Tổng thống Putin lên tiếng về "tối hậu thư"
"Một số quốc gia vẫn đang cố gắng nói chuyện với Nga bằng ngôn ngữ của tối hậu thư, ngay cả trong những ngày kỷ niệm 80 năm Chiến thắng", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với các phóng viên vào ngày 11/5, sau khi Nga kết thúc các hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng
"Sớm hay muộn, dựa trên những bài học lịch sử và quan điểm của chính người dân, chúng tôi sẽ bắt đầu tiến tới việc khôi phục quan hệ với các quốc gia châu Âu", ông Putin nói, đồng thời cho biết điều này cũng áp dụng cho những quốc gia đang "cố gắng trao đổi một cách thiếu tôn trọng với Nga".
Trước đó, trong khi Nga tổ chức các sự kiện kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức, các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Ba Lan đã tập trung tại Kiev vào ngày 10/5 để tham gia các cuộc đàm phán cấp cao với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Sau đó, Tổng thống Zelensky tuyên bố các nhà lãnh đạo tham gia cuộc họp nhất trí rằng lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện phải bắt đầu vào thứ Hai, ngày 12/5 và kéo dài ít nhất 30 ngày.
Ông Zelensky cảnh báo nếu Moscow từ chối lệnh ngừng bắn, các lệnh trừng phạt mạnh hơn sẽ được áp dụng đối với các lĩnh vực năng lượng và ngân hàng của Nga. Nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố việc chuẩn bị cho gói trừng phạt thứ 17 của Liên minh châu Âu (EU) đã được tiến hành và sẽ được phối hợp với các biện pháp trừng phạt từ Anh, Na Uy, Mỹ.
tong-thong-putin-bat-ngo-len-tieng-ve-toi-hau-thu-cua-phuong-tay-ukraine-ra-tuyen-bo-nong-ve-vung-phi-quan-su-98.png
Bình luận về gói trừng phạt mới do Anh công bố gần đây, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 10/5 cho biết: "Chúng tôi biết mình sẽ phải làm gì sau khi các lệnh trừng phạt được công bố và cách chúng tôi sẽ giảm thiểu tác động của chúng".
RT đưa tin sáng 11/5, Tổng thống Putin đã đề xuất đàm phán hòa bình với Ukraine trong chuyến thăm Istanbul vào ngày 15/5. Nhà lãnh đạo khẳng định Nga không phải là bên chấm dứt các cuộc đàm phán vào năm 2022, mà chính là Ukraine. Ông Putin cho biết Moscow sẵn sàng nối lại đàm phán trực tiếp với Kiev “mà không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã kêu gọi "ngừng bắn vô điều kiện" giữa Nga và Ukraine, đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu lệnh ngừng bắn không được tuân thủ.
"Mỹ và các đối tác sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nếu lệnh này bị vi phạm", ông Trump nói.
Ukraine từ chối đề xuất lập vùng phi quân sự 30km
"Về vấn đề vùng phi quân sự, rút quân... tôi đã nghe về nó trên truyền thông và không chỉ trên truyền thông, mà từ rất nhiều người, nhiều cơ quan tình báo. Chính thức thì Ukraine chưa bao giờ đề xuất điều gì như vậy. Nhưng giống như những người dò mìn, ai cũng đang tìm cách thử nghiệm điều gì đó với chúng tôi", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại cuộc họp báo ở Kiev cùng với các lãnh đạo Pháp, Anh, Ba Lan và Đức.
(Từ trái sang): Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Thủ tướng Đức Friedrich Merz gặp nhau tại thủ đô Kiev (Ukraine) ngày 10/5. Ảnh: Bộ Ngoại giao Ukraine.
Ông Zelensky cho rằng, ý tưởng về việc lập vùng đệm 30km với Nga hiện không còn phù hợp.
"Vấn đề vùng phi quân sự hai chiều, mỗi bên 15km, tại sao lại là 15km? Và sẽ đo từ đâu, từ biên giới, từ đường tiếp xúc? Ngay cả nếu chấp nhận 15km, vậy chúng ta sẽ làm gì với Kherson? Điều đó có nghĩa là sẽ không có quân đội Ukraine ở Kherson. Nếu quân ta không có mặt ở Kherson, thì chúng ta sẽ mất Kherson", ông nói.
"Nếu chúng ta đồng ý thiết lập vùng đệm và rút lui 15km khỏi các thành phố như Kherson, Kharkov và Sumy, có thể người ta sẽ nghĩ rằng hòa bình đã được lập lại, nhưng chiến sự vẫn sẽ tiếp diễn tại các thành phố đó, bởi pháo binh sẽ tiếp tục bị bắn ra từ bên kia. Vì thế, lúc này còn quá sớm để bàn tới chuyện này và ý tưởng đó, hiện tại, đã không còn nữa”.
Trước đó, ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Ukraine đã đề xuất ý tưởng về một vùng phi quân sự do Ukraine và Nga cùng kiểm soát.