Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

"Tôi muốn trẻ có niềm tin mình luôn được bảo vệ"

(DS&PL) -

Trong một ngày, 2 vụ nghi dâm ô trẻ xảy ra tại chung cư 65 Lạc Trung và chung cư FLC Gaden City khiến dư luận dậy sóng.

Trong một ngày, 2 vụ nghi dâm ô trẻ xảy ra tại chung cư 65 Lạc Trung (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) và chung cư FLC Gaden City (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khiến dư luận dậy sóng. Vấn đề bảo vệ trẻ em trước những hành vi xấu, thậm chí là có thể vi phạm pháp luật, nhất là tại khu chung cư được đặt ra. Là một người mẹ, lại là người làm giáo dục, chị Nguyễn Xuân Quý (tên nhân vật đã được đổi-PV), mẹ bé trai 6 tuổi tại chung cư FLC Gaden City đã cởi mở chia sẻ với tạp chí ĐS&PL về câu chuyện bức xúc này, bởi theo chị, sự việc cần công khai để cảnh tỉnh.

“Chuyện cực kỳ xấu và một chú cực kỳ xấu”

Chào chị, sự việc đã diễn ra thế nào, chị có thể cho độc giả của tạp chí ĐS&PL tường minh hơn sau nhiều thông tin khác nhau mấy ngày qua?

Sáng 18/6, con trai “khoe” với tôi: “Mẹ ơi, hôm nay con sẽ kể cho mẹ nghe một câu chuyện cực kỳ xấu xảy ra tối hôm qua (tối 17/6 – PV). Trong thang máy có một chú cực kỳ xấu, con vào thang máy cùng các bạn. Con chào các chú thì chú lại bảo là sao mày lại xưng tôi. Con bảo “cháu bảo cháu chào chú mà cháu có xưng tôi đâu”, xong rồi chú giơ chân lên đạp vào chim con, con cảm thấy buồn, nhưng con không đau. Xong chú lại giơ chân lên, có đôi dép màu trắng lỗ lỗ (dép tổ ong – PV) đạp vào mặt con, nhưng con dũng cảm tránh được. Lúc con ra khỏi thang máy, chú còn chửi con. Chú bảo “cút đi” rồi nói bậy”.

Tôi sững người, không tin vào sự thật, hỏi lại thì con vẫn khẳng định đó là sự thật. Con còn lấy ví dụ “cái quạt là con, con là chú ấy”, và diễn tả lại chi tiết từng hành động của người đàn ông lạ mặt với mình lên... chiếc quạt. Tôi trấn an con trai bằng việc nói với con sẽ check camera. Con nói: “Vâng, mẹ bảo chú công an bắt chú ấy đi”. Khi xem lại camera, việc con tả giống đến từng chi tiết.

Ngay sau bữa ăn sáng hôm ấy, tôi xuống phòng kỹ thuật của tòa nhà check lại camera, liên hệ ban Quản lý chung cư để trình báo vụ việc.

Tuy nhiên, từ 11h trưa đến 4h chiều, không thấy phía ban Quản lý liên lạc để xử lý vụ việc như đã hẹn. Với tâm lý sốt ruột của một người mẹ, tôi chủ động phản ánh vụ việc lên đường dây nóng của báo chí. Tôi cảm thấy họ (ban Quản lý – PV) không giúp được gì cho mình. Tôi cần làm rõ vụ việc để bảo vệ con và cảnh báo cho mọi người về những hành vi xấu.

Điều quan trọng là khi xảy ra sự cố mình sẽ giải quyết nó như thế nào. Hôm sau ra thang máy đi học, bạn ấy còn mặc cả: “Con không muốn đi cái thang máy này đâu, hay là mẹ con mình đi thang hàng”. Tôi bảo: “Con không phải sợ, chắc chắn mẹ sẽ bảo chú công an gọi chú ấy đến hỏi tại sao chú ấy lại làm thế với con”. Con lại hỏi thế chú có xin lỗi con không. “Nếu chú ấy sai chú phải xin lỗi con” – tôi nói.

Chị Nguyễn Xuân Quý trong một buổi dạy học tiếng Anh cho trẻ tại nhà.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Dường như chị vẫn còn những suy tư, chưa thỏa đáng về việc giải quyết vụ việc, chị có thể chia sẻ nhiều hơn?

Con tôi chưa bị làm sao. Đúng. Nhưng vấn đề ở đây là mình phải làm gì để không có những chuyện như thế xảy ra nữa. Nếu nói “việc đã xảy ra rồi nhưng may con không bị làm sao” như vị Phó Chủ tịch phường (bà Đinh Thị Cẩm Nhung – PV) và nhiều người khác ngay khi biết thông tin vụ việc, thì tôi không chấp nhận được. Người đàn ông ấy sai thì ông ta phải chịu trách nhiệm với hành động của mình.

Khi trao đổi về vụ việc, vị Phó Chủ tịch phường Đại Mỗ còn nói “hay là ông ấy say”. Tôi nghĩ rằng, trẻ con không biết say. Hành động vậy là không tôn trọng trẻ.

Thứ nhất, với cương vị là mẹ, là người bảo hộ cho đứa trẻ, tôi không chấp nhận được hành động đó. Thứ hai, với cương vị là người làm giáo dục, hành động đó với trẻ em là không chấp nhận được – hành động đó là làm nhục đứa trẻ.

Khi lên công an quận, họ cũng bảo tôi là “thôi may bây giờ cháu không làm sao cả”, gia đình muốn xử lý như thế nào? Vấn đề không phải là gia đình muốn xử lý như thế nào mà tôi cần xử lý vụ việc theo đúng pháp luật. Không lẽ phải để đến lúc đứa trẻ bị làm sao thì mới xử lý?

Nếu làm lãnh đạo mà có tư duy như vậy thì xã hội Việt Nam không thể nào phát triển được. Không thể chấp nhận việc coi “may mắn” vì đứa trẻ không làm sao rồi xin lỗi là xong.

Nhiều người cũng nói, thôi con không sao cứ đưa thông tin lên báo chí sẽ ảnh hưởng đến đứa trẻ, người ta sẽ chỉ trỏ con mình. Nhưng với tôi, đó là cách tôi dạy con mình tự vệ. Đó là hành vi xấu, nếu ai nói con tôi, tôi muốn con tự tin trả lời là chú người xấu có hành động sai đã bị công an bắt và chịu hình phạt. Con tôi không làm gì sai, tại sao phải lo sợ?

Tôi vẫn chờ kết quả giải quyết từ phía công an quận. Nếu quận giải quyết không thỏa đáng, tôi sẽ tiếp tục trình báo vụ việc lên cấp cao hơn. Tôi cần làm rõ hành động với một đứa trẻ như vậy thì trước pháp luật nó sai ở đâu và xử phạt như thế nào.

Có nghĩa là, chị sẽ làm đến cùng với mong muốn điều tốt nhất cho con mình, phải không ạ?

Tôi không biết hành động của người đàn ông đó có xâm phạm con tôi hay không? Nhưng tôi nghĩ con mình đã bị làm nhục khi người khác dùng chân đạp vào bộ phận sinh dục, giơ chân lên đạp vào mặt và có lời nói bậy với một đứa trẻ.

Một đứa trẻ bị người đàn ông lạ mặt hành động như thế mà cha mẹ và những người lớn khác đều coi là đùa thì thực sự tôi không hiểu họ nghĩ gì.

Tôi nghĩ, cha mẹ cần xây dựng kỹ năng cho con trẻ, phân biệt như thế nào là xấu, như thế nào là tốt. Muốn một đứa trẻ tôn trọng người lớn thì bản thân người lớn cũng cần dành sự tôn trọng tối thiếu cho chúng.

Được biết, chị hiện là giáo viên THCS. Ở góc độ người làm giáo dục, chị nhìn nhận vụ việc thế nào và có lời khuyên gì với các bậc làm cha mẹ?

Sự việc ảnh hưởng đến tâm lý của đứa trẻ rất nghiêm trọng. Thêm nữa, nó ảnh hưởng đến sự phát triển và độ an toàn của trẻ sau này. Nếu nó nhận thức được đấy là xấu thì chắc chắn sau này bản thân đứa trẻ sẽ tránh được những việc xấu, có thể trở thành người tốt vì nó hiểu thế nào là xấu, thế nào là tốt.

Nó phải có phản kháng nhất định, đứng trước việc tốt thì tuyên dương, việc xấu thì lên tiếng nói, có thể là phản đối, có thể là chia sẻ với mọi người. Như thế đứa trẻ sẽ phát triển tốt hơn, kỹ năng xã hội phát triển toàn diện hơn và đương nhiên tính tự lập cũng cao hơn vì trẻ nhận thức được mọi thứ, tự nhận xét được mọi sự việc.

Khi dạy con hay dạy học sinh, tôi không dạy các con phải nghe bất kỳ cái gì ở người lớn mà dạy mình mà phải nghe theo điều đúng đắn. Người lớn cũng có thể sai, trẻ con có quyền góp ý nhưng trên phương diện văn minh, lịch sự, lễ phép chứ không phải là thiếu tôn trọng. Tôi luôn dạy một đứa trẻ lên tiếng, cởi mở nêu quan điểm cá nhân. Thậm chí ở trường, nếu thầy cô sai thì thầy cô sẽ sửa, cha mẹ sai cũng cần rút kinh nghiệm.

Kiến thức là một phần, nhưng kỹ năng rất quan trọng. Nếu xây dựng được kỹ năng sau này học gì cũng được. Kiến thức, khoa học thay đổi liên tục phát triển từng ngày, cần học kỹ năng để có thể học được kiến thức.

Tôi luôn nghĩ, muốn đất nước phát triển thì trẻ em phải được bảo vệ. Nếu lo lắng không an toàn, không cho con đi đâu hoặc người lớn luôn phải đi kèm bên cạnh thì hoàn toàn không giải quyết được triệt để. Nên suy nghĩ đến việc người đàn ông kia bị xử lý thế nào. Nên dạy con thế nào. Không thể đi cùng con mãi mà phải dạy con cách đi, cùng chung tay lên tiếng, cả xã hội lên tiếng. Mục đích của tôi là đứa trẻ tin rằng nó được bảo vệ và cái xấu sẽ bị trừng trị. Con cứ an tâm sống tốt và sống đúng. Tôi sẽ làm đến cùng, ít nhất nó là lời cảnh tỉnh cho mọi người. Lên tiếng triệt để cảnh tỉnh cho các phụ huynh khác và nói với con là mẹ đã làm hết sức để bảo vệ con.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Dung Thu

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (101)

Tin nổi bật