Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

"Tôi không bán con. Vì nghèo nên tôi đành phải cho người ta..."

(DS&PL) -

(ĐSPL) - “Là vì nghèo quá không biết lấy gì nuôi con nên tôi mới phải mang nó cho người ta nhận làm con nuôi, chứ nào có phải mua bán gì cho cam…”

(ĐSPL) - Gương mặt giàn giụa nước mắt, với giọng tiếng Kinh ngọng nghịu, chị Thơm giãi bày: “Là vì nghèo quá không biết lấy gì nuôi con nên tôi mới phải mang nó cho người ta nhận làm con nuôi, chứ nào có phải mua bán gì cho cam…”
Người dân trong bản đều xôn xao, bàn tán việc chị Thơm nhẫn tâm bán đi đứa con mình rứt ruột đẻ ra với cái giá rẻ mạt chỉ 4 triệu đồng. Nhiều người đoán rằng là vì đứa con chửa hoang nên chị Thơm mới không muốn nuôi, có người lại bảo vì chị tham tiền, còn có người tỏ ra thương cảm bảo, có lẽ vì chị quá nghèo.
Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, chúng tôi tìm đến nhà chị Lang Thị Thơm (SN 1974), người dân tộc Thái, trú ở thôn Ngọc Trà, xã Luận Khê, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Ngôi nhà lợp mái tranh vách nứa tuềnh toàng, nằm trên một đỉnh đồi heo hút thưa người ở. Trong nhà không có tài sản gì giá trị, ngoài một chiếc bóng đèn thắp sáng.
Ngôi nhà tuềnh toàng của chị Thơm
Khi chúng tôi đến, chị Thơm dừng việc chuẩn bị lên rẫy để ngồi tiếp chuyện với khách. Chị Thơm từng có chồng, nhưng đã ly hôn. Chồng chị bỏ mẹ con đi theo người khác, giờ có gia đình riêng và đang sống trong miền Nam. Một mình chị nuôi dạy 5 đứa con, 3 đứa lớn không đi học mà ra thành phố làm thuê, rất ít khi về nhà, còn 2 đứa nhỏ thì một đứa học lớp 4, một đứa đang học lớp 1.
Chị Thơm sinh đứa con trai thứ 6 cách đây 2 tháng, chị không cho biết bố của đứa trẻ là ai. Nói về đứa con vừa mới “bán” đi, chị buồn rầu chia sẻ: “Nó là đứa con thứ 6, người ta nói tôi bán con vì tham tiền, nhưng nào phải vậy. Tôi có một người cháu gái lấy chồng ở xã Cát Tân (huyện Như Xuân, Thanh Hóa – PV), chồng nó mất vì bị điện giật cách đây không lâu, nó chỉ có hai đứa con gái. Vì không muốn đi bước nữa, mà lại muốn có con trai để chăm sóc lúc tuổi già nên thấy tôi sinh thằng bé ra thì nó xin về nuôi. Tôi cũng nghĩ là mình không đủ khả năng để chăm sóc tốt cho thằng bé, nhà người ta có điều kiện hơn thì sau này con sẽ đỡ khổ. Thế nên, tôi đồng ý để họ nhận làm con nuôi. Vì thương tôi vất vả sinh cháu nên họ đưa cho tôi 4 triệu đồng để bồi dưỡng sức khỏe, nhưng số tiền ấy tôi cũng trả nợ hết rồi chứ không mua được viên thuốc nào”.
Chị Lang Thị Thơm và người con gái thứ 5, đang học lớp 1
Khi được hỏi, cho con đi như vậy chị không nhớ thương con sao, gương mặt giàn giụa nước mắt, với giọng tiếng Kinh ngọng nghịu, chị Thơm tâm sự: “Họ mới mang nó đi được hai tuần nay, tôi nhớ con lắm chứ. Là vì nghèo quá không biết lấy gì nuôi con nên tôi mới phải mang nó cho người ta nhận làm con nuôi, chứ nào có phải mua bán gì cho cam. Có người đưa mười mấy triệu để mua con mà tôi đâu có bán, nếu ham tiền thì tôi đã bán rồi. Nhưng vì là cháu gái, cũng là người trong gia đình nên tôi mới đồng ý cho đi. Dù sao thì ở với nhà người ta vẫn tốt hơn ở với tôi…”
Hoàn cảnh gia đình chị Thơm, cũng giống như đa số người dân tộc thiểu số ở đây, các gia đình đều nghèo, quanh năm suốt tháng chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng bậc thang và cây sắn trên nương. Nhà chị Thơm chỉ có chưa đầy một sào ruộng, trong khi người khác chưa hết mùa gặt thì nhà chị đã đói. Có lẽ cái nghèo khó đeo bám quá lâu dễ khiến người ta có thể làm những điều tưởng chừng không thể.
Trao đổi với phóng viên, Trưởng thôn Lang Văn Soạn cho biết: “Gia đình chị Thơm là một trong những trường hợp khó khăn đặc biệt của thôn. Khi nắm được thông tin sự việc, chính quyền thôn, xã đã đến làm việc với gia đình chị Thơm. Sau khi xác minh thì được biết họ đều là người trong gia đình. Chúng tôi xác định đây không phải là chuyện mua – bán, mà là chuyện tình cảm gia đình thôi. Chính quyền cũng đã tạo điều kiện để hai bên sớm hoàn thiện thủ tục nhận con nuôi”.

Tin nổi bật