Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tình trạng phụ nữ Afghanistan tự tử gia tăng ở mức đáng lo ngại

  • Phương Uyên
(DS&PL) -

Chính sách cai trị hà khắc của Taliban được cho là đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần đối với phụ nữ Afghanistan.

Những con số chưa thể phản ánh đúng thực tế

Theo thông tin mới nhất từ tờ Guardian, dữ liệu thu thập từ các bệnh viện công và phòng khám sức khỏe tâm thần trên 1/3 các tỉnh của Afghanistan cho thấy, kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước vào mùa hè năm 2021, số phụ nữ tự kết liễu đời mình hoặc cố gắng làm điều đó đã gia tăng ở mức độ đáng lo ngại.

Các bác sĩ tiết lộ với tờ báo trên rằng, chính quyền Taliban đã không công bố dữ liệu về các vụ tự tử và cấm nhân viên y tế chia sẻ số liệu thống kê cập nhật ở nhiều tỉnh. Số liệu Guardian có được do một số nhân viên ý tế chia sẻ riêng từ 8/2021 đến tháng 8/2022 để nêu bật cuộc khủng hoảng y tế công cộng tại Afghanistan.

Phụ nữ chiếm phần lớn trong số các trường hợp tự tử ở Afghanistan. Ảnh: Zan Times

Số liệu trên cho thấy, trong số 11 tỉnh được khảo sát, chỉ tỉnh Nimruz có nam giới chiếm phần lớn các trường hợp tử vong và cố gắng tự tử. Nimruz là điểm xuất phát chính của những nỗ lực vượt biên trái phép vào Iran, phần lớn được thực hiện bởi nam giới. Những người thất bại trong nỗ lực vượt biên đôi khi tự kết liễu đời mình ở tại đây.

Ở những nơi khác, phụ nữ và trẻ em gái chiếm phần lớn trong số những người qua đời vì tự tử hoặc đang được điều trị sau khi cố gắng tự sát. Những nạn nhân trẻ nhất được ghi nhận vẫn còn ở độ tuổi thiếu niên. Nhìn chung, phụ nữ chiếm hơn 3/4 số ca tử vong do tự tử được ghi nhận và những người sống sót được điều trị.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định các số liệu được chia sẻ chưa hoàn toàn sát với thực thế vì tự tử được coi là điều đáng xấu hổ và thường được che đậy ở Afghanistan. Một số phụ nữ có ý định tự tử sẽ không được đưa đi điều trị và một số người chết có thể được chôn cất mà không có hồ sơ ghi lại.

Cô Roya (31 tuổi) được phát hiện đã tự tử tại nhà riêng ở thành phố Herat (Afghanistan) vào tháng 5/2022 sau nhiều lần bị chồng bạo hành. Gia đình nói với mọi người rằng cô chết vì bạo bệnh vì họ coi việc tự tử là hành động phi đạo Hồi và đáng xấu hổ.

“Lần nào bố mẹ tôi cũng thuyết phục chị ấy tiếp tục cuộc hôn nhân. Một buổi sáng, chúng tôi được thông báo rằng Roya đã tự kết liễu đời mình. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ mọi chuyện sẽ đi xa đến thế”, em trai của cô Roya nói nạn nhân đã nhiều lần kể về việc bị chồng bạo hành với gia đình.

Trong khi đó, cô Latifa được cứu sống sau khi cố gắng tự tử chia sẻ, ước mơ trở thành bác sĩ của cô đã bị tiêu tan bởi lệnh cấm giáo dục đối với phụ nữ của Taliban. Sau đó gia đình cô buộc phải kết hôn với anh họ đang nghiện ma túy.

“Tôi có hai lựa chọn: kết hôn với một người nghiện ma túy và sống một cuộc đời đau khổ hoặc tự kết liễu đời mình. Tôi đã chọn cái sau”, cô gái 18 tuổi đến từ tỉnh Ghor chia sẻ.

Tổng thống Ukraine tuyên bố thành công trong sản xuất tên lửa

Các vụ tự tử gia tăng do chính sách cai trị hà khắc

Cảnh báo về các vụ tự tử của phụ nữ ngày càng gia tăng khi chính quyền Taliban thắt chặt kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc sống của phụ nữ, gần đây nhất là cấm các thẩm mỹ viện.

Phụ nữ Afghanistan đang phải đối mặt với chính sách cai trị hà khắc của Taliban. Ảnh: Guardian

Theo một báo cáo được Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 7, chính sách cai trị hà khắc của Taliban đã gây ra tổn thất nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần như trầm cảm và tự tử, nhất là với những nữ thiếu niên đang bị ngăn cản theo đuổi con đường học hành.

Gần 8% số người được khảo sát nói rằng, họ biết được một cô gái hoặc phụ nữ từng có ý định tự tử. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho hay những hạn chế và khó khăn kinh tế còn làm gia tăng bạo lực gia đình và hôn nhân ép buộc đối với nữ giới. Trong khi đó, những nỗ lực giải quyết vấn đề này của chính phủ trước hiện đã bị Taliban phá bỏ.

Cơ chế ứng phó với bạo lực gia đình bị xóa bỏ hoàn toàn, phụ nữ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chịu đựng bạo lực hoặc tự sát”, bà Shaharzad Akbar - Giám đốc điều hành của Tổ chức nhân quyền Rawadari tại Afghanistan cho biết.

Ngày 15/8 vừa qua đánh dấu tròn hai năm Taliban lên nắm quyền trở lại tại Afghanistan. Tuy vậy, hiện chưa có quốc gia nào chính thức công nhận Taliban là lực lượng nắm quyền hợp pháp tại Afghanistan. Cộng đồng quốc tế coi quyền được giáo dục của phụ nữ là một điều kiện quan trọng trong các cuộc đàm phán về viện trợ và sự công nhận đối với Taliban.

Phương Uyên (Theo Guardian)

Tin nổi bật