Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

TP.HCM: Hơn 5.000 học sinh tiểu học phải thi lại để xét lên lớp

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2022 - 2023, thành phố ghi nhận 5.127 học sinh tiểu học phải thi lại để xét lên lớp, chiếm tỷ lệ 0,83%.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ Giáo dục Tiểu học năm học 2023 - 2024 vào chiều 21/8, Sở SD&ĐT TP.HCM cho biết, kết quả học tập và rèn luyện năm học vừa qua của học sinh bậc tiểu học tại TP.HCM đạt được con số khá ấn tượng, với 449.375 học sinh được khen thưởng, đạt tỷ lệ 72,99%. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại.

TP.HCM: Hơn 5.000 học sinh tiểu học phải thi lại để xét lên lớp.

Cụ thể, thông tin trên báo Tuổi trẻ, TP.HCM có 2.531 học sinh lớp 1, chiếm tỷ lệ 2,11%, phải thi lại để xét lên lớp, 109 học sinh lớp 1 bỏ học. Với khối lớp 2, TP.HCM có 709 em học sinh phải thi lại để xét lên lớp và 25 học sinh bỏ học. 

Với khối lớp 3, TP.HCM có 638 học sinh phải thi lại để xét lên lớp và 30 học sinh bỏ học. Với khối lớp 4, 5 có 1.249 học sinh phải thi lại để xét lên lớp và 85 học sinh bỏ học. 

Riêng đối với học sinh lớp 5, năm học qua TP.HCM có 3.753 học sinh có điểm tổng kết môn tiếng Việt dưới 5, chiếm tỷ lệ 0,57% và 2.390 học sinh có điểm tổng kết dưới 5, chiếm tỉ lệ 0,36%. 

Những môn học khác của bậc tiểu học như Khoa học,Lịch sử - Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, tỷ lệ học sinh lớp 5 có điểm dưới 5 thấp hơn, nằm trong giới hạn nhỏ từ 0,01% đến 0,04%.

Như vậy, toàn khối tiểu học TP.HCM năm học vừa qua có 5.127 học sinh phải thi lại để xét lên lớp, chiếm tỷ lệ 0,83%, và 249 học sinh bỏ học. Trong đó, số lượng học sinh lớp 1 phải kiểm tra lại để xét lên lớp so với các lớp khác trong bậc học cao gấp 2,3 lần.

Trước những tồn tại của năm học 2022– 2023, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT TP.HCM đề nghị các phòng GD&ĐT quận, huyện, TP.Thủ Đức quan tâm đến chất lượng giáo dục môn Toán, Tiếng Việt. 

Bà Thúy cũng lưu ý, các trường tiểu học, phòng GD&ĐT không chạy theo thành tích nhưng cần nhìn lại để xây dựng biểu đồ, đánh giá lại số lượng học sinh trong từng khối học, từng môn học để có giải pháp cụ thể cho học sinh.

Đồng thời, bà Thúy đề nghị hiệu trưởng nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng học sinh, theo đối tượng dựa trên nguyên nhân dẫn đến chất lượng học tập.

"Căn cứ trên khảo sát thực tế, giáo viên chủ nhiệm quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ phụ đạo cho học sinh để hạn chế số lượng học sinh do chưa được quan tâm đúng mức mà phải kiểm tra lại. 

Đến khi học sinh phụ đạo cũng phải quan tâm hết sức, đến khi nào học sinh không đủ kiến thức thì mới để học sinh ở lại lớp. Vì nếu học sinh học mà có tổn thương không được quan tâm mà ở lại lớp thì đó là trách nhiệm của giáo viên, nhà trường", báo Tuổi trẻ dẫn lời bà Thúy lưu ý.

Theo báo VnExpress, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 đối với Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT đã đưa ra con số thống kê trên cả nước có 105.734 học sinh Tiểu học chưa hoàn thành chương trình (chiếm 1,14% trên tổng số hơn 9,2 triệu học sinh Tiểu học), trong đó có hơn 52.000 là học sinh lớp 1.

Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, lý do là học sinh tiểu học được đánh giá ở 8 môn học bắt buộc. Chỉ một môn chưa đạt, các em được coi như chưa hoàn thành chương trình. Trong số học sinh "chưa hoàn thành", hơn 3.600 em diện khuyết tật và hàng nghìn em ở vùng khó khăn, không học mẫu giáo 5 tuổi trước khi vào lớp 1.

"Đây là 2 diện học sinh cần quản lý để giúp các em không ngồi nhầm lớp, đặc biệt là học sinh lớp 1", ông Tài nói.

Ông Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học, nhìn nhận trong giáo dục, luôn có những trường hợp gặp khó khăn trong học tập. Do đó, con số hơn 52.400 em chưa hoàn thành lớp 1 là bình thường.

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật