Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tổng nợ xấu 28 ngân hàng vượt 200.000 tỷ đồng: Ngân hàng nào có nợ xấu lớn nhất?

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Nợ xấu ngành ngân hàng tiếp tục gia tăng, tại ngày 30/9/2023, tổng nợ xấu 28 ngân hàng tăng vọt 49,5% so với số đầu năm lên 201.849 tỷ đồng.

Theo tạp chí Nhà đầu tư, tại ngày 30/9/2023, tổng dư nợ cho vay tại 28 ngân hàng là hơn 9,3 triệu tỷ đồng. Ngoại trừ Ngân hàng TMCP An Bình (UPCOM: ABB) với dư nợ cho vay giảm gần 0,5%, tất cả các ngân hàng còn lại đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng dương.

Nợ xấu 28 ngân hàng vượt 200.000 tỷ đồng.

Một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng mạnh nhất là VPBank (19%), MSB (17,08%), MBB (16,4%), BaoVietBank (16,41%), Techcombank (13,1%), VietBank (13,7%), LPBank (11,94%), TPBank (11,77%).

Đánh giá từ CTCP Chứng khoán VNDirect, quý III/2023, nhóm ngân hàng quốc doanh (VCB, BID) có mức tăng trưởng tín dụng khiêm tốn, lần lượt là 1% và 1,4% so với quý trước, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 2,4% so với quý II/2023.

Trong khi đó, tổng nợ xấu tại 28 nhà băng tại ngày 30/9/2023 tăng vọt 49,5% so với số đầu năm lên 201.849 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ xấu tại tất cả các ngân hàng đều tăng. Trong đó, có đến 9/28 nhà băng có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ vượt mức 3%.

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết nợ xấu nội bảng của hệ thống có xu hướng tăng nhanh từ năm 2022 từ tiếp tục tăng vào những tháng đầu năm 2023. Cập nhật đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là khoảng 3,56%, tăng vọt so với con số 2% cuối năm 2022 và 1,69% cuối năm 2020. Còn tỷ lệ nợ xấu "đầy đủ" (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái,…) lên đến 6,16%.

Lưu ý rằng, tỷ lệ nợ xấu kể trên đã bao gồm 5 nhà băng thuộc diện mua lại bắt buộc hoặc kiểm soát đặc biệt (SCB, Đông Á Bank, Oceanbank, CB, GPBank). Nếu loại trừ thì tỷ lệ nợ xấu toàn bộ là khoảng 4,5% còn tỷ lệ nội bảng (trên bảng cân đối kế toán) ở mức 1,92%.

Còn theo số liệu của VNDirect, tỷ lệ nợ xấu nhóm ngân hàng (top 25 ngân hàng) tính tới cuối quý III/2023 đã lên mức 2,2%, cao nhất kể từ năm 2017. Tuy nhiên, tỷ lệ LLR (tỷ lệ bao phủ nợ xấu) chỉ giảm nhẹ xuống còn 94% vào cuối quý III/2023 so với 98% vào cuối quý II/2023 – bằng với mức cuối năm 2020. VNDiret đánh giá điều này cho thấy bộ đệm dự phòng tốt hơn của ngành trong những năm qua.

Xét về cơ cấu nợ xấu, nợ 3 nhóm đều tăng, trong đó nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng mạnh nhất hơn 110%, tiếp đến là nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng gần 66% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng gần 18,4%.

Theo chuyên trang Đầu tư chứng khoán, BIDV là ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất với 26.394 tỷ đồng, tăng 50% so với cuối năm trước. Trong nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước, VietinBank là ngân hàng có mức tăng nợ xấu thấp nhất (tăng 20% so với đầu năm) với gần 19.000 tỷ đồng.

Về vấn đề nợ xấu tăng nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm có đáng ngại và rủi ro cho toàn hệ thống, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Tài chính - Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, rủi ro là khó tránh nếu nợ xấu tăng, tỷ lệ bao phủ dự phòng giảm. Tuy nhiên, hiện nay, Ngân hàng cũng dần cạn “của để dành” để trích lập thêm dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động trong năm nay lại khá cao nên buộc lòng trích giảm dự phòng.

Cũng theo nhận định của TS Huân, lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ giảm so với năm 2022 nhưng không nhiều, bởi lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc vào thu nhập từ lãi và phi tín dụng, nhưng tín dụng của toàn ngành đến cuối tháng 10/2023 mới tăng hơn 7% (theo số liệu NHNN đưa ra), trong khi nguồn thu phí tín dụng khó tăng.

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật