Theo Điều 3, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) “là những sản phẩm được dùng để bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”. Cũng theo nghị định này, tại điều 27, đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo. Đồng thời, phải khuyến cáo “sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
TPBVSK Phong tê thấp - HTP được quảng cáo trên website https://hathongphong.vn.
Pháp luật quy định rõ ràng là thế nhưng hiện vẫn còn nhiều đơn vị ngang nhiên vi phạm, quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.
Đơn cử, trên website https://hathongphong.vn được cho là của công ty TNHH Đông y Hà Thống Phong (địa chỉ tòa nhà Paragon, 86 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều TPBVSK quảng cáo không phù hợp với tác dụng của sản phẩm đã công bố trong bản công bố sản phẩm.
Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm cho TPBVSK Phong tê thấp-HTP của công ty Hà Thống Phong ghi địa chỉ đơn vị này tại số 116A, ngõ 72, đường Nguyễn Trãi, Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội khác với quảng cáo trên website.
Cụ thể, các sản phẩm Viên khớp TD, Viên gout TD3, Phong tê thấp, Hà thống phong đều được quảng cáo có thể “trị” các bệnh, triệu chứng như viêm khớp, gout cấp,... nhưng trên bao bì sản phẩm lại ghi rõ là TPBVSK.
Để tìm hiểu về sản phẩm Phong tê thấp - HTP, phóng viên đã liên hệ qua số điện thoại 0933.819.5xx được niêm yết trên website cũng như tại giấy Tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm số 4077/2021/ĐKSP được cục An toàn Thực phẩm - bộ Y tế cấp ngày 07/05/2021 cho sản phẩm này.
Theo lời tư vấn viên, “sản phẩm Phong tê thấp - HTP có tác dụng điều trị tốt về viêm, tràn dịch khớp, liệu trình gồm 02 hộp kéo dài trong 15 ngày có giá là 480.000vnđ/hộp”.
“Đây là thuốc có thể điều trị khỏi hẳn về tràn dịch khớp nhưng tất cả sản phẩm đông y khi đăng ký với bộ Y tế thì phải dưới hình thức là TPBVSK”, người này cho biết thêm.
TPBVSK được quảng cáo lồng ghép phản hồi, thư cảm ơn của người bệnh và kiến thức điều trị bệnh nhằm tạo niềm tin với khách hàng.
Không chỉ vậy, sản phẩm này còn được quảng cáo lồng ghép các bài thuốc đông y dưới hình thức chia sẻ kiến thức điều trị bệnh và phản hồi, thư cảm ơn của khách hàng nhằm tạo sự tin tưởng của người bệnh khi sử dụng sản phẩm.
Ngoài ra, sản phẩm Viên khớp TD cũng được trang web trên quảng cáo tương tự.
TPBVSK viên khớp TD được quảng cáo triều trị bệnh viêm khớp, đau nhức khớp.
Việc quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm như trên khiến nhiều khách hàng lầm tưởng về tác dụng thật sự của các TPBVSK này, tiềm ẩn nguy hiểm tới sức khỏe của người sử dụng.
Hành vi trên có thể bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy Tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm từ 03-05 tháng, tước quyền sử dụng giấy Xác nhận nội dung quảng cáo từ 20-24 tháng, theo khoản 4-5-6, điều 52, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Qua đây, cần sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa của cơ quan chức năng, đặc biệt là cục An toàn thực phẩm - bộ Y tế để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người tiêu dùng.
Trọng Nghĩa