Nga ủng hộ Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh IS
CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Washington đã thông báo cho Moscow về việc sẽ hoạt động “trong khu vực rộng lớn phía tây bắc Syria, trong một khung thời gian nhất định và yêu cầu quân Nga tránh xa khu vực này”.
Sau khi Washington tiêu diệt Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi, thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong cuộc đột kích tại Syria hôm 3/2, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố ủng hộ các nước khác, trong đó có liên minh do Mỹ dẫn đầu, trong cuộc chiến chống khủng bố. Đồng thời, Nga cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước trước mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố.
Quân đội Nga - Mỹ ở Syria. Ảnh minh họa
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ và Nga hợp tác tại Syria. Tuy nhiên, động thái hòa giải hiếm hoi này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Moscow liên quan đến vấn đề Ukraine.
Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi là thủ lĩnh tối cao của IS từ 31/10/2019, chỉ vài ngày sau khi thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi chết trong một cuộc đột kích của Mỹ ở cùng khu vực. Tên này đã chết tương tự như al-Baghdadi, kích nổ bom tự sát cùng các thành viên trong gia đình khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiếp cận.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo "mối đe dọa khủng bố" toàn cầu đã được xóa bỏ sau khi al-Qurashi tự sát.
Cái chết của Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi được cho là tổn thất lớn nhất đối với nhóm thánh chiến IS kể từ khi Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt.
Trực thăng Mỹ gặp sự cố trong cuộc đột kích thủ lĩnh IS
Xác chiến trực thăng MH-60 bị phá hủy trong vụ đột kích thủ lĩnh IS . Ảnh: Anadolu Agency
Tờ The Drive dẫn lời Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, nhiệm vụ tiêu diệt trùm khủng bố al-Qurayshi hôm 3/2 có sự tham gia của các trực thăng vận tải MH-60, trực thăng tấn công AH-64 Apache và một số máy bay không người lái (UAV).
“Một trong những chiếc MH-60 tham gia vào nhiệm vụ lần này đã buộc phải hạ cánh, sau khi gặp phải vấn đề kỹ thuật. Chiếc trực thăng này sau đó bị phá hủy bởi các liều thuốc nổ của lực lượng đặc nhiệm và bom từ chiến đấu cơ F-16. Dù vậy, một số bộ phận của chiếc trực thăng vẫn còn nguyên vẹn”, thông cáo từ Lầu Năm Góc cho hay.
Tướng Frank McKenzie, lãnh đạo Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTcom), sau đó khẳng định rằng “không hề có bất kỳ thiết bị quân sự nhạy cảm nào còn sót lại ở Syria”. Dù vậy, ông này không nêu rõ số phận của những trang thiết bị được lắp trên chiếc trực thăng MH-60 bị phá hủy như hệ thống radar hay bộ cảm biến.
Hoa Vũ (T/h)