Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhãn hàng mạnh tay gỡ quảng cáo trên các kênh có nội dung xấu độc

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng đã lập tức gỡ và ngăn chặn ngay nội dung quảng cáo khi thấy thương hiệu hiện diện trên các kênh có nội dung xấu độc.

Gỡ quảng cáo trên các kênh có nội dung bẩn

Theo báo Tuổi trẻ, nhiều nhãn hàng, doanh nghiệp quảng cáo đã tích cực phối hợp với đối tác gỡ và ngăn chặn ngay khi thấy thương hiệu hiện diện trên các kênh có nội dung bẩn, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) công bố danh sách các trang, kênh sạch (Whitelist).

Nhãn hàng mạnh tay gỡ quảng cáo trên các kênh có nội dung xấu độc. Ảnh: Kinh tế đô thị

Theo đó, sau khi phát hiện thương hiệu xuất hiện trên quảng cáo trong một số video có nội dung bẩn, hệ thống bán lẻ sản phẩm công nghệ Di Động Việt cho biết đã lập tức làm việc với đối tác Google (đơn vị phân phối quảng cáo trên nền tảng YouTube), vì những phân phối ngẫu nhiên đang ảnh hưởng trực tiếp đến nhận diện thương hiệu.

Tương tự, Công ty bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) cũng cho biết đã thực hiện một số hành động như: loại trừ trực tiếp các kênh/video liên quan tới chính trị, phản động; yêu cầu Google cung cấp bộ từ khóa loại trừ, để quảng cáo không được phân phối vào nhóm nội dung độc hại. Loại trừ ở cấp độ tài khoản quảng cáo cao nhất.

Theo Công ty FRT, việc Bộ TT-TT ban hành Whitelist với những kênh truyền thông đã được rà soát và kiểm chứng là động thái cần thiết. "Chúng tôi có một bộ danh sách rõ ràng từ phía cơ quan nhà nước, thuận lợi cho việc xác định chiến lược truyền thông, quảng cáo trên các kênh truyền thông chính thống", đại diện đơn vị này nói.

Trong khi đó, đại diện sàn thương mại điện tử Shopee cam kết "nghiêm túc và nỗ lực tuân thủ các quy định của cơ quan chuyên trách về hoạt động quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến".

Chia sẻ với báo Đầu tư, đại diện Vinamilk cho biết doanh nghiệp này đã có quy trình lựa chọn các nội dung sạch để đưa quảng cáo vào. Đồng thời, sử dụng bộ từ khóa cùng với hệ thống công nghệ Mỹ để lọc nội dung xấu độc. “Chúng tôi kiên quyết không quảng cáo trên các kênh, nội dung xấu độc”, vị đại diện này cho biết.

Whitelist cần làm mới mình để thu hút hơn

Theo nhiều chuyên gia lĩnh vực quảng cáo, các trang, kênh trong danh sách Whitelist cũng phải chủ động thay đổi chính mình để thu hút thêm nhiều quảng cáo hơn. 

Ông Nguyễn Quang Tuân - giám đốc Công ty truyền thông và quảng cáo Dòng Chảy Phương Nam, cho rằng các tờ báo, trang tin nên thúc đẩy đa phương tiện mạnh hơn trên các nền tảng mạng xã hội để cung cấp nguồn tin, bài viết tốt đến độc giả.

Còn theo ông T., giám đốc một mạng lưới quảng cáo tại TP.HCM, các công ty mạng lưới quảng cáo Adnetwork trong nước luôn gặp bất lợi khi phải làm việc trực tiếp với những tờ báo, trang tin trong Whitelist vì cơ chế, sự cứng nhắc và không ủng hộ Digital Marketing (tiếp thị kỹ thuật số) trong nước, chậm tiếp thu những công nghệ quảng cáo mới khiến doanh thu quảng cáo của các tờ báo, trang tin sụt giảm.

Theo khuyến nghị của ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCcorp, hiện chưa có nhiều nhãn hàng lớn quan tâm đến vấn đề này. Giải pháp tốt nhất là các doanh nghiệp quảng cáo và nhãn hàng xây dựng tiêu chuẩn, bộ tiêu chí của nhãn hàng để làm quảng cáo. Tùy từng nhãn hàng có các tiêu chuẩn khác nhau, nếu xây dựng, sẽ vừa giải quyết được câu chuyện đảm bảo an toàn và hiệu quả tiếp cận người dùng.

“Black list hay white list giải quyết được vấn đề nhanh, lập tức. Nhưng danh sách đó hôm nay là trắng, mai có thể chuyển thành đen và ngược lại. Nếu kết hợp với việc giám sát chặt chẽ, sẽ mang lại hiệu quả. Cơ bản là công cụ kiểm soát tốt lên sẽ giảm vi phạm, nhưng cần có thời gian để các nhãn hàng lớn tuân thủ”, báo Đầu tư dẫn lời ông Tân.

Trước đó, hồi tháng 3/2023, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã công bố danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (White List, hay còn gọi là kênh “sạch”) sử dụng cho hoạt động quảng cáo…

Trong danh sách gồm nhiều công ty/đơn vị có thương hiệu như Công ty Cổ phần VN (với trang mạng xã hội mp3.zing.vn; tv.zing.vn...); Tổng Công ty Viễn thông Viettel - Chi nhánh Tập đoàn Viễn thông Quân đội (radio.tinngan.vn), Kênh VOV giao thông quốc gia (vovthethao.vn); Công ty TNHH Phát triển Truyền thông Truyền hình Việt Nam (mangxahoiviet.vn); Công ty Cổ phần VDC online (mgame.com.vn); Công ty cổ phần BKAV (home123.vn)...

Danh sách các trang mạng xã hội “sạch” trên mạng Việt Nam (white list) theo công bố của Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử nhằm mục đích giúp các nhãn hàng, đại lý ưu tiên, lựa chọn quảng cáo. Theo Bộ TTTT, bộ danh sách này hiện nay đã phát triển đủ lớn và phong phú và đảm bảo đáp ứng được nhu cầu quảng cáo an toàn, hiệu quả cho doanh nghiệp.

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật