Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 25/3: IS tấn công quân chính phủ tại cao tốc chiến lược; Su-34 Nga phá hủy hơn 10 xe bọc thép Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib;...
IS tấn công quân chính phủ tại cao tốc chiến lược
SAA và các đồng minh tại cao tốc chiến lược M20 bị khủng bố IS tấn công. Ảnh minh họa |
Ngày 24/3, khủng bố IS đã tấn công đường cao tốc chiến lược M20 nối Homs (miền Trung Syria) với Deir Ezzor (khu vực phía đông).
Theo Đài quan sát Nhân quyền Syria (SOHR), những tên khủng bố đã tấn công một số vị trí của Quân đội Ả Rập Syria (SAA) và các đồng minh gần thị trấn al-Sholah. Al-Sholah là một trong những khu định cư lớn nhất nằm trên tuyến đường cao tốc chiến lược M20. Bốn chiến binh ủng hộ chính phủ đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của IS.
Ngay sau cuộc tấn công của IS, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã nhanh chóng can thiệp buộc những tên khủng bố phải rút lui.
Trong một báo cáo, SOHR cho biết: “IS tiếp tục tấn công quân chính phủ và dân quân trung thành qua các cuộc tấn công quy mô nhỏ do lo sợ các cuộc không kích và phục kích. Chiến lược mới nhất mà IS đã áp dụng gần đây chính là các cuộc tấn công nhóm nhỏ chỉ từ 2 – 3 thành viên, thậm chí một số cuộc tấn công chỉ có duy nhất 1 tên khủng bố”.
Một số nguồn tin đối lập với chính phủ Syria cho rằng, đường cao tốc M20 bị chặn là hậu quả của một cuộc tấn công. Tuy nhiên, tuyên bố này bị đánh giá không có cơ sở.
Tháng trước, SAA đã thực hiện một chiến dịch quy mô lớn để đảm bảo an toàn cho đường cao tốc chiến lược M20 sau khi khủng bố thực hiện các cuộc tấn công. Trước đó, các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào M20 đã cướp đi sinh mạng của hàng chục quân nhân và thường dân.
Trong những ngày đầu tuần, các phần tử IS liên tục thực hiện các cuộc tấn công. Hai ngày trước, những kẻ khủng bố đã tấn công một đơn vị quân đội gần thị trấn al-Sukhnah.
SAA và các đồng minh thừa khả năng bảo vệ tuyến cao tốc M20. Tuy nhiên, các cuộc tấn công chớp nhoáng của IS để lại những hậu quả và chúng sẽ không sớm dừng lại hành động phá hoại này.
Su-34 Nga phá hủy hơn 10 xe bọc thép Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib
Hình ảnh được cho là những chiếc xe bọc thép AVC-15 của Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy đã được chụp lại từ một UAV. Ảnh: Avia-pro |
Nguồn tin Avia-pro ngày 23/3 cho biết, các cuộc không kích mới đây của máy bay chiến đấu Su-34 Nga ở tỉnh Idlib, Syria, đã phá hủy hơn 10 xe bọc thép chở quân của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau cuộc tấn công mới đây bằng tên lửa và bom quy mô lớn của máy bay chiến đấu Su-34 Nga nhằm vào các vị trí phiến quân ở Tây Bắc Syria, người ta biết rằng, mục tiêu quan trọng của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga là ngoài những chiếc xe tải chở dầu lậu còn là những chiếc xe bọc thép chở quân của Thổ Nhĩ Kỳ hiện do những kẻ khủng bố sử dụng.
Trong bức ảnh được giới thiệu, có thể thấy các phương tiện trên khung gầm có bánh xích, được xác định là xe chở quân bọc thép AVC-15, được đặt trong nhà chứa thiết bị quân sự của phiến binh. Tổng cộng, có ít nhất 10 xe bọc thép được cho là phía Ankara chuyển giao cho phiến quân. Đánh giá theo quy mô cuộc tấn công của máy bay chiến đấu Su-34 Nga, thì những chiếc AVC-15 đã bị thiệt hại nghiêm trọng và chúng không thể sử dụng được nữa trong các cuộc chiến.
Các chuyên gia chú ý đến thực tế rằng, gần đây, những cuộc không kích của quân đội Nga và Syria chủ yếu nhằm vào những vị trí có kho chứa nhiên liệu và xăng dầu của phiến quân, tuy nhiên, cuộc dội bom hôm 21/3 của Su-34 cho thấy các xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bị đưa vào tầm ngắm, nhằm ngăn chặn các phiến quân âm mưu tấn công lực lượng chính phủ Damascus.
Tín hiệu tích cực trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: Sputnik |
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 24/3 cho biết, ông đã có cuộc hội đàm mang tính xây dựng với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken về mọi mặt liên quan đến quan hệ song phương.
Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ngoại trưởng hai nước kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ.
Theo Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc gặp ngoại trưởng hai nước diễn ra tại trụ sở tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở thủ đô Brussels, Bỉ, bên lề Hội nghị ngoại trưởng NATO.
Tại cuộc hội đàm, hai bên đã thảo luận về những tranh cãi xung quanh việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, tình hình xung đột tại Syria và Libya cũng như tình hình trên biển Đại Trung Hải.
Mối quan hệ giữa hai đồng minh NATO này trở nên căng thẳng do nhiều vấn đề như việc Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng việc mua S-400 là cần thiết vì nước này không thể mua hệ thống phòng không từ bất kỳ đồng minh nào trong NATO với các điều kiện thỏa đáng.
Trong khi đó, phía Mỹ lại cho rằng hệ thống S-400 sẽ đe dọa các máy bay chiến đấu F-35 của nước này, cũng như hệ thống phòng thủ mở rộng của NATO.
Sau khi ông Biden lên nắm quyền, mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ chưa ghi nhận những dấu hiệu cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan hồi tháng 2/2021 bày tỏ nguyện vọng tăng cường hợp tác lâu dài với Mỹ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, được coi là “lời mở đầu” để Ankara và Washington sớm cài đặt lại quan hệ.
Hoa Vũ (T/h)