Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tổng Cục Đường bộ đưa ra các phương án cho điểm nóng Cai Lậy

(DS&PL) -

Tổng cục Đường bộ đang nghiên cứu các phương án mà các chuyên gia đề xuất giải quyết điểm nóng BOT Cai Lậy và sẽ báo cáo bộ GTVT.

Tổng cục Đường bộ đang nghiên cứu các phương án mà các chuyên gia đề xuất giải quyết điểm nóng BOT Cai Lậy và sẽ báo cáo bộ GTVT.

Tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12 km được nghiên cứu xây dựng từ năm 2009, nhưng sau 4 năm nghiên cứu khó khăn và không có vốn nhà nước nên dự án được chỉ định thầu và Công ty TNHH BOT Tiền Giang là chủ đầu tư dự án. Đồng thời, cũng phê duyệt nội dung liên quan đến việc cải tạo, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 dài 26,4km (qua thị xã Cai Lậy dài 11,1km) và tổng mức đầu tư hai nội dung dự án này là gần 1.400 tỉ đồng.

Sau vụ việc nhiều xe ô tô qua trạm BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) tuyến tránh thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đồng loạt có hành động phản ứng mức phí bất hợp lý, dẫn đến việc chủ đầu tư phải xả trạm, Bộ Giao thông vận tải vừa đề nghị các đơn vị nghiên cứu, báo cáo về 3 phương án xử lý đối với dự án BOT Cai Lậy, Tiền Giang trước ngày 17/12. 

Mô phỏng hình ảnh trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trên quốc lộ 1 (màu xanh) và đường tránh (màu cam). Ảnh: Dân Trí

Theo đó, 3 phương án xử lý đối với dự án BOT Cai Lậy gồm:

Phương án 1: Giữ nguyên trạm như hiện nay, có biện pháp bổ sung (nếu cần thiết) để đảm bảo việc thu giá dịch vụ.

Theo chủ đầu tư, mức phí hiện tại đối với các loại xe đã được giảm khoảng 30% so với trước đây. Cụ thể, mức phí hiện hữu thấp nhất đối với xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 25.000 đồng/lượt (truớc đây là 35.000 đồng), mức cao nhất 140.000 đồng (trước đây là 180.000 đồng) đối với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe đầu kéo container trên 40 feet.

Tuy vậy, phương án giảm giá dịch vụ và giữ nguyên trạm sẽ kéo theo nhiều điều kiện trong hợp đồng giữa chủ đầu tư với Bộ GTVT phải thay đổi, hay nói khác đi là phương án tài chính của dự án sẽ phải thay đổi hoàn toàn. Hiện chưa thể tính được việc giảm giá sẽ làm thay đổi thời gian hoàn vốn là bao nhiêu năm vì theo quy định của hợp đồng BOT - một dạng hợp đồng mở, sau khi dự án đi vào vận hành, khai thác 6 tháng thì quyết toán dự án trên cơ sở kiểm toán lại tổng mức đầu tư, các chi phí, lưu lượng xe để tính ra thời gian thu phí cụ thể.

Tại vì sao?

Trước khi cho dự án vay vốn, các ngân hàng đã tính toán rất kỹ lưỡng các thông số trong phương án tài chính của dự án. Chỉ những dự án có phương án tài chính khả thi, có khả năng thu hồi vốn, ngân hàng mới đồng ý tài trợ vốn cho dự án. Các dự án BOT giao thông có quy mô rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nếu tiếp tục điều chỉnh giá vé, phương án tài chính của dự án sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí phá vỡ khiến khả năng thu hồi vốn của ngân hàng bị đe dọa, dẫn tới nguồn tiền đã cho dự án vay trở thành các khoản nợ xấu. Thực tế, nhà đầu tư chỉ đóng góp hơn 16% số vốn, khoản tiền còn lại do tổ chức tín dụng cung cấp. Do vậy, việc tiếp tục điều chính giá vé của dự án sẽ được tính toán rất thận trọng, trên cơ sở phải đảm bảo phương án tài chính dự án khả thi.

Một điều có thể thấy rõ, nếu không đảm bảo phương án tài chính thì sẽ không có dự án và cũng sẽ không có đường tránh như hiện nay. Nhà đầu tư sẵn sàng giảm giá vé cho người dân, tuy rằng thời gian hoàn vốn sẽ lâu hơn dự định. Lúc này, Nhà nước cũng đành phải chịu, tức là cần có quy định mới và yêu cầu các Tổ chức tín dụng gia hạn thời gian trả lãi ngân hàng cho doanh nghiệp, dẫu biết rằng, càng thu hồi vốn nhanh Nhà nước càng được lợi.

Phương án 2: Đặt hai trạm thu phí, một trạm đặt trên quốc lộ cũ để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ; một trạm được đặt trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng tuyến đường này.

Đây có thể là phương án giúp người tham gia giao thông có quyền lựa chọn con đường đi cho mình. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là ai sẽ chịu phí đường bộ đã nơi đặt trạm?

Hơn nữa, cần tính toán sự hợp lý việc đặt hai trạm thu phí. Nếu đặt trạm trên quốc lộ 1 để thu phí nâng cấp đoạn đi qua đi qua Cai Lậy cũng chưa thực sự hợp lý, vì hàng năm các tài xế đều đã đóng phí bảo trì đường.

Phương án 3: Di dời trạm hiện nay về đặt trên tuyến tránh, Nhà nước hoàn trả phần kinh phí đầu tư trên QL1 hiện hữu, có thực hiện điều tiết phân luồng giao thông.Trường hợp, phương án tài chính không hiệu quả, tính toán kinh phí cần thiết Nhà nước hỗ trợ để đảm bảo khả thi về tài chính.

Phương án này có ưu điểm là chỉ thu giá phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến tránh (không thu giá các phương tiện đi vào nội thị thị trấn Cai Lậy). Tuy nhiên, sẽ không hạn chế được phương tiện đi qua thị trấn Cai Lậy trên QL1 do các phương tiện sẽ tránh trạm thu giá bằng việc không sử dụng tuyến tránh.

Trong điều kiện mặt đường QL1 hiện hữu không được cải tạo, tăng cường sẽ gây ùn tắc và tai nạn giao thông trên đoạn qua thị trấn Cai Lậy, không đảm bảo hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính dự án rất thấp.

Đây có thể nói là phương án xét theo nguyên tắc kinh doanh lời ăn lỗ chịu. Hợp đồng lại dựa theo nguyên tắc vị trí đặt trạm thu phí này nên nhiều khả năng chủ đầu tư sẽ không chấp nhận dù có hoàn tiền (kể cả đã tính thêm phần lợi nhuận cho khoản đầu tư này). Còn vấn đề kẹt xe do lượng xe cộ đổ dồn về thị xã Cai Lậy thì có thể giải quyết bằng cách hạn chế xe có tải trọng lớn lưu thông vào nội ô trong các khung giờ cao điểm. Nhưng theo quan sát thực tế đang diễn ra ở một số tuyến quốc lộ bị cấm theo khung giờ cao điểm như hiện nay thì tình hình cũng không khả quan.
Mặt khác, với giải pháp khi di dời thì phương án tài chính không còn khả thi, các khoản nợ của các tổ chức tín dụng sẽ thành nợ xấu vì thời gian hoàn vốn không đúng như cam kết của hợp đồng vay vốn và Nhà nước phải mua lại toàn bộ dự án.

Được biết, trên QL 1A hiện có 8 dự án BOT tuyến tránh. Cụ thể là: Dự án BOT tránh thành phố Phủ Lý và tăng cường mặt đường trên Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Hà Nam; dự án tuyến tránh Thành phố Thanh Hoá thu phí tại trạm Tào Xuyên; Trạm thu phí bến Thuỷ ; trạm Cầu Rác; trạm BOT Quán Hàu ; BOT tuyến tránh Biên Hoà; Trạm thu phí BOT Cai Lậy; Tuyến tránh TP Sóc Trăng; BOT tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên.

Trong điều kiện hiện nay thì khó để thực hiện được việc mua lại dự án do ngân sách nhà nước hạn hẹp, cân đối tiền để bù cho nhà đầu tư thì cực kỳ khó khăn và tạo gánh nặng cho ngân sách. Nếu giải quyết vụ BOT Cai Lậy theo hướng đó thì sẽ tạo tiền lệ xấu cho các trạm BOT giao thông khác đang trong tình trạng tương tự, do ngân sách không đủ để đầu tư hạ tầng giao thông nên phải huy động đầu tư xã hội hóa. Đó là chưa kể nếu bỏ tiền mua sẽ gây ra hiệu ứng domino ở các trạm BOT khác. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có các thành phần xấu lại cứ tiếp tục gây rối?

Bộ Giao thông vận tải và Công ty đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (nhà đầu tư dự án) đều cho rằng, vị trí đặt trạm như hiện nay mới bảo đảm phương án tài chính cho dự án BOT ở Cai Lậy. Vị trí này cũng nhận được sự đồng thuận của nhiều bên trong đó có đơn vị cung cấp vốn cho dự án. Ông Lưu Văn Hào, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết, phía ngân hàng đã xem xét rất kỹ lưỡng về quy mô dự án, lưu lượng xe,... và vị trí đặt trạm trước khi cấp vốn vay cho công ty. Thực tế, nhà đầu tư chỉ đóng góp hơn 16% số vốn, khoản tiền còn lại do tổ chức tín dụng cung cấp.

Ngoài 3 phương án Bộ GTVT đưa ra, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết vừa nhận được công văn hỏa tốc của Bộ GTVT yêu cầu phối hợp cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu xử lý điểm nóng BOT Cai Lậy.

Theo đó, phương án thứ 4 được đưa ra là giữ nguyên trạm thu phí như hiện tại và thực hiện thu phí đủ số vốn 300 tỉ đồng mà nhà đầu tư bỏ ra để nâng cấp cải tạo QL1 đoạn qua TX.Cai Lậy, sau khi dự án thu hồi đủ vốn đầu tư, trạm BOT sẽ được dời vào tuyến tránh. Phương án này được một số chuyên gia giao thông, kinh tế đề xuất, thời gian thu phí sẽ ngắn hơn và có giới hạn rõ ràng về tuyến đường, mức phí, loại xe cụ thể.

Về phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, cho biết đơn vị đang chờ quyết định của Thủ tướng về BOT Cai Lậy.

Theo ông, sự việc xảy ra tại trạm BOT Cai Lậy thời gian qua nằm ngoài tầm kiểm soát.

“Có nhiều người nói rằng Nhà nước nên mua lại trạm thu phí. Chúng tôi sẽ trả lại trạm nếu Nhà nước trả đủ tiền. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn có cách giải quyết hài hòa ở dự án. Quan điểm chủ đầu tư vẫn mong muốn tiếp tục được khai thác dự án này”, ông Hiệp nói.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới đây cho biết, cơ quan này đang thực hiện đếm lưu lượng xe qua dự án BOT Cai Lậy để nghiên cứu phương án xử lý dự án này theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Việc đếm xe được thực hiện trên hai tuyến đường thuộc phạm vi dự án là đường tránh và phần quốc lộ 1 được cải tạo, từ 12h ngày 8/12 đến hết ngày 16/12.

Thông qua kiểm đếm, phân loại xe qua dự án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ có dữ liệu sát thực để tính toán, lựa chọn phương án hợp lý trình Bộ GTVT.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy bắt đầu được thu phí từ đầu tháng 8/2017 để hoàn vốn cho Dự án cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4 km quốc lộ 1 qua Tiền Giang, đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11,1 km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km với tổng mức đầu tư 1.398 tỉ đồng. Tuy nhiên, mức phí và vị trí đặt trạm được cho là vấn đề khiến người dân bức xúc phản đối và đã phải tạm dừng thu phí trong 3 tháng.

Ngày 30/11, trạm BOT Cai Lậy tiếp tục được thu phí trở lại. Tuy nhiên, ngay lập tức, giới tài xế lại tiếp tục phản đối mạnh mẽ khiến trạm thu phí này phải liên tục xả trạm.

Ngày 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trước mắt trạm BOT Cai Lậy dừng thu phí 1-2 tháng để xem xét, đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan đến dự án.

Hoàng Dung (T/h)

Tin nổi bật