Nga đưa ra yêu cầu hòa bình cho Ukraine
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin RTVI hôm 29/3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cho biết tương lai của chính Ukraine sẽ phụ thuộc vào việc Kiev và phương Tây có sớm nhận ra thực tế hay không.
Ông Galuzin nói rằng để Ukraine mang lại hòa bình, các lực lượng quân sự của nước này phải ngừng hoạt động và phương Tây phải ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng liệt kê một số điểm vốn đã được nêu ra kể từ khi chiến sự leo thang vào tháng 2/2022 như phi quân sự hóa và “phi hạt nhân hóa” Ukraine, cam kết không gia nhập EU hoặc NATO.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin. Ảnh: TASS
Thêm điều khoản được bổ sung vào tháng 10 năm ngoái liên quan đến việc công nhận “thực tế lãnh thổ mới” - quyết định của Kherson, Zaporizhzhia và các nước cộng hòa Donetsk và Lugansk gia nhập Nga.
Việc bảo vệ ngôn ngữ Nga và quyền của các công dân nói tiếng Nga, cũng như tất cả các nhóm sắc tộc khác ở Ukraine cũng được đề cập trong danh sách điều kiện Thứ trưởng Ngoại giao Nga nêu ra.
Bên cạnh đó, ông Galuzin cho biết Ukraine cần mở lại biên giới với Nga và khôi phục khuôn khổ pháp lý của quan hệ với Moskva và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác mà nước này đã từ bỏ sau cuộc đảo chính do Mỹ hậu thuẫn vào năm 2014.
Lần đầu tiên, Nga đưa ra điều khoản, yêu cầu dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt chống nước này và “rút lại các yêu sách và chấm dứt các vụ truy tố chống lại Nga, các cá nhân và pháp nhân của nước này”, bao gồm cả lệnh bắt của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) gần đây đối với Tổng thống Vladimir Putin và ủy viên quyền trẻ em, Maria Lvova-Belova.
Yêu cầu cuối cùng trong danh sách của Thứ trưởng Galuzin là phương Tây phải trả tiền cho việc tái thiết cơ sở hạ tầng dân sự bị quân đội Ukraine phá hủy kể từ năm 2014.
"Tương lai hòa bình của Ukraine phụ thuộc vào việc tôn trọng quyền của người dân Nga, khôi phục quan hệ hữu nghị với tất cả các nước láng giềng và quay trở lại nguyên tắc nền tảng về tình trạng trung lập và không liên kết, được ghi trong tuyên bố độc lập năm 1990", ông Galuzin nói.
“Tương lai của các vùng lãnh thổ của Ukraine ngày nay nên được quyết định bởi chính cư dân của đất nước này”, ông Galuzin cho biết thêm.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh Moskva sẽ không dung thứ cho “một quốc gia công khai chống Nga”. “Cả Nga hay bất kỳ quốc gia nào khác sẽ không chấp nhận điều này từ quan điểm an ninh", ông nói.
Trong khi đó, Kiev nhiều lần lên tiếng về điều kiện cho hoà bình bao gồm việc Nga rút toàn bộ khỏi tất cả các vùng lãnh thổ Ukraine, thanh toán chi phí cho chiến sự và đưa ra tòa án tội ác chiến tranh đối với giới lãnh đạo quân sự và chính trị ở Nga.
Quân đội Ukraine nói Nga đạt được một số thành công ở Bakhmut
Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine hôm 29/3 cho rằng, các lực lượng Nga "thành công ở một mức độ nào đó khi tấn công thành phố Bakhmut". Tuy nhiên, theo Ukraine, các lực lượng của họ vẫn đang cầm cự trong trận chiến đã kéo dài vài tháng này.
Số vụ tấn công trung bình hàng ngày của Nga vào tiền tuyến Bakhmut, theo báo cáo của bộ tổng tham mưu Ukraine đã giảm trong 4 tuần liên tiếp kể từ đầu tháng 3, xuống còn 69 vụ trong 7 ngày qua so với 124 vụ trong tuần từ ngày 1-7 tháng 3. Có 57 cuộc tấn công được báo cáo hôm 29/3.
Xe tăng trên đường gần Bakhmut. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, theo Reuters, các quan chức Nga cho biết các lực lượng của họ vẫn đang kiểm soát được một số khu vực trong các cuộc giao tranh trên từng con phố Bakhmut.
Thành phố mỏ Bakhmut và các thị trấn xung quanh khu công nghiệp phía đông Donetsk là tâm điểm tấn công trong phần lớn "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine. Không bên nào kiểm soát hoàn toàn và đều chịu những tổn thất nặng nề.
Reuters đã không thể xác minh các báo cáo trên chiến trường.
Tại miền Nam Ukraine, người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc cho biết ông đang gác lại kế hoạch thiết lập khu vực an ninh xung quanh nhà máy điện Zaporizhzhia, để có thể đề xuất các biện pháp bảo vệ cụ thể được cả Moskva và Kiev chấp nhận.
Nhà máy điện Zaporizhzhia bị quân đội Nga kiểm soát trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến. Những nỗ lực giảm giao tranh và pháo kích xung quanh nhà máy đã thất bại mặc dù có lo ngại về thảm họa hạt nhân.
Rafael Grossi, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, trong chuyến thăm nhà máy hôm 29/3, nói với các phóng viên: "Rõ ràng là hoạt động quân sự đang gia tăng trong toàn bộ khu vực. Vì vậy, nhà máy không thể được bảo vệ".
Hôm 28/3, Grossi nói với Reuters rằng ông đang nỗ lực tìm kiếm một giải pháp an ninh cho nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Xung đột tại Ukraine diễn ra sau khi Nga và các nước không đạt được đồng thuận về chủ trương trung lập của Kiev, khiến Moskva đặt ra những lo ngại về an ninh. Cuộc chiến kéo dài trên 1 năm này đã khiến hàng nghìn binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng, khiến hàng triệu người phải di tản, làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu và phá vỡ các mối quan hệ quốc tế.
Vương quốc Anh, Mỹ và các đồng minh châu Âu của Ukraine liên tục cung cấp vũ khí và tiền cho chính phủ Kiev. Bất chấp những thảo luận về khả năng đàm phán hòa bình, cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Minh Hạnh (T/h)