Báo Tin Tức dẫn thông tin trên Bloomberg cho hay, trong một bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết một loạt thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ nhiều đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ đã được tạm dừng. Thông báo này được đưa ra chỉ 13 giờ sau khi các mức thuế mới có hiệu lực.
Cụ thể, Tổng thống Trump thông báo sẽ tạm hoãn trong 90 ngày đối với loại thuế đối ứng - được áp lên hàng nhập khẩu từ gần 60 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU). Mức thuế này được thiết kế riêng, tùy chỉnh cho từng đối tác thương mại, dựa theo mức thặng dư thương mại với Mỹ.
Đến nay, thay vì chịu các mức thuế tùy chỉnh đó, hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác này sẽ tạm thời chỉ phải chịu mức thuế cố định 10%, mức thuế mà ông Trump đã áp đặt lên hàng hóa từ tất cả các nước bắt đầu từ ngày 5/4.
Trung Quốc, một trong những quốc gia đang chịu mức thuế quan “trả đũa” mới, lại không nằm trong lệnh tạm dừng mới đây nhất từ Tổng thống Trump. Thay vào đó, ông Trump tuyên bố sẽ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 104% lên 125%. Quyết định của ông Trump được đưa ra sau khi Bắc Kinh công bố kế hoạch trả đũa bằng mức thuế 84% áp với hàng hóa của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Trong bài đăng vào hôm 9/4, Tổng thống Trump cũng cho biết các quốc gia khác chịu mức thuế quan đối ứng của ông đã không có hành động trả đũa dưới bất kỳ hình thức nào. Điều này dường như nhấn mạnh chỉ có Trung Quốc mới đưa ra các đáp trả mạnh mẽ với thuế quan của chính quyền Mỹ.
Việc thực hiện thuế quan đối ứng đã gây ra những sự hỗn loạn trên thị trường và làm dấy lên nỗi lo sợ về suy thoái kinh tế. Tổng thống Trump được cho là phải chịu áp lực lớn từ các lãnh đạo doanh nghiệp và giới đầu tư khi họ đã yêu cầu ông đảo ngược chính sách thuế quan.
"Tôi nghĩ rằng mọi người đã hơi thái quá. Họ đang trở nên hơi lo lắng, hơi sợ hãi", ông chia sẻ với các phóng viên tại Nhà Trắng khi được hỏi về lý do thay đổi quyết định của mình.
Thị trường chứng khoán đã tăng vọt sau khi Tổng thống Trump công bố tạm hoãn một số loại thuế. Chỉ số S&P 500 tăng 9,5% - mức tăng lớn nhất trong ngày kể từ năm 2008.
Động thái mới nhất nói trên đã kết thúc một tuần đầy biến động, bắt đầu từ việc Tổng thống Trump khiến cả thế giới bất ngờ sau tuyên bố gây sốc về áp mức thuế cao nhất trong hơn một thế kỷ qua.
Giá dầu, vốn đã sụt giảm trong những ngày trước đó do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng đã tăng trở lại nhờ vào tin tức quan trọng từ Tổng thống Trump.
Trước khi Tổng thống Trump công bố tạm hoãn mức thuế quan mới, tình hình đã bắt đầu có dấu hiệu theo chiều hướng tiêu cực với nền kinh tế Mỹ. Quyết định áp thuế được ông Trump công bố ngày 2/4 đã khiến tâm lý người tiêu dùng vốn đang xấu đi lại thêm phần bi quan.
Các ngân hàng Phố Wall cũng nâng khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu trong năm nay. Theo các nhà phân tích, viễn cảnh về giá cả tăng cao và doanh nghiệp thận trọng hơn trong kinh doanh có thể sẽ làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế Mỹ, thậm chí khiến nền kinh tế này rơi vào tình trạng suy thoái.
Việc thị trường chứng khoán tăng vọt sau tuyến bố của ông Trump trước mắt đã mang lại sự “nhẹ nhõm” cho giới tài chính Phố Wall. Thông tin này cũng khiến các nhà kinh tế của Goldman Sachs rút lại dự báo về một cuộc suy thoái.
Thế nhưng, những bất định xoay quanh bước đi tiếp theo của ông, cùng với tác động của những mức thuế vẫn đang còn hiệu lực, bao gồm các mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn chưa hết lo lắng. Nền kinh tế Mỹ sẽ chịu áp lực nếu tâm lý lo ngại này dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu ở quy mô lớn.
Tuổi Trẻ Online dẫn thông tin từ CNN cho biết, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã mô tả quyết định hoãn áp thuế của Tổng thống Trump là một phần trong kế hoạch dài hạn nhằm khuyến khích các nước đàm phán, mà không phải hành động tùy tiện làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu.
"Đây là chiến lược được Tổng thống Trump vạch ra. Ông ấy và tôi đã có một cuộc thảo luận dài hôm chủ nhật, và đây là kế hoạch của ông ấy ngay từ đầu. Thậm chí có thể nói rằng ông ấy đã thúc Trung Quốc vào vị thế bất lợi. Họ đã đáp trả", Bộ trường Bessent tiết lộ.
Trước đó, CNN đưa tin, Bộ trưởng Bessent đã đến dinh thự Mar-a-Lago vào hôm 6/4 để thảo luận với Tổng thống Trump về các mức thuế, khuyến khích ông tập trung vào mục tiêu cuối cùng là đạt được các thỏa thuận mới với nhiều quốc gia khác nhau.
Bộ trưởng Bessent cũng cho biết, Tổng thống Trump sẽ "đích thân tham gia" vào tất cả các cuộc đàm phán nhằm đạt được nhượng bộ. "Không ai tạo được đòn bẩy cho bản thân như Tổng thống Trump", Bộ trưởng Bessent nói.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent mô tả quyết định hoãn áp thuế của Tổng thống Trump là một phần trong kế hoạch dài hạn nhằm khuyến khích các nước đàm phán. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cũng có khoảnh khắc ăn mừng trên nền tảng X (trước đây là Twitter), sau thông báo mới nhất về thuế quan của ông Trump.
"Hãy chiêm ngưỡng nghệ thuật đàm phán. Tổng thống Trump đã tạo ra đòn bẩy, đưa nhiều quốc gia vào bàn đàm phán và sẽ mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ, các nhà sản xuất Mỹ và tương lai của nước Mỹ!", ông Johnson viết.
Trong khi đó, ông Peter Navarro - Cố vấn thương mại cấp cao của Tổng thống Trump, cho rằng những người lo ngại về các mức thuế quan do Tổng thốngTrump áp đang đánh giá thấp khả năng đàm phán của ông với các quốc gia khác.
Ông đồng thời cho biết, mục tiêu trong các cuộc đàm phán sắp tới với nhiều quốc gia là "giảm mạnh thâm hụt thương mại của chúng ta" và "thiết lập một sân chơi bình đẳng".
Trên nền tảng X, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết, ông và Bộ trưởng Bessent đã ngồi với Tổng thống Trump khi nhà lãnh đạo Mỹ đăng tải thông báo trên nền tảng Truth Social, theo CNBC.
Một bài đăng mà Bộ trưởng Lutnick xem là "phi thường nhất trong nhiệm kỳ tổng thống" của Tổng thống Trump. "Thế giới đã sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Trump để sửa chữa thương mại toàn cầu, và Trung Quốc đã chọn hướng ngược lại", ông Lutnick viết.
Về phía lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer, ông phát biểu trước báo giới: “Ông ấy liên tục thay đổi mọi thứ từng ngày”.
Ông Schumer nói thêm rằng, mối nguy hiểm từ thuế quan của ông Trump vẫn chưa qua đi và cho rằng động thái mới nhất là do phản ứng trên khắp cả nước.
"Tổng thống Donald Trump đang cảm nhận được sức ép từ Đảng Dân chủ và khắp nước Mỹ về mức độ tồi tệ của những mức thuế quan này. Ông ấy đang rút lui, và đó là điều tốt", ông Schumer bày tỏ ý kiến.
Theo thông tin trên Báo Tin Tức, sự khó đoán định của chính quyền Tổng thống Trump khiến câu hỏi này dường như không có câu trả lời chắc chắn.
Bài đăng của Tổng thống Trump về việc tạm hoãn cho thấy mục đích của động thái này là để tạo cơ hội cho các đối tác thương mại của Mỹ đàm phán nhằm tránh bị áp thuế.
Ông Trump và một số quan chức Mỹ khác cho biết, họ muốn các quốc gia thực hiện những biện pháp như giảm thuế nhập khẩu, cũng như dỡ bỏ các rào cản thương mại khác, bao gồm các quy định, hạn ngạch, trợ cấp cho nhà sản xuất nội địa cũng như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Theo Tổng thống Trump, thâm hụt thương mại của Mỹ là kết quả của các rào cản như vậy và ông muốn loại bỏ tình trạng đó.
Có khả năng khi thời gian tạm hoãn 90 ngày kết thúc vào đầu tháng 7, những quốc gia chưa đạt được thỏa thuận với Mỹ sẽ một lần nữa đối mặt với mức thuế quan đối ứng - mức thuế chưa từng được áp dụng trước ngày 9/4.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng có thể sẽ tiếp tục hoãn thêm một lần nữa, giống như cách ông đã hai lần trì hoãn đánh thuế một số mặt hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada trước đây.