Mới đây, truyền thông nhà nước Triều Tiên xác nhận nước này đã thử nghiệm phóng một thành phần của "vệ tinh do thám" mới vào ngày 5/3.
Cụ thể, hãng thông tấn KCNA cho biết: "Cơ quan Quản lý Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia CHDCND Triều Tiên (NADA) và Học viện Khoa học Quốc phòng đã tiến hành một cuộc thử nghiệm quan trọng vào thứ bảy (5/3) theo kế hoạch phát triển một vệ tinh do thám. Qua thử nghiệm, NADA đã xác nhận độ tin cậy của hệ thống truyền và nhận dữ liệu của vệ tinh, hệ thống chỉ huy điều khiển và các hệ thống điều khiển trên mặt đất khác nhau".
Tuy nhiên, phía Hàn Quốc cho rằng vụ phóng thử này là một vụ phóng tên lửa đạn đạo (ICBM).
Bản tin được phát sóng với cảnh Triều Tiên thử nghiệm vật thể không xác định vào ngày 5/3. Ảnh: AFP
Ông Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul, nhận định: "Vì vệ tinh và ICBM đều giống nhau từ trong ra ngoài nên một vụ phóng vệ tinh sẽ đưa bán đảo Triều Tiên trở lại đỉnh điểm căng thẳng mà họ từng chứng kiến vào năm 2017".
Tuy nhiên, ông Yang nói thêm rằng hai vụ phóng thử vật thể trong tháng này của Triều Tiên cũng có thể là một thông điệp mà Bĩnh Nhưỡng muỗn gửi tới Washington, ngầm tìm kiếm sự nhượng bộ để Triều Tiên không phải vượt qua "lằn ranh đỏ" của một vụ phóng ICBM.
Bình Nhưỡng đã tuân thủ lệnh cấm thử nghiệm ICBM và vũ khí hạt nhân kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un đồng ý tham gia vào một mối quan hệ ngoại giao cấp cao với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2017.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán sau đó đã sụp đổ và hoạt động ngoại giao giữa Mỹ - Triều Tiên đã suy yếu kể từ đó, bất chấp những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden để đưa các cuộc đàm phán trở lại.
Minh Hạnh (Theo AFP)