Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cho chiến dịch tuyển quân nghĩa vụ mới theo thông lệ vào mùa thu, trong đó 120.000 công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự, Hãng thông tấn Nhà nước Nga TASS đưa tin.
"Để thực hiện nghĩa vụ quân sự từ ngày 1/11 đến 31/12/2022, 120.000 công dân Liên bang Nga từ 18-27 tuổi không thuộc lực lượng dự bị và được coi là đủ điều kiện sẽ tham gia nghĩa vụ quân sự", sắc lệnh cho biết.
Sắc lệnh cũng yêu cầu những quân nhân đã hết thời hạn nghĩa vụ quân sự, phải xuất ngũ. Chính phủ, chính quyền khu vực và các văn phòng tuyển dụng quân sự ở Nga đã được lệnh để đảm bảo thi hành sắc lệnh.
Nga đã cho nhập ngũ 134.000 công dân trong chiến dịch kêu gọi trước đó diễn ra vào mùa xuân và 127.500 người trong chiến dịch vào mùa thu năm 2021.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Politico.
Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga cho biết lính nghĩa vụ sẽ không tham gia hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine, trong khi lính nghĩa vụ giải ngũ sau khi kết thúc nghĩa vụ sẽ được đưa về nước. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết việc huy động quân sự một phần không ảnh hưởng đến lính nghĩa vụ chính quy.
TASS dẫn lời bộ Quốc phòng nước này nói rằng, thông báo mới này "không hề liên quan" đến xung đột Ukraine.
Ngày 23/9, Bộ Quốc phòng Nga công bố một số trường hợp được miễn trừ nhập ngũ, nằm ngoài diện 300.000 binh sĩ bổ sung cho chiến trường tại Ukraine theo lệnh tổng động viên.
Theo đó, nhân viên làm việc trong các ngành quan trọng sẽ được miễn trừ khỏi dự thảo nhằm “đảm bảo công việc của các ngành công nghệ cao cụ thể, cũng như hệ thống tài chính của Nga”.
Các ngoại lệ áp dụng cho nhân viên làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, chuyên gia tài chính, cũng như một số đối tượng làm việc các cơ sở truyền thông đại chúng “quan trọng về mặt hệ thống”.
Nga phân loại các nhân sự quan trọng và những công ty cốt lõi trong các ngành công nghiệp là "quan trọng về mặt hệ thống" nếu họ đáp ứng các ngưỡng nhất định về số lượng nhân viên, doanh thu hoặc các khoản thanh toán thuế hàng năm.
Trong số các phương tiện truyền thông được phân loại như vậy trước đây có nhiều kênh truyền hình, đài phát thanh, hãng thông tấn và báo chí do nhà nước điều hành, cũng như một số hãng truyền thông tư nhân của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết người đứng đầu các công ty nên lập danh sách nhân viên đáp ứng các tiêu chí để có thể không bị đưa vào danh sách nhập ngũ.
Bích Thảo (Theo TASS)