Ukraine tuyên bố giải phóng 400 km2 ở Kherson
Ukraine nói rằng quân đội nước này đã giành lại hơn 400 km2 ở tỉnh miền nam Kherson, sau khi Nga tuyên bố sáp nhập khu vực này.
Phát ngôn viên bộ chỉ huy quân đội miền Nam Ukraine Natalia Gumeniuk cho biết toàn bộ diện tích này được giải phóng kể từ đầu tháng 10, tức trong vòng chưa đầy một tuần.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 5/10 thông báo, ba ngôi làng Novovoskrensenske, Novohryhorivka và Petropavlivka ở Kherson đã được tái kiểm soát, cho thấy các lực lượng Ukraine đang tiến qua phần lớn khu vực nông thôn của Kherson.
"Ba khu định cư đã được giải phóng khỏi cuộc trưng cầu dân ý giả và hiện ổn định", ông Zelensky cho hay.
Binh sĩ Ukraine ngồi trên xe bọc thép ở tỉnh Donetsk ngày 5/10. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, lực lượng Ukraine vẫn chưa thể tiến gần thủ phủ Kherson và các khu vực chiến lược quan trọng khác.
Ukraine gần đây mở đợt tiến công ở Kherson, tái kiểm soát nhiều khu định cư, sau nỗ lực phản công đạt nhiều kết quả ở tỉnh đông bắc Kharkov. Bản đồ tác chiến do Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 4/10 cho thấy lực lượng Nga đã phải rút khỏi nhiều vùng lãnh thổ tại tỉnh Kherson, trong đó có khu vực dọc bờ tây sông Dnieper.
Ông Kirill Stremousov, phó lãnh đạo cơ quan quân sự - dân sự tỉnh Kherson do Nga bổ nhiệm, ngày 5/10 thừa nhận lực lượng Ukraine đạt bước tiến ở phía bắc tỉnh Kherson, nhưng cho rằng "tình hình không đến mức nghiêm trọng".
Bà Celeste Wallander, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách an ninh quốc tế, ngày 3/10 nhận định Ukraine đang trên đà đẩy lùi lực lượng Nga phía bờ tây sông Dnieper. "Đó sẽ là thất bại lớn đối với Nga vì điều này sẽ càng ngáng đường Nga kiểm soát Odessa, một trong các mục tiêu họ đề ra hồi đầu năm", bà Wallander nói, đồng thời kêu gọi Mỹ và cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Lực lượng Nga kiểm soát hầu hết tỉnh Kherson, một trong 4 tỉnh Nga mới sáp nhập vào lãnh thổ. Ukraine tuyên bố sẽ tiếp tục phản công để giành lại lãnh thổ và không đàm phán với Nga nếu Tổng thống Vladimir Putin còn nắm quyền.
Liên Hợp Quốc tiếp tục lên tiếng về vấn đề chiến tranh hạt nhân
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres coi ý tưởng về một cuộc xung đột hạt nhân là “không thể chấp nhận và không thể tưởng tượng”, và lập trường này không thay đổi.
Thông điệp này được phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ Stephane Dujarric đưa ra với hãng thông tấn Nga TASS, khi bình luận về việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi tấn công phủ đầu nhằm vào Nga để ngăn nước này sử dụng vũ khí hạt nhân.
"Đối với bất kỳ bình luận nào liên quan việc sử dụng vũ khí hạt nhân, tôi muốn nhắc các bạn điều mà Tổng thư ký đã nói về vấn đề này. Lập trường của ông ấy không thay đổi", ông Dujarric nói.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: REUTERS
Trước đó, vào ngày 22/9, ông Guterres từng tuyên bố "ý tưởng về một cuộc xung đột hạt nhân, từng là chuyện không thể tưởng tượng, đã trở thành chủ đề bàn luận, điều này tự nó hoàn toàn không thể chấp nhận".
Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh: "Tất cả cường quốc hạt nhân phải tái khẳng định cam kết không sử dụng và loại bỏ dần vũ khí hạt nhân".
Hôm 6/10, trong bài phát biểu trực tuyến trước Viện Lowy Úc, ông Zelensky yêu cầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Nga để ngăn Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân.
Người đứng đầu chính quyền Kiev nói rằng NATO phải đảm bảo Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại lực lượng Ukraine.
Để làm được điều này, ông kêu gọi liên minh và cộng đồng quốc tế thực hiện các cuộc tấn công “phòng ngừa” chống lại Nga để nước này “biết điều gì sẽ xảy ra” nếu quyết định sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Phản ứng với phát biểu của ông Zelensky, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 6/10 đã cáo buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky "châm ngòi cho cuộc chiến tranh thế giới thứ ba".
Ông Peskov đã kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và Anh, chú ý các tuyên bố của ông Zelensky. Theo ông Peskov, Mỹ và Anh "trên thực tế kiểm soát các hành động của Kiev" và do đó phải chịu trách nhiệm về lời nói của Tổng thống Ukraine.
Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không xem xét một cuộc tấn công hạt nhân vào Ukraine nhưng đã cảnh báo rằng họ sẽ sử dụng bất kỳ biện pháp cần thiết nào để bảo vệ biên giới, con người và chủ quyền.
Minh Hạnh (T/h)