,5 triệu đồng của gia đình biếu cho “công lao cực nhọc” của họ. Dù có nhiều bác sỹ không lấy, nhưng không phải là tất cả. Rồi những lần họ đi làm việc, phẫu thuật ở các địa phương, những khoản thu nhập đó sẽ tính thuế thế nào? Một bác sỹ cũng tiết lộ, vào các ngày nghỉ, những bác sỹ nào lành nghề, giỏi chuyên môn thường được mời đi nơi này, nơi kia mổ với thù lao rất cao. Vậy những nguồn thu này tính vào thu nhập gì?
Rồi như ở bệnh viện Từ Dũ, chị Nguyễn Thị Minh, ngụ quận Phú Nhuận kể: “Nếu chọn bác sỹ phẫu thuật hoặc “đỡ đẻ” cũng sẽ có giá khác nhau. Người thì 1,5 triệu đồng, người thì 1 triệu đồng, người lại 500 ngàn đồng/ca. Tôi không hiểu thu nhập này sẽ tính như thế nào?”. Bên cạnh đó, cũng còn thêm một “chiêu” kiếm tiền rất phổ biến của các y bác sỹ, đó chính là tiền hoa hồng từ các công ty phân phối dược phẩm. Anh Nguyễn Đình T., một chuyên viên trình dược chia sẻ, phải canh me rất dữ, tìm hiểu kỹ mới tiếp cận được họ (các bác sỹ). Sau đó phải tìm cách đánh bật được đối thủ đang đưa thuốc vào bệnh viện đó thông qua bác sỹ đó. Đương nhiên phải có lợi ích hơn bên kia, thì bác sỹ mới đồng ý. Khi đồng ý rồi thì phải thường xuyên chăm sóc các “bác” một cách tận tình, chu đáo, nếu không lại bị đánh bật như mình làm lúc ban đầu. Hiện nay, anh thấy đấy, nhiều bệnh viện đã ghi thông báo dán ngay cửa phòng khám: “Không tiếp trình dược trong giờ hành chính”. Nhưng thực tế thì khó nói lắm.
Họ là những người thu nhập cao từ lâu rồi!
Tuy nhiên, thông thường thì các y, bác sỹ lại chỉ phải đóng thuế TNCN tại nơi công tác chính. Phần còn lại, như người ta hay nói làm phụ nhưng thu nhập chính lại không phải đóng thuế gì cả. Đó cũng đang là ngịch lý đặt ra cho cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, không phải bây giờ, TP.HCM mới chú ý tới các đối tượng này. Một lãnh đạo ngành thuế TP.HCM cho biết, từ năm 2006, TP.HCM đã xác định, đối tượng y, bác sỹ là những người có thu nhập cao (theo thống kê thời điểm đó thì trung bình các y, bác sỹ có thu nhập khoảng trên chục triệu đồng/tháng, nhất là những người làm việc thêm giờ, khám chữa bệnh ở các cơ sở ngoài nơi công tác chính) và ngành thuế cũng đã đưa đối tượng này vào danh mục cần nộp thuế TNCN.
Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, trong đợt quyết toán thuế TNCN trong năm 2013, Cục Thuế sẽ chú ý tới các đối tượng là y, bác sỹ và giáo viên người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Việc làm này nhằm hướng đến mục tiêu công bằng, nâng cao ý thức nộp thuế của mọi người. Theo thạc sỹ Phạm Thanh Bình, đang làm việc cho một công ty tư vấn luật, thì hiện nay, theo quy định của pháp luật, tất cả mọi người, trong đó có cả những bác sỹ, giáo viên người nước ngoài... làm việc độc lập đều phải có nghĩa vụ nộp thuế TNCN, nếu nguồn thu của anh đến ngưỡng phải đóng.
Các chuyên gia cho rằng, nếu như ngành thuế còn lơ là đối với những đối tượng này thì sẽ thất thoát nguồn thu lớn. Đặc biệt là không nên trông chờ vào chuyện tình nguyện lên làm việc với ngành thuế mà phải tính toán và tiến hành mời người có nhiều nguồn thu như quy định của pháp luật lên để làm việc. Đầu tiên là những người làm ở các bệnh viện lớn, rồi cứ thể triển khai. Tránh để những người có nguồn thu rất cao, nhưng không nộp đồng thuế TNCN nào. Điều đó cũng đang làm mất công bằng đối với những người hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình.
Số tiền thuế không hề nhỏ Trong năm 2013, cục Thuế TP.HCM và những đơn vị liên quan cũng đã thực hiện công tác kiểm tra một số cá nhân có thu nhập nhiều nơi và người nước ngoài. Cụ thể với người có nguồn thu nhập từ nhiều nơi, cơ quan thuế đã truy thu gần 20 tỉ đồng của 39 hồ sơ. Đối với người nước ngoài, kiểm tra hơn 100 trường hợp truy thu trên 10 tỉ đồng. |