Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 30/4: Syria bắn 10 tên lửa vào chiến đấu cơ Israel nhưng toàn trượt; Xe dân quân bị tấn công tên lửa ở trung tâm buôn lậu ma túy;...
Syria bắn 10 tên lửa vào chiến đấu cơ Israel nhưng toàn trượt
Phòng không Syria bắn 10 tên lửa S-200 vào chiến đấu cơ Israel nhưng không trúng mục tiêu. Ảnh minh họa |
Một cuộc tấn công dữ dội của máy bay chiến đấu Israel vào các vị trí của Quân đội chính phủ Syria (SAA) đã dẫn đến sự đáp trả mạnh mẽ của SAA.
Theo một báo cáo được Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) công bố, trong đợt không kích vừa mới diễn ra, phía Syria đã bắn ít nhất 10 tên lửa phòng không dẫn đường vào máy bay chiến đấu của Israel, mặc dù vậy kết quả thu được chỉ là con số không.
Theo dữ liệu do phía Israel cung cấp, 9 trong tổng số 10 tên lửa S-200 của Syria đã phát nổ khi bị mất mục tiêu, nguyên nhân rõ ràng là do Israel sử dụng các biện pháp đối phó điện tử.
Tuy nhiên một trong số các tên lửa S-200 nói trên đã bay vào vùng trời miền Nam Israel, IDF thừa nhận rằng xác suất đánh chặn thành công tên lửa là cực kỳ thấp, ngoài ra đạn phòng không của Syria cách xa các mục tiêu quan trọng, vì vậy phản ứng không được đưa ra.
“Theo cuộc điều tra (một phần vẫn còn được bảo mật), Quân đội Syria đã bắn khoảng 10 tên lửa phòng không hạng nặng S-200 vào máy bay chiến đấu F-16 của Israel ,nhưng không gây ra thương vong".
"Tất cả các tên lửa S-200 tiếp tục trên quỹ đạo của chúng mà không gây ra thiệt hại. Đạn đánh chặn có cơ chế tự phát nổ nếu nó bắn trượt mục tiêu, ngoại trừ một quả đạn gặp lỗi".
"Quả tên lửa này đã leo lên tới độ cao khoảng 12 km, sau đó nó bắt đầu rơi xuống phần lãnh thổ phía Nam đất nước. Ở giai đoạn này, Bộ tư lệnh phòng không phải quyết định có phóng tên lửa đánh chặn hay không".
"Tên lửa dự định dùng để đánh chặn theo báo cáo nằm cách xa đường bay của S-200, đạn phòng không sẽ không thể đến kịp, bên cạnh đó nhiều chuyên gia ước tính rằng xác suất thành công trong việc đánh chặn là dưới 50%", báo cáo của ấn phẩm tin tức NZIV, trích dẫn các nguồn trong Bộ Quốc phòng Israel.
Xe dân quân bị tấn công tên lửa ở trung tâm buôn lậu ma túy
Ngày 28/4, khu vực Afrin do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở miền bắc Syria đã xảy ra một tấn công bằng tên lửa dẫn đường chống tăng.
Theo Đài quan sát Nhân quyền Syria và một số nguồn khác, hai phương tiện bị tấn công bằng tên lửa dẫn đường chống tăng ở thị trấn Bosoufane thuộc miền nam Afrin. Bosoufane vốn là trung tâm buôn lậu ma túy và vũ khí.
Cả hai chiếc xe bị tấn công đều là SUV của Hyundai Santa Fe. Loại xe này thường được các nhóm dân quân sử dụng. Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có báo cáo về thương vong.
Theo nhận định của các chuyên gia ở thực địa, cuộc tấn công này có thể do lực lượng người Kurd thực hiện. Đây là nhóm vũ trang đang kiểm soát khu vực phía nam Afrin. Lực lượng chính phủ Syria và một số đơn vị thuộc lực lượng Nga cũng có mặt tại đó.
Đây là cuộc tấn công thứ hai bằng tên lửa dẫn đường chống tăng trong tuần này. Trước đó, ngày 26/4, nhóm vũ trang Các đơn vị Giải phóng Afrin hoạt động ở miền nam Afrin đã tấn công một chiếc xe bán tải của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Loại vũ khí được sử dụng trong cuộc tấn công này cũng là tên lửa dẫn đường chống tăng, địa điểm xảy ra cuộc tấn công cũng gần thị trấn Bosoufane. Đoạn video về vụ tấn công đã được công bố vào ngày 28/4.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng ủy nhiệm của họ đã chiếm Afrin vào đầu năm 2018, sau một trận chiến căng thẳng với Các Đơn vị Giải phóng Nhân dân người Kurd và Các Đơn vị Bảo vệ Phụ nữ. Kể từ đó, tình hình ở Afrin không còn ổn định. Khu vực sinh sống chủ yếu của người Kurd trở nên bất ổn, giao tranh thường xuyên xảy ra. Các vi phạm nhân quyền tại đây cũng liên tiếp được báo cáo.
Ông Assad tái tranh cử Tổng thống Syria
Tổng thống Syria Bashar al-Assad xuất hiện trước công chúng ở Thủ đô Damascus. Ảnh: ITN |
Theo Al-Arabya, có 51 công dân Syria, gồm Tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad, đã đăng kí và đủ điều kiện tranh cử vào vị trí người đứng đầu nhà nước Syria. Cuộc bầu cử lần này dự kiến diễn ra vào ngày 26/5.
Quốc hội Syria cùng ngày đã bỏ phiếu lựa chọn ra các ứng viên cuối cùng. Theo đó, để được trở thành ứng viên chính thức trên phiếu bầu, họ sẽ cần nhận được ít nhất 35 phiếu tán thành trong tổng số 250 nghị sĩ quốc hội. Danh sách này sẽ được Tòa án Tối cao Syria công bố trong vài tuần tới.
Trong ngày 28/4, các nước Mỹ, Pháp và Anh cùng đồng minh đã ra tuyên bố không công nhận kết quả của cuộc bầu cử ngày 26/5 tới của Syria, trong bước đi bị Nga chỉ trích là "không thể chấp nhận được".
Tháng 7/2020, các nước phương Tây cũng không công nhận kết quả bầu cử quốc hội ở Syria, vốn có phần thắng áp đảo thuộc về đảng Baath của Tổng thống Assad và các đảng liên minh.
Đây là lần thứ hai Syria tổ chức bầu cử tổng thống kể từ khi xung đột nổ ra năm 2011 và vào thời điểm quốc gia Trung Đông này, theo mô tả của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, đang dần chuyển sang tình trạng "không còn chiến tranh, nhưng cũng chẳng có hòa bình".
Sau khi các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan cơ bản bị đẩy lùi, hồi tháng 1/2018, dưới sự bảo trợ của Nga, các bên đối đầu ở Syria đã tham gia một hội nghị hòa bình ở Moscow và kết một thỏa thuận về việc thành một uy ban gồm 150 thành viên để soạn thảo hiến pháp mới của Syria.
Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2019, các bên mới thống nhất được thành phần của ủy ban hiến pháp. Ủy ban này đã nhóm họp một số lần, nhưng chưa có kết quả cụ thể. Phe đối lập, người Kurd và một số quốc gia phương Tây kêu gọi chỉ tổ chức bầu cử sau khi có hiến pháp mới.
Hoa Vũ (T/h)