Tăng nhanh, nhưng phủ sóng chưa đều
Với ý nghĩa tạo nguồn quỹ chăm sóc sức khỏe cho thế hệ trẻ, BHYT nhận được sự tham gia tích cực của học sinh, sinh viên. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội (BHXH), hiện nay, toàn thành phố có gần 1,85 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đạt 96,07%, tăng gần 40.000 người so với năm 2019. Trên phạm vi cả nước, số lượng học sinh, sinh viên tham gia chính sách này cũng tăng dần qua các năm.
“Nếu như năm 2016, cả nước có 15,9 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 92,5%, thì đến tháng 9-2020, con số này đã tăng lên hơn 17 triệu người, đạt tỷ lệ hơn 95% tổng số học sinh, sinh viên”, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thông tin.
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm, cơ quan BHXH trích gần 1.000 tỷ đồng từ khoản thu BHYT học sinh, sinh viên để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho thế hệ trẻ. Hệ thống cơ sở y tế khám, chữa bệnh BHYT ngày càng được mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ, tiếp đón gần 8 triệu lượt học sinh, sinh viên đến khám, chữa bệnh mỗi năm với chi phí lên tới hơn 2.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, một số người đã được BHYT chi trả tiền khám, chữa bệnh lên tới hơn một tỷ đồng, như học sinh có mã số thẻ HS41717200xxxxx ở tỉnh Hòa Bình, học sinh có mã số thẻ HS40101215xxxxx ở Hà Nội…
Ảnh minh họa
Những dẫn chứng nêu trên phần nào cho thấy tính ưu việt của BHYT. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này vẫn gặp khó khăn, vướng mắc. Trên thực tế, mặc dù các cơ quan chức năng đã có quy định “bắt buộc” học sinh, sinh viên tham gia BHYT, nhưng một số cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc người tham gia, dẫn đến số người có tên trong danh sách BHYT chưa đồng đều giữa các nhóm đối tượng, địa phương. Nhóm đối tượng có nhận thức rõ ràng, đầy đủ về lợi ích của BHYT là sinh viên các trường cao đẳng, đại học mới có hơn 80% số người tham gia. Hệ quả là khi không may bị ốm đau, hoạn nạn, sinh viên thiếu “phao cứu sinh” cần thiết.
“Với tâm lý chủ quan cho rằng, người trẻ ít khi bị ốm đau, bệnh tật, tôi đã dùng số tiền gia đình cho để đóng BHYT vào việc khác. Đến khi không may bị ngã gãy chân, hai lần phải vào bệnh viện điều trị, gia đình phải chi trả viện phí cả chục triệu đồng, tôi đã nhận ra giá trị của tấm thẻ BHYT”, sinh viên Nguyễn Văn Hải, Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.
Hiện nay, điều đáng quan tâm là tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Ngay tại thành phố Hà Nội, khu vực nội thành có tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia cao hơn khu vực ngoại thành (quận Long Biên đạt 99,96%, quận Hà Đông đạt 99,22%, quận Tây Hồ đạt 99,13%…; còn huyện Ba Vì mới đạt 89,51%, huyện Hoài Đức đạt 91,4%...). Điều này làm giảm cơ hội được chăm sóc sức khỏe của giới trẻ, bởi vì đời sống của người dân vùng nông thôn thường gặp khó khăn hơn, nên khi không may gặp rủi ro, một số gia đình không đủ khả năng chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh cho con, em họ.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Để học sinh, sinh viên được bảo vệ bởi chính sách an sinh xã hội, cả nước phấn đấu thu hút 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT trong năm học 2020-2021. Theo đó, các ngành, đơn vị, địa phương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 3520/BGDDT-GDTC ngày 11-9-2020 hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục thể chất, thể thao và y tế trường học năm học 2020-2021 gửi các đơn vị liên quan. Nội dung công văn này có điểm cần lưu ý là Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố, các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, cơ quan BHXH các cấp tiếp tục hướng dẫn thực hiện BHYT học sinh, sinh viên; đẩy mạnh tuyên truyền về tính nhân văn, ý nghĩa nhân đạo, tính chia sẻ cộng đồng, trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia BHYT đến đông đảo phụ huynh, giúp phụ huynh hiểu rõ và tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tham gia BHYT.
Theo hướng này, hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã có công văn hướng dẫn, đôn đốc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên. Tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã giao các sở, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện tốt công tác BHYT học sinh, sinh viên; chỉ đạo hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, bảo đảm đạt 100% học sinh, sinh viên tham gia. Việc thực hiện chỉ tiêu học sinh, sinh viên tham gia BHYT trong năm học 2020-2021 là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng, bình xét thi đua, khen thưởng đối với các đơn vị, địa phương, trường học…
Với sự nỗ lực từ nhiều phía, hy vọng mục tiêu thu hút 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT sẽ trở thành hiện thực.
Thu Hà