(ĐSPL) - Đó là nội dung có trong Chỉ thị mà UBND TP Hồ Chí Minh phát đi mới đây.
Nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Đinh Dậu năm 2017, đồng thời tổ chức chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần nhan dân thành phố, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2016, UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị thực hiện 05 nội dung cơ bản:
Thứ nhất, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2016, tổ chức chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, đảm bảo mọi người dân, mọi gia đình đều có Tết.
Thứ hai, tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, quản lý nhà nước về giá, chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Thứ ba, tổ chức tốt các hoạt động vui chơi, giải trí gắn với tuyên truyền chính trị; không tổ chức các lễ hội quá sớm trước Tết hoặc kéo dài nhiều ngày sau Tết, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính.
Thứ tư, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, quan hệ lao động ổn định tại doanh nghiệp, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ và mỹ quan đô thị.
Thứ năm, bảo đảm chất lượng, tiến độ công việc của cơ quan, đơn vị trước và sau các ngày nghỉ Tết; chấm dứt các hoạt động chúc tụng đầu năm, tập trung ngay vào công việc không được để người dân, doanh nghiệp chờ đợi.
TP. Hồ Chí Minh tăng cường quản lý giá cả hàng hóa Tết. |
Theo báo cáo mới đây của Sở Công Thương thành phố, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 02 tháng Tết là trên 17 nghìn tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng (+5,3%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Bính Thân 2016 (16,2 nghìn tỷ đồng), trong đó giá trị hàng bình ổn thị trường là trên 6,8 nghìn tỷ đồng.
Trong đó 01 tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 29/12/2016 đến 27/01/2017 (từ 01 đến 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị khoảng 9,7 nghìn tỷ đồng, giá trị hàng bình ổn thị trường khoảng 3,7 nghìn tỷ đồng.
Nguồn vốn các ngân hàng tham gia đăng ký hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thực hiện bình ổn thị trường là 12.900 tỷ đồng, tăng 1.050 tỷ đồng so năm 2015 với lãi suất tương đương năm 2015 từ 5,5-7%/năm trong ngắn hạn và 9-10% trong trung, dài hạn.
Đây là năm thứ 4 thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách cho cả 04 chương trình.
Tổng số doanh nghiệp tham gia: 86 doanh nghiệp (42 doanh nghiệp lương thực, 15 doanh nghiệp Mùa khai trường, 14 doanh nghiệp dược phẩm, 05 doanh nghiệp sữa và 10 Ngân hàng).