Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tỉnh nào sinh con trai nhiều nhất cả nước?

  • Mộc Trà
(DS&PL) -

Tình trạng mất cân bằng giới tính chủ yếu diễn ra ở các tỉnh thuộc khu vực phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra), đặc biệt là các tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Hồng.

Ngày 25/4, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế công cộng toàn cầu tổ chức hội thảo công bố Báo cáo Quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021–2024.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Cục Thống kê, Bộ Tài chính, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong công tác đăng ký khai sinh, với tỷ lệ khai sinh đúng hạn tăng đều và đạt 84,9% năm 2024. Tuy nhiên, tình trạng khai sinh muộn vẫn phổ biến ở một số nhóm dân tộc thiểu số (lên đến 56%).

Tương tự, tỷ lệ đăng ký khai tử đúng hạn đạt 69,3% năm 2024, song tình trạng khai tử muộn cũng vẫn xuất hiện nhiều ở vùng dân tộc thiểu số, có nơi gần 80%.

Về xu hướng dân số, tổng tỷ suất sinh hiện đang thấp hơn mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Đồng thời, mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại.

Tình trạng mất cân bằng giới tính ở nước ta tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại. Ảnh minh họa

Theo bà Mai, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) tiếp tục vượt mức cân bằng sinh học (104–106 bé trai/100 bé gái) và có xu hướng tăng: Năm 2021: 109,5; Năm 2023: 109,7; Năm 2024: 110,7.

Tình trạng mất cân bằng giới tính đặc biệt nghiêm trọng tại các tỉnh phía Bắc, nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng với 10/11 tỉnh có SRB vượt 110. Một số địa phương có tỷ số cao nhất cả nước gồm Bắc Ninh (119,6), Vĩnh Phúc (118,5), Hà Nội (118,1), và Hưng Yên (116,7).

Các tỉnh miền núi phía Bắc cũng ghi nhận SRB cao như Bắc Giang (116,3), Sơn La (115,0), Lạng Sơn (114,5), Phú Thọ (113,6).

Bà Mai nhận định, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đã kéo dài từ năm 2007 và chưa có dấu hiệu cải thiện, bất chấp các nỗ lực và chính sách kiểm soát đã được triển khai. Vấn đề này đe dọa sự ổn định dân số trong dài hạn, không chỉ ở cấp quốc gia mà còn mang tính toàn cầu.

“Tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn có xu hướng nghiêm trọng hơn trong hai năm gần đây. Điều này làm mất cân bằng tự nhiên, ảnh hưởng đến sự ổn định dân số của quốc gia và toàn cầu”, bà Mai nhấn mạnh.

Tin nổi bật