Ukraine sẽ duy trì sức ép quân sự lên Crimea
Theo thông tin mới nhất từ hãng tin Reuters, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 24/10 đã có bài phát biểu qua video tại một diễn đàn an ninh tại Prague (Cộng hòa Czech). Bài phát biểu của nhà lãnh đạo bị trục trặc nhiều lần do lỗi kỹ thuật và có thể do bị tấn công mạng.
"Hạm đội biển Đen của Nga không còn có thể hoạt động tại phần phía tây của biển Đen và đang dần chạy khỏi Crimea. Đây là thành tựu lịch sử", ông Zelensky nói trong bài phát biểu của mình.
Ukraine sẽ tiếp tục duy trì sức ép lên bán đảo Crimea. Ảnh: Reuters
Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014 dù Ukraine không công nhận. Những tháng qua, Ukraine đã tăng cường tấn công căn cứ không quân, sở chỉ huy Hạm đội biển Đen và cây cầu nối bán đảo với Nga. Kyiv cam kết sẽ duy trì sức ép quân sự tại đó.
"Chúng tôi chưa giành quyền kiểm soát hỏa lực hoàn toàn phía trên Crimea và các vùng nước xung quanh, nhưng chúng tôi sẽ làm được. Đây chỉ là vấn đề thời gian", ông Zelensky tuyên bố.
Thời gian gần đây, Ukraine được cho là đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào bán đảo Crimea cũng như lãnh thổ Nga, đặc biệt là các vùng biên giới với Ukraine và thủ đô Moscow. Ngày 24/10, hãng thống tấn Tass đưa tin Hạm đội Biển Đen của Nga đã thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa và bom vào nhóm 3 xuồng không người lái của Ukraine ở Bắc Biển Đen, ngoài khơi bán đảo Crimea.
"Vào khoảng 4h ngày 24/10 (theo giờ địa phương), 3 xuồng không người lái của Hải quân Ukraine đã được phát hiện ở phía Bắc Biển Đen. Một cuộc tấn công bằng tên lửa và bom đã được thực hiện nhằm vào các nhóm xuồng này", Hạm đội Biển Đen thông báo đồng thời cho biết họ hiện đang tiến hành một loạt các biện pháp chống các hoạt động tập kích và phá hoại xung quanh rìa ngoài của Vịnh Sevastopol.
Giới quân sự cho rằng mục đích của các cuộc tấn công nhằm vào bán đảo Crimea trong thời gian gần đây là cố gắng cô lập bán đảo và gây khó khăn hơn cho quân đội Nga trong việc duy trì các hoạt động quân sự trên đất liền Ukraine.
Giá đạn pháo Đức viện trợ cho Ukraine tăng hơn 50%
Theo hãng tin RT, một báo cáo công bố hôm 24/10 chỉ ra rằng, nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall, tự coi mình là “đối tác mạnh mẽ của Ukraine”, đã thu được lợi nhuận khổng lồ bằng cách bán đạn pháo cho Kiev (do chính phủ Đức chi trả), sau khi giá đạn dược đã tăng vọt kể từ đầu năm ngoái.
Binh sĩ Ukraine chuẩn bị đạn pháo 155mm phục vụ chiến đấu. Ảnh: Getty Images
Các tài liệu mật cho thấy, vào tháng 7, Bộ Quốc phòng Đức đã ký một thỏa thuận với Rheinmetall về việc cung cấp đạn pháo cỡ nòng 155mm dùng cho từ pháo tự hành PzH-2000, có thể tấn công các mục tiêu cách xa hàng chục kilomet. Hợp đồng này được cho là sẽ phục vụ nhu cầu của cả Đức và Ukraine.
Quân đội Ukraine từng bị cáo buộc đã sử dụng đạn pháo cỡ nòng 155mm trong một loạt cuộc tấn công bằng pháo vào cơ sở hạ tầng dân sự ở thành phố Donetsk hồi tháng 5.
Theo thỏa thuận, Rheinmetall sẽ cung cấp cho Kiev tới 333.333 viên đạn cỡ nòng lớn với mỗi viên đạn có giá ít nhất là 3.600 euro (3.813 USD). Nhà sản xuất vũ khí này lưu ý thêm rằng giá đạn pháo dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa.
Các chuyên gia trong ngành chỉ ra nguyên nhân do chi phí sản xuất và nguyên liệu thô ở EU ngày càng tăng bởi sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng cao do cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra.
Trong thông báo mới mới đây trên mạng xã hội, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết Đức đang triển khai gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,4 tỷ euro cho quân đội nước này, bao gồm cả trang thiết bị phòng không.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng tuyên bố Berlin sẽ cung cấp thêm cho Kiev hệ thống phòng không Patriot có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga.
Hôm 19/10, Bộ Quốc phòng Đức thông báo Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Liên bang Đức đã phê chuẩn kế hoạch sản xuất và chuyển giao 2.600 quả mìn chống tăng Panzerabwehrrichtmine Deutsches Modell 22 (PARM DM22) cho Ukraine. Số tiền dùng cho sản xuất mìn chống tăng này trị giá 68 triệu EURO (tương đương khoảng 72 triệu USD).
Phương Uyên (T/h)