Ngày 27/4, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, NATO và các nước đối tác đã cung cấp cho Ukraine 1.550 xe thiết giáp cùng 230 xe tăng, tương đương hơn 98% các phương tiện chiến đấu đã được cam kết trước đó.
Các đồng minh của Ukraine cũng đã gửi “một lượng lớn đạn dược”, trong khi một số quốc gia đối tác của NATO như Thụy Điển và Australia cũng đã cung cấp xe bọc thép cho Kiev.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: TASS
Theo ông Stoltenberg, các nước thành viên NATO cũng đã cung cấp hệ thống phòng không và pháo cho Ukraine. Ba Lan và Cộng hòa Czech thì cung cấp máy bay MiG-29 do Liên Xô chế tạo. Ngoài ra, NATO cũng huấn luyện hàng ngàn binh sĩ Ukraine sử dụng vũ khí mà họ viện trợ.
Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra vào tháng 7 tới tại Litva. Ông Soltenberg nhận định hội nghị sẽ là nơi vạch ra lộ trình cho "chương trình hỗ trợ kéo dài nhiều năm" cho Ukraine.
Theo ông Stoltenberg, NATO tin rằng việc cung cấp càng nhiều vũ khí cho Kiev sẽ là cách tốt nhất để tạo điều kiện cho hòa bình ở Ukraine, vì nó sẽ cho phép chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky có được vị thế vững chắc hơn trên bàn đàm phán.
Tuy nhiên, người đứng đầu NATO cảnh báo không nên đánh giá thấp quân đội Nga, đồng thời cho rằng Nga đang điều hàng nghìn binh sĩ tiến công ở Bakhmut.
Con số 98% mà ông Stoltenberg đưa ra giống với phát ngôn của Christopher Cavoli - tướng Mỹ chỉ huy các lực lượng NATO ở châu Âu.
Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm 26/4, ông Cavoli cho biết 98% phương tiện chiến đấu mà phương Tây hứa cung cấp cho Kiev đã được chuyển giao. “Tôi rất tin tưởng rằng chúng tôi đã cung cấp các vật liệu mà họ cần, và chúng tôi sẽ tiếp tục một hệ thống để duy trì hoạt động của họ”, ông Cavoli nói.
Quân nhân Ukraine dỡ các lô tên lửa chống tăng do phương Tây viện trợ hồi tháng 2/2022. Ảnh: AP
Tuy nhiên, phía Ukraine, Cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky - ông Mikhail Podoliak đã phủ nhận thông tin trên. Ông Podoliak nhấn mạnh số liệu thống kê của ông Cavoli chưa được cập nhật và chỉ có Bộ Tổng tham mưu Ukraine mới có thể đưa ra những con số chính xác.
"Theo tôi, 98% là con số quá nhiều, quá lớn. Ukraine cần phải có nhiều thiết bị hơn, vì Kiev thực sự thiếu đạn, đặc biệt là cỡ nòng lớn. Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề này", ông Podoliak nói.
Xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài hơn một năm và chưa có hồi kết. Phương Tây liên tục bơm vũ khí cho Ukraine chống lại Nga. Nga cho rằng, quyết định của Mỹ và các nước NATO khiến cho đàm phán giữa Nga và Ukraine trở nên “vô nghĩa”.
Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự.
Mộc Miên (Theo TASS, Rastern Herald)