Theo Vietnamnet, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho biết trước đây nhà trường xét tuyển học bạ độc lập (khoảng 10%) chỉ tiêu hoặc kết hợp điểm học bạ với điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt (30-40% chỉ tiêu). Tuy nhiên, từ năm 2025, trường sẽ không sử dụng kết quả học bạ với cả hai phương thức này. Lý do là theo chương trình mới, mỗi học sinh sẽ lựa chọn và có điểm học bạ ở những tổ hợp khác nhau nên việc xét tuyển này không còn phù hợp.
Tuy nhiên, đại diện nhà trường cho biết đến nay trường vẫn chưa ban hành đề án tuyển sinh chính thức.
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ là một trong các phương thức tuyển sinh chủ đạo của trường trong năm 2025. Bên cạnh đó trường sẽ xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Với kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường, học sinh phải dự thi ít nhất hai môn, trong đó một môn chính (tùy tổ hợp). Điểm xét tuyển là tổng điểm môn chính nhân hệ số hai, cộng môn còn lại.
Kết quả thi được dùng xét tuyển cho 30 ngành đào tạo, chiếm 40-50% tổng chỉ tiêu. Số còn lại, trường dành xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, ưu tiên xét tuyển học sinh chuyên và tuyển thẳng (giải quốc gia, quốc tế).
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.
Báo Dân trí cho biết, đầu năm 2024, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM công bố kết quả phân tích điểm trung bình tích lũy của sinh viên trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển vào khác nhau vào trường.
Kết quả này được thực hiện trên dữ liệu của hơn 10.000 sinh viên trúng tuyển vào trường trong 3 năm 2020, 2021 và 2022.
Kết quả năm 2020 cho thấy, điểm trung bình tích lũy của sinh viên theo phương thức tuyển thẳng là 3,31/4,0; sinh viên trúng tuyển bằng học bạ THPT có điểm trung bình tích lũy là 3,19/4,0 và sinh viên trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT là 2,94/4,0.
Đối với sinh viên trúng tuyển năm 2021, điểm trung bình tích lũy của các phương thức trên lần lượt là 3,34; 3,22 và 3,06 trên thang điểm 4,0.
Năm 2022, điểm trung bình tích lũy của các phương thức theo thứ tự là 3,22; 2,69 và 2,85 trên thang điểm 4,0.
Ngoài ra, năm 2022, trường sử dụng thêm phương thức tuyển sinh kết hợp điểm học bạ THPT và điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt riêng của trường. Điểm trung bình tích lũy học tập của sinh viên trúng tuyển theo phương thức này là 3,22/4,0.
Theo đại diện nhà trường, số liệu trên thể hiện kết quả học tập của sinh viên xét tuyển bằng hình thức học bạ đều cao hơn so với phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, kết quả thấp hơn các phương thức tuyển thẳng.
Năm 2025, trường dự kiến tổ chức 3-5 đợt thi tại TP.HCM, Long An, Đà Nẵng, Gia Lai, với khoảng 30.000 lượt thí sinh. Hồi giữa tháng 8, Đại học Sư phạm TP.HCM thông báo thay đổi cấu trúc của 5 trong 6 môn thi. Đề thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học gồm 40 câu, chia thành ba phần, thay vì 50 câu với hai phần như trước đây.
Với môn Ngữ văn, đề gồm 22 câu ở ba phần: đọc hiểu (trắc nghiệm); viết đoạn văn ngắn; bài luận. Trong đó, phần viết đoạn văn ngắn là yêu cầu mới.
Nhìn chung, nội dung đề vẫn bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó kiến thức lớp 12 chiếm khoảng 70-80%
Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm TP.HCM năm 2025 sẽ được 7 trường dùng xét tuyển đầu vào, gồm: Đại học Công thương TP.HCM, Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2, các trường sư phạm trực thuộc Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Vinh.