Ngoại trưởng Nga lên tiếng về công thức hòa bình chấm dứt xung đột Ukraine
Sputnik đưa tin, mới đây tại hội nghị bàn tròn về việc giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã chỉ trích kế hoạch hòa bình do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất, cho rằng đây là nỗ lực chiến lược nhằm đánh bại Nga và thuyết phục các quốc gia khác tuân theo ý tưởng này.
"Phương Tây luôn nói với chúng tôi rằng cơ sở duy nhất cho bất kỳ cuộc đàm phán nào là công thức của Tổng thống Zelensky… Công thức này bắt đầu bằng an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh của các cơ sở hạt nhân, các vấn đề nhân đạo. Sau đó, công thức này chuyển sang vấn đề chính do Ukraine tự đặt ra, đó là sự thất bại chiến lược của Nga bằng việc khôi phục biên giới năm 1991 của Ukraine, đưa giới lãnh đạo Nga ra trước tòa án, buộc Nga phải trả tiền bồi thường", ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích kế hoạch hòa bình của Ukraine. Ảnh: Domena publiczna
Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, các nước phương Tây đang nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, để ủng hộ công thức hòa bình của Ukraine. Ông Lavrov nói thêm rằng một "âm mưu thực sự" đang xuất hiện xung quanh vấn đề đàm phán hòa bình Nga - Ukraine, nhằm "đảo ngược mọi thứ".
"Một âm mưu thực sự xuất hiện xung quanh chủ đề được gọi là đàm phán, cố gắng đảo lộn mọi thứ thông qua ngoại giao giả tạo. Giống như điều đã được thực hiện vào thời điểm bắt đầu các sự kiện ở Ukraine, sự kiện mà trong nhiều năm đã được các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi, đặc biệt là Mỹ và Anh, ưu tiên. Họ đã đầu tư hàng tỷ USD vào phe đối lập Ukraine và đưa lực lượng này lên nắm quyền", ông Lavrov nói.
Tổng thống Zelensky năm ngoái đã đưa ra công thức hòa bình 10 điểm nhằm chấm dứt chiến sự Nga -Ukraine. Những điểm chính trong kế hoạch hòa bình của ông Zelensky gồm khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine, Nga phải rút hết quân, đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực và an toàn hạt nhân, trả tiền bồi thường, cũng như thiết lập một nghị định thư về hòa bình giữa Kiev và Moscow.
Công thức hòa bình của nhà lãnh đạo Ukraine cũng kêu gọi Nga trao trả lại 4 vùng lãnh thổ mới sáp nhập cũng như bán đảo Crimea. Tháng 10/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập 4 vùng của Ukraine gồm Zaporizhia, Kherson, Donetsk và Lugansk.
Tuy nhiên, Moscow nhiều lần bác bỏ những yêu cầu này và tuyên bố hòa bình chỉ có thể đạt được nếu Ukraine trở thành quốc gia trung lập, từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, công nhận việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ từ Ukraine.
Tổng thống Belarus: Phương Tây muốn đưa quân tới Ukraine
Trong cuộc gặp hôm thứ Sáu với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Sochi, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói NATO có thể chỉ còn một bước nữa là có thể triển khai quân đội tới Ukraine. Đặc biệt, Ba Lan đã thành lập lực lượng sẵn sàng tiến vào lãnh thổ Ukraine bất cứ lúc nào.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: Reuters
Nói về những tuyên bố của phương Tây về việc Nga được cho là đang kêu gọi sự trợ giúp của lính đánh thuê nước ngoài cho chiến dịch quân sự ở Ukraine, ông Lukashenko nói rằng Mỹ và các đồng minh nên xem xét hành động của chính họ trước tiên và đếm tất cả lính đánh thuê mà họ đã cử đến để hỗ trợ quân đội Kiev.
Ông nhận định thêm rằng Washington và các quốc gia phương Tây khác có thể không chỉ dừng lại ở đó, họ còn đang muốn gửi "các đơn vị quân đội chính quy của họ tới Ukraine”.
Trong khi đó, ông Putin nói rằng Nga không cần lực lượng nước ngoài ở Ukraine. Tổng thống Nga cho biết có tới 300.000 công dân Nga đã ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga và gia nhập lực lượng vũ trang quốc gia trong bối cảnh Moscow xung đột với Kiev. Ông nói thêm rằng các đơn vị quân đội Nga cũng được “trang bị vũ khí và khí tài hiện đại”.
Tổng thống Nga cũng bác bỏ tin đồn về việc Moscow được cho là đang yêu cầu Bình Nhưỡng cung cấp “tình nguyện viên” có thể tham gia vào Ukraine. Tin đồn xuất hiện trong bối cảnh ông Putin gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm Nga tuần này.
Phương Uyên (T/h)