Sau đó, có những kết luận của thanh tra PMU HH2 gây thất thoát mấy chục tỉ đồng của Nhà nước. Nghịch lý ở chỗ, các cán bộ vi phạm vẫn bình chân như vại, người thẳng thắn vạch trần thủ đoạn tham nhũng tiền dự án công trình bị kỷ luật buộc thôi việc khiến dư luận ngày ấy vô cùng bức xúc.
Kết luận thanh tra về vi phạm của PMU HH2. |
Hàng loạt dự án lớn bị "tố" có dấu hiệu tham nhũng
Đầu tháng 10/2014, một người cán bộ già, khoảng hơn 60 tuổi liên lạc với PV báo Đời Sống và Pháp Luật tại Hải Phòng. ông giới thiệu mình là Ngô Văn Doãn, SN 02/5/1950, trú tại số 9/D4/411 đường Đà Nẵng, phường Đông Hải 1, quận Hải An, TP. Hải Phòng. Đến gặp PV, ông Doãn mang theo tờ báo Đời Sống và Pháp Luật số 117, ra ngày 29/9/2014. ông nói: "Tôi đọc được bài: "Quan chức tìm bến đỗ trước khi nghỉ hưu: Cống hiến cuối đời hay lách luật làm kinh tế" thấy phản ánh chân thực những gì tôi biết".
Bài báo nêu vấn đề về việc ông Dũng tham gia hội đồng quản trị của công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả chỉ 8 tháng sau khi thôi giữ chức Bộ trưởng bộ GTVT. Trong thời gian ông Hồ Nghĩa Dũng là Bộ trưởng, Bộ này có các quyết định làm căn cứ pháp lý cho dự án của công ty Đèo Cả. Nổi lên trong số đó là quyết định về việc phê duyệt hồ sơ đề xuất dự án, quyết định về việc chỉ định nhà đầu tư công trình xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả. "Tôi muốn chia sẻ câu chuyện mà 30 năm nay, tôi đã "kêu" đến ông Hồ Nghĩa Dũng và các cơ quan có thẩm quyền mà vẫn không được giải quyết triệt để. Đó là câu chuyện liên quan đến những tố cáo tham nhũng của tôi tại PMU HH2", ông Doãn chia sẻ.
Ông Ngô Văn Doãn nguyên chuyên viên chính, bậc 4/9 thuộc PMU HH2. Năm 1984, với cương vị là cán bộ giám sát, theo dõi công trình xây dựng hậu phương cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng), ông đã có đơn tố giác các sai phạm về kê khai khống số lượng quyết toán công trình của BQLDA Hàng hải I (nay là PMU HH2) lên cục Hàng hải Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư & Xây dựng Hải Phòng. Hội đồng nghiệm thu cơ sở sau đó đã xác định giá trị quyết toán thấp hơn so với dự toán của Ban quản lý.
Năm 2000, ông Doãn có đơn tố giác sai phạm của PMU HH2 liên quan đến dự án cảng nước sâu Cái Lân (Quảng Ninh). Ban quản lý dự án đã tổ chức đấu thầu không đúng quy định, trong đó có việc chỉ định gói thầu số 5 và chấm sơ tuyển gói thầu số 1. Dự án mở rộng cảng Cái Lân có tổng vốn đầu tư được phê duyệt là 1.311 tỉ đồng, do cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư, PMU HH2 là đại diện chủ đầu tư. ông Doãn đã đấu tranh rất quyết liệt để tố cáo những sai phạm trong dự án này. Năm 2007, cơ quan chức năng kết thúc thanh tra dự án mở rộng cảng Cái Lân, phát hiện số sai phạm về kinh tế của dự án là 36,7 tỉ đồng.
Ngoài ra, ông Doãn và đồng nghiệp còn có đơn thư tố giác những khuất tất của cục Hàng hải Việt Nam trong việc mua ngôi nhà 37 Lạch Tray, Hải Phòng và mua tàu biển để vận chuyển hành khách gây thất thoát số lượng ngoại tệ rất lớn của Nhà nước. Thanh tra Nhà nước sau đó đã có kết luận: Tố cáo của ông Doãn và các đồng nghiệp "phần lớn là đúng sự thật".
Hiện tại, ông Ngô Văn Doãn đang sống không dư giả trong căn nhà đơn sơ tại ngõ 411 đường Đà Nẵng, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng. |
Người tố cáo bỗng nhiên bị buộc thôi việc
Ngày 22/6/2004, PMU HH2 có công văn số 193/BQLDAHHII/NC gửi Cục trưởng cục Hàng hải Việt Nam với nội dung giải trình BQLDA Hàng hải II đã 5 lần mời ông Doãn đến cơ quan làm việc nhưng ông không có mặt. Ngày 9/8/2004, BQLDA Hàng hải II có công văn số 226/BQLDAHHII-NC gửi cục Hàng hải Việt Nam với nội dung: Từ ngày 01/6/2004, ông Doãn không đến làm việc tại phòng dự án 2, phòng không chấm công nên Ban không có cơ sở làm lương cho ông Doãn. Công văn có nêu: "Thiết nghĩ, ông Doãn đã tự cắt lương của mình (!)". Từ tháng 7 đến tháng 10/2004, Hội đồng kỷ luật của PMU HH2 đã họp hai phiên nhưng không có mặt ông Doãn. Hội đồng căn cứ vào Điều 5.2 Nghị định số 97/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ để họp kỷ luật ông Doãn. Hành vi vi phạm của ông Doãn được nêu ra: Không chấp hành sự phân công công tác của GĐ và tổ chức; tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng; không xem xét cơ quan quản lý. Tổng số phiếu tham dự họp kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Ngô Đăng Doãn là 3/3. Ngày 19/10/2004, GĐ PMU HH2 ra Quyết định số 297/QĐ/BQLDAHHII thi hành kỷ luật lao động đối với ông Ngô Đăng Doãn, hình thức kỷ luật: Buộc thôi việc.
Trao đổi với PV về CV 193/BQLDAHHII ngày 22/6/2004 gửi cục Hàng hải có nội dung HH2 mời 5 lần nhưng ông Doãn không đến làm việc, ông Doãn khẳng định: “Hoàn toàn không có chuyện đó. Từ 1/6/2004, PMU HH2 đoạn tuyệt với tôi, không phân công nhiệm vụ. Thực tế, tôi vẫn đi làm bình thường.
Trong thời gian ấy, tôi bị ốm, cơ quan vẫn cấp giấy giới thiệu cho tôi đến bệnh viện khám và điều trị (giấy giới thiệu ghi ngày 16/6 -PV). Trong các lần cơ quan gửi thông báo thì tôi vẫn đang ở cơ quan để ký nhận sổ lưu văn thư. Tôi chỉ nghỉ khi cơ quan đã cắt lương của tôi, không phân công nhiệm vụ cho tôi. Họ nói tôi chống lệnh nhưng họ phải có quyết định cụ thể cho tôi làm việc nào đó mà tôi không chịu làm. Không có quyết định điều động thì tôi chống lệnh bằng gì? Tôi thấy là mình đã bị trù dập”.
Ngày 9/9/2008, sau 4 năm ông Doãn bị kỷ luật, Bộ trưởng bộ GTVT ra kết luận số 6639/KL-BGTVT và kết quả kiểm tra, xác minh đơn tố cáo của ông Ngô Đăng Doãn với nội dung: Không tiếp tục xem xét giải quyết các tố cáo liên quan đến tiêu cực dự án cảng Chùa Vẽ và cảng Cái Lân. Về hình thức kỷ luật buộc thôi việc với ông Ngô Đăng Doãn là phù hợp với mức độ vi phạm. Tuy nhiên, thẩm quyền ra quyết định chưa phù hợp với quy định của pháp luật và không đúng thẩm quyền (?!). Do vậy, hủy quyết định kỷ luật ông Doãn của PMU HH2; yêu cầu chuyển hồ sơ và đề nghị cục Hàng hải Việt Nam xem xét, ra quyết định kỷ luật đối với ông Ngô Văn Doãn theo thẩm quyền.
Sự im lặng đáng sợ
Trao đổi với PV, ông Doãn cho rằng: “Những tố cáo của tôi đều được kết luận là tố cáo đúng. Sau mỗi lần tố cáo như thế, cơ quan đều biểu dương: Đồng chí tố cáo đúng nhưng giải quyết để cơ quan có chức năng giải quyết. Rồi suốt 30 năm nay, những người sai phạm đều tìm được bến đỗ an toàn”.
Ông Doãn cho biết: "Những mánh khóe tham nhũng của ngành giao thông tôi đã vạch ra từ trước năm 2000. Tôi không có thời gian đi rình những người tham nhũng, chỉ cần có chuyên môn nhìn vào hồ sơ thiết kế là biết cái gì cần, cái gì không cần. Ví dụ ở cảng Cái Lân, không thể làm con đường đá và không cần phá đá. Riêng khoản phá đá và làm đường đá không cần thiết, tôi tính lên tới cả trăm tỉ đồng. Tất cả các công trình đều chung nhau thủ đoạn từ bao nhiêu năm nay: Rút ruột công trình, làm khống, mua phế liệu về báo cáo đồ xịn...".
Luật sư Trần Mỹ Long, văn phòng luật sư Sao Biển, đoàn Luật sư Hải Phòng phân tích về trường hợp của ông Doãn: "Để xử lý kỷ luật một công chức ngạch chuyên viên chính, luật quy định thẩm quyền xử lý thuộc về Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hoặc cơ quan thuộc Chính phủ ra quyết định. Như vậy, với trường hợp của ông Doãn, thẩm quyền xử lý kỷ luật áp dụng đối với ông thuộc về Bộ trưởng bộ GTVT chứ không phải PMU HH2. PMU HH2 đã cắt lương ông Doãn là vi phạm quy định tại Điều 9, Nghị định 97/NĐ-CP.
Tại thời điểm này, các bên vẫn đang tranh luận rằng ông Doãn có tự ý bỏ việc hay không và vẫn chưa có bằng chứng cụ thể, chưa được kết luận rõ ràng bởi một cơ quan có thẩm quyền và thật sự khách quan. Hình thức kỷ luật buộc thôi việc chỉ được áp dụng nếu công chức vi phạm pháp luật đến mức độ phải truy cứu trách nhiệm hình sự và bị Tòa án có thẩm quyền phạt tù mà không được hưởng án treo theo khoản 6 Điều 12 Nghị định 97/NĐ-CP. Bộ GTVT có kết luận 6639/KL-BGTVT, tôi thấy sự đồng ý của bộ GTVT lúc đó thể hiện "một ý chí" đối với trường hợp của ông Doãn".
Việc của ông Doãn sẽ dẫn tới chìm nghỉm? "Việc bộ GTVT yêu cầu PMU HH2 chuyển hồ sơ về đề nghị Cục trưởng cục Hàng hải Việt Nam dựa trên sự phân cấp để xem xét, ra quyết định kỷ luật đối với ông Doãn theo thẩm quyền khiến không có cơ quan nào thuộc bộ GTVT "dám" đứng ra giải quyết vụ việc. Như vậy, việc của ông Doãn sẽ dẫn tới chìm nghỉm!", luật sư Long nhận định. |