Men theo con đường nhỏ, đi vào thôn Gia Khánh, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín (Hà Nội), nằm sâu trong con hẻm là căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Trần Văn Tưởng và chị An Thị Kim Tiền. Dẫu ngoài trời có ít mưa phùn xen lẫn chút giá lạnh nhưng bên trong căn nhỏ ấy luôn ấm cúng và đầy ắp tiếng cười suốt 16 năm qua.
Đến nhà anh chị vào giờ trưa, anh Tưởng vẫn đang làm việc miệt mài, làm việc với chiếc máy khâu cũ kỹ, may từng chiếc khăn quàng đỏ, bên cạnh là con gái út đang chăm chỉ ôn lại bài. Còn chị Tiền đang bận rộn nấu cơm trong bếp, đợi con trai lớn đi học về.
Trái tim không khuyết tật
Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật, anh Tưởng cho hay, hai vợ chồng quen nhau vào năm 2006, tại một trung tâm dạy nghề dành cho người khuyết tật ở huyện Thanh Trì (Hà Nội). Sau một thời gian tìm hiểu, cuối năm 2007 hai con người đồng cảnh ngộ quyết định về chung một nhà, trước sự phản đối từ gia đình, họ hàng, người thân.
Hai vợ chồng anh Tưởng hạnh phúc bên các con.
“Tôi là con út trong gia đình có 3 anh chị em, từ khi sinh ra tôi đã bị khuyết tật về ngoại hình nên việc đi đứng, học tập và sinh hoạt là một điều khó khăn. Trong những năm cô đơn nhất, tôi đã được gặp vợ tôi, từ đó tình yêu và trách nghiệm được nảy mầm. Dù hai vợ chồng chúng tôi đều bị khuyết tật về chiều cao, ngoại hình nhưng trái tim của chúng tôi không khuyết tật”, anh Tưởng tâm sự.
“Sau khi chúng tôi về ra mắt hai gia đình, ai nấy cũng đều phản đối. Mọi người đều khuyên rằng: Với cơ thể không lành lặn, lấy nhau về lấy gì để nuôi; sau này có con, con có phát triển được bình thường không; giả sử con không sao vậy sau này nuôi và dạy con như thế nào... Ban đầu tôi thấy cũng nản nhưng nhờ sự quyết tâm và động viên từ anh, chúng tôi đã thuyết phục gia đình một lần nữa để đến với nhau”, chị Tiền bồi hồi nhớ lại.
Hiện hai vợ chồng anh kiếm sống nhờ vào việc may khăn quàng đỏ tại nhà.
Sau khi hai vợ chồng cưới nhau, anh chị xây căn nhà nhỏ, cùng nhau kiếm sống nhờ vào việc may khăn quàng đỏ tại nhà. Tuy thu nhập ít ỏi nhưng tiếng cười và tình yêu thương giữa hai vợ chồng vẫn luôn đong đầy.
Biến nỗi đau thành động lực
Vào năm 2009 khi biết mình sắp được làm bố, anh Tưởng vừa vui mừng lại vừa lo lắng. Mừng vì anh có thể có con nhưng lại lo lắng nhiều hơn, anh sợ sau này con sinh ra sẽ không được may mắn như các bạn đồng trang lứa.
“Ngày tôi biết tin, tôi và vợ trằn trọc mấy ngày không ngủ được. Đến khi cầm trên tay kết quả siêu âm bình thường, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Khi mang thai, người bình thường trải qua 9 tháng 10 ngày đã rất vất vả. Với những người khuyết tật như chúng tôi còn khó khăn, vất vả hơn nữa, nhìn vợ đau đớn, đi lại khó khăn, tôi rất bất lực. Chưa kể trái gió, trở trời hai vợ chồng đều bị đau nhức xương khớp, bệnh tật hành hạ”, khi được hỏi về quãng thời gian khó khăn nhất của hai vợ chồng, anh Tưởng chia sẻ.
Khó khăn là vậy nhưng bằng tình yêu, sự quyết tâm, không cam chịu số phận hai anh chị đã nắm tay nhau vượt qua.
Đang trò chuyện cùng hai vợ chồng thì cậu con trai lớn Trần Thanh Phong, đang học lớp 8 tam học về. Chưa vào đến cổng đã nghe thấy âm thanh chào lớn: “Con chào bố mẹ, con mới đi học về”. Khi thấy có người lạ trong nhà, cậu bé hơi nhút nhát nhưng vẫn không quên lễ phép chào hỏi.
Bước vào nhà, cậu bé cất cặp sách xuống, rủ em gấp khăn quàng đỏ, bó lại, nhét vào bao tải. Bàn tay nhỏ bé, thoăn thoắt, không một động tác thừa, không biết cậu bé đã làm được công việc bao lâu rồi. Còn em gái ngồi một góc, xếp ngay ngắn từng thớ vải đỏ, đếm và gấp rất chuyên ngiệp.
Khi được hỏi về niềm tự hào lớn nhất của mình, Phong chia sẻ: “Có lẽ niềm tự hào lớn nhất với em là được làm con của bố mẹ. Dù bố mẹ khuyết tật, không có điều kiện nhưng vẫn chưa để em và em gái nhịn bữa cơm nào. Luôn yêu thương và tạo điều kiện tốt nhất cho chúng em đi học”.
Hai anh em đang gấp khăn quàng phụ bố mẹ.
Khi nhắc về hai anh em con nhà ông Tưởng ở thôn Gia Khánh, mọi người trong làng đều khen ngợi.
“Con trai lớn thì chăm chỉ, tháo vác và rất có trách nhiệm. Mới học cấp một đã biết trông em, phụ bố mẹ nấu cơm giặt giũ. Lên cấp hai đã phụ được bố mẹ làm những việc người lớn trong nhà. Em gái thì ngoan ngoãn học giỏi, kì nào cũng được giấy khen”, bà Nguyễn Quỳnh Hoa, thôn Gia Khánh, huyện Thường Tín chia sẻ.
“Con nhà ông Tưởng, cả trai cả gái đều ngoan ngoãn, lễ phép. Dù không ai nhắc nhở phải làm việc hay học bài nhưng cả hai anh em đều biết động viên nhau học bài, làm việc phụ bố mẹ”, bà Nguyễn Thanh Hà, thôn Gia Khánh, huyện Thường Tín cho biết.
Hai vợ chồng hàng ngày đều cùng nhau đi chợ, nấu cơm.
Trải qua 16 năm bên nhau, hai vợ chồng anh Tưởng và chị Tiền chưa cãi nhau to tiếng lần nào. Khi được hỏi về bí quyết giúp gia đình luôn êm ấm, anh Tưởng tâm sự: “Cha ông ta có câu: Chồng giận thì vợ bớt lời - Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê. Tình yêu là một thứ gì đó rất diệu kì, có thể gặp nhau, đến với nhau đã là may mắn. Nên chúng ta hãy cố gắng bao dung, sửa lỗi cho nhau. Không nên vì những chuyện vụn vặt mà làm ảnh hưởng tới tình cảm gia đình” .
Khi được hỏi trong ngày Valentine, chị Tiền thích món quà gì nhất, chị không ngần ngại trả lời: “Tôi không cần quà, chỉ cần cả gia đình khỏe mạnh, mãi luôn bên nhau, vui vẻ, hạnh phúc, bình an là được”.
Sau khi rời căn nhà nhỏ trong ngõ, tạm biệt những nụ cười lấp lánh mà trái tim của tôi bỗng hửng nắng. Mặc dù anh chị không được lựa chọn ngoại hình, hoàn cảnh nơi mình sinh ra nhưng cả hai đều cố gắng đạt được những hạnh phúc, bé nhỏ riêng mình. Không cần cân đo đong đếm, không cần cầu kì, xa hoa chỉ cần chân thành, tử tế bên nhau. Dù phía trước còn rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng anh Tưởng, chị Tiền chắc chắn sẽ cùng nhau đồng hành, vượt qua.
Thảo Ly