Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ ngày 23/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra bức tranh rõ ràng nhất về cách ông dự định thực hiện những lời hứa kinh tế trong chiến dịch tranh cử.
Vị lãnh đạo đề xuất cách tiếp cận "cây gậy và củ cà rốt" đối với kinh tế thế giới. Ông tin rằng cách tiếp cận này sẽ giúp giải quyết tốt cuộc khủng hoảng lạm phát và tài trợ cho các đề xuất cắt giảm thuế khổng lồ của ông. Ông Trump cảnh báo về các mức thuế mới khác nhau đối với tất cả các quốc gia.
"Thông điệp của tôi tới mọi doanh nghiệp trên thế giới rất đơn giản: Hãy đến sản xuất sản phẩm của bạn ở Mỹ và chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn mức thuế thấp nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên trái đất", chủ nhân Nhà Trắng nói.
Ngược lại, ông Trump cũng cảnh báo: "Nếu các vị không sản xuất ở Mỹ, vốn là một đặc quyền, các vị sẽ phải trả thuế. Với các mức thuế khác nhau, điều này sẽ mang lại hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ USD vào kho bạc của chúng tôi để củng cố nền kinh tế và trả nợ".
Ông Trump đã đề xuất mức thuế doanh nghiệp 15% (từ mức 21% hiện tại) đối với các công ty sản xuất tại Mỹ. Đề xuất này cần sự phê chuẩn của quốc hội.
Ưu đãi thuế thấp hơn chỉ có lợi cho các công ty sản xuất hàng hóa của họ ở Mỹ. Nếu muốn tiếp tục kinh doanh tại Mỹ trong khi sản xuất sản phẩm ở nước ngoài, họ sẽ phải chịu các hình phạt nặng nề dưới hình thức thuế quan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Sau lễ nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Mỹ chưa đưa ra sắc lệnh nào về áp thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử, ông dọa áp thuế 10% với toàn bộ hàng hóa vào Mỹ. Trong đó riêng sản phẩm từ Trung Quốc là 60% và Mexico, Canada là 25%. Đầu tuần này, ông cho biết đang cân nhắc áp thuế 3 nước này từ ngày 1/2. Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể bị áp thuế nhập khẩu, do thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Trong bài phát biểu tại Davos, Tổng thống Mỹ nhắc đến việc tháng 12/2024, đại gia viễn thông SoftBank (Nhật Bản) công bố đầu tư 100-200 tỷ USD vào Mỹ. Vài ngày trước, Oracle, SoftBank và OpenAI cũng thông báo sẽ đầu tư 500 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng AI tại nước này.
Trump tiết lộ Thượng viện và Hạ viện Mỹ, hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát, sắp thông qua chính sách giảm thuế lớn nhất lịch sử nước này. Trong đó gồm giảm thuế cho công nhân và gia đình, các nhà sản xuất tại đây. Hai đảng đang thảo luận để gia hạn gói giảm thuế trước đây của ông Trump.
"Trong nhiệm kỳ của tôi, sẽ không có nơi nào tuyệt vời để tạo ra việc làm, xây dựng nhà máy hay phát triển công ty hơn nước Mỹ", ông Trump khẳng định.
Cùng ngày, vị tổng thống Mỹ đồng thời bày tỏ lo ngại về các cuộc thảo luận của BRICS, một nhóm các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, nhằm thiết lập một loại tiền tệ mới để cạnh tranh với đồng USD.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Trump cảnh báo sẽ áp thuế 100% đối với các nước BRICS nếu họ cố thách thức sự thống trị của đồng USD.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, gần 2/3 dự trữ ngoại hối của thế giới được nắm giữ bằng đồng USD. Các mặt hàng chính như dầu mỏ vẫn chủ yếu được mua và bán bằng USD. BRICS đã phản hồi bằng cách nói rằng họ không có kế hoạch tung ra một loại tiền tệ mới và các cuộc thảo luận về việc ít phụ thuộc hơn vào đồng USD vẫn đang trong giai đoạn thăm dò.