Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 20/11: Hệ thống phòng không Bavar-373 Iran bất lực trước Israel; Làn sóng bạo lực mới bùng phát ở nam Idlib;...
Hệ thống phòng không Bavar-373 Iran bất lực trước Israel
Hệ thống phòng không Bavar-373 của Iran bất lực trước cuộc không kích của Israel. Ảnh minh họa |
Hệ thống phòng không Bavar-373 của Iran đã không thành công trong việc ngăn chặn các máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Israel (IAF) trong đợt oanh kích hôm 19/11.
Thời gian qua, có thông tin cho rằng quân đội Israel đã tạm dừng tấn công Syria 2 tháng vì Bavar-373, tuy nhiên, các cuộc không kích mới đã được thực hiện trở lại, khiến ít nhất một hệ thống phòng không của Iran bị phá hủy, các nguồn tin ở Syria cho biết.
Trước đó, Tehran đã quyết định triển khai hệ thống phòng không Bavar-373 của mình tới Syria, tuyên bố rằng các tổ hợp này có khả năng đảm bảo an ninh cho không phận Syria thay vì S-300.
Tuy nhiên, trong cuộc tấn công của Israel, một hệ thống trong những tổ hợp phòng không nói trên (theo các nguồn tin khác, có thể là Khordad-15) đã bị phá hủy bởi cú đánh trực tiếp từ một viên đạn tuần kích (máy bay không người lái cảm tử) dạng Harop.
Hiện phía Iran chưa đưa ra bình luận nào về thất bại của tổ hợp Bavar-373 trong việc bảo vệ không phận Syria.
Làn sóng bạo lực mới bùng phát ở nam Idlib
Lực lượng Quân đội Ả Rập Syria (SAA). Ảnh: AMN |
Chính quyền tỉnh Idlib cho biết họ đã chứng kiến một làn sóng bạo lực mới ở vùng nông thôn phía Nam sau khi Quân đội Ả Rập Syria (SAA) và phiến quân thánh chiến tiến hành các cuộc tấn công nghiêm trọng nhằm vào đối phương.
Cụ thể, theo nguồn tin thực địa từ chính quyền tỉnh Hama gần đó, các cuộc tấn công đã nổ ra vào hôm 18/11, khi các phiến quân thánh chiến Hay'at Tahrir Al-Sham (HTS) "nã" tên lửa và đạn đạo về phía bức tường phòng thủ của Quân đội Ả Rập Syria ở khu vực Jabal Al-Zawiya.
SAA sau đó đã đáp trả đòn đánh của đối thủ bằng loạt tên lửa và đạn pháo của mình. Họ đã tấn công nhằm vào một số địa điểm tại Jabal Al-Zawiya, bao gồm cả thị trấn Al-Bara’a, nơi từng là căn cứ cho các cuộc tấn công quân sự trong khu vực.
Vụ đụng độ giữa 2 lực lượng kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ bất chấp sự hiện diện của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Al Masdar News cho hay, hàng loạt các cuộc tấn công bạo lực trong thời gian gần đây được ghi nhận khi phiến quân HTS đang tập hợp lực lượng dọc chiến tuyến Jabal Al-Zawiya.
Ngoại trưởng Mỹ thông báo kế hoạch thăm Cao nguyên Golan
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AFP |
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 19/11 cho biết ông sẽ thăm Cao nguyên Golan, khu vực mà Israel đã chiếm đóng của Syria trong cuộc chiến tranh năm 1967. Kế hoạch này là bước đi chưa từng có trong chính sách của Mỹ từ trước tới nay.
Phản ứng về ý định thăm Golan của Ngoại trưởng Mỹ, người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Nabil Abu Rudeineh khẳng định: "Việc ông Pompeo thăm vùng đất bị chiếm đóng này là một sự đồng tình với hành động chiếm đóng".
Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cảm ơn ông Pompeo và Tổng thống Donald Trump về chính sách Trung Đông của Mỹ.
Cao nguyên Golan có vị trí chiến lược quan trọng, nằm giữa Syria, Israel, Liban và Jordan. Các chính quyền Mỹ trước đây đều không thừa nhận việc Israel kiểm soát Cao nguyên Golan và hoạt động xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây. Năm 2019, Washington đã công nhận yêu sách chủ quyền của Israel đối với những nơi thuộc cao nguyên này mà Israel đã chiếm được từ Syria trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ nước mình trong một động thái không được Liên hợp quốc (LHQ) và hầu hết cộng đồng quốc tế công nhận.
Israel lâu nay luôn cho rằng Golan là "bức tường thành" chống lại các lực lượng Syria và Iran.
Hoa Vũ (T/h)