Tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi với điểm học tập THPT
Việc tiếp tục sử dụng kết quả học bạ 3 năm THPT xét tuyển kết hợp điểm thi là sự thay đổi so với thông tin dự kiến trước đây của Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
Theo đó, thí sinh sẽ chọn và thi 1 môn chính trong các tổ hợp xét tuyển; 2 môn còn lại sẽ sử dụng điểm trung bình 6 học kỳ của 3 năm lớp 10, 11 và 12.
Nhà trường lưu ý, tỷ lệ điểm giữa môn chính và 2 môn còn lại có thể sẽ thay đổi theo hướng nâng cao trọng số của môn chính.
Các môn thi đa dạng, phù hợp với nhiều ngành học
Kỳ thi đánh giá chuyên biệt năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm TPHCM gồm 3 đợt thi vào tháng 4, 5 và tháng 7, với 2 điểm thi tại TP.HCM và 6 điểm thi ở Long An, Gia Lai, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng và Đắk Lắk.
Cụ thể, sẽ có 6 môn thi gồm toán học, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn và tiếng Anh.
Thí sinh có thể lựa chọn một hoặc nhiều môn thi phù hợp với nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các ngành học tại trường và các trường đại học đối tác của kỳ thi này.
“Nếu năm 2024 trường có 31 ngành học xét tuyển theo phương thức này, thì dự kiến năm 2025 sẽ áp dụng thêm một số ngành học: sư phạm lịch sử - địa lý, sư phạm địa lý, địa lý học, du lịch, quốc tế học để rộng mở cơ hội xét tuyển cho các thí sinh", GS.TS Huỳnh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM cho biết trên Tuổi trẻ Online.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt tại Đại học Sư phạm TP HCM, tháng 3/2024. Ảnh: VnExpress
Tăng cơ hội trúng tuyển tại nhiều trường đại học
Kết quả kỳ thi không chỉ sử dụng để xét tuyển vào các ngành học tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM mà còn được nhiều trường đại học sử dụng.
Đến nay, danh sách các trường này gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Công Thương TPHCM, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Đề thi bám sát chương trình mới
Đề thi năm 2025 sẽ được cải tiến trong cấu trúc câu hỏi, nội dung kiến thức trên tinh thần bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo đánh giá năng lực của thí sinh một cách toàn diện.
Trong đó, phần nội dung kiến thức của chương trình lớp 12 chiếm 70-80%, phần còn lại là nội dung kiến thức của chương trình lớp 10 và 11.
Đặc biệt, bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh sẽ tiếp cận theo định dạng bài thi đánh giá năng lực từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ thêm rằng trường đã nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ nhiều năm qua, với sự vào cuộc của các chuyên gia về chương trình, các tổng chủ biên, chủ biên chương trình cũng như sách giáo khoa và nhiều chuyên gia giáo dục phổ thông, nhất là các chuyên gia đánh giá.
Cũng theo ông Sơn, những chuẩn bị và điều chỉnh về kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đảm bảo định hướng của trường, cũng như thích ứng với thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, là sự đầu tư và tâm huyết của trường với phương châm tạo điều kiện tối đa cho học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018 và giảm tải các áp lực thi cử trên tinh thần nhân văn, tôn trọng…