Địa phương nào để vaccine hết hạn, Giám đốc Sở phải chịu trách nhiệm
Ngày 20/12, bộ Y tế đã gửi Công văn số 10747/BYT-QLD về việc tăng hạn dùng của vaccine Comirnaty đến UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Báo Sức khỏe & Đời sống thông tin, theo bộ Y tế, việc tăng hạn dùng đối với vaccine Comirnaty (Pfizer BioNTech COVID-19 vaccine) được áp dụng chung trên toàn cầu, không làm thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả của vaccine, được sử dụng cho tất cả các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.
Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 năm 2021- 2022 theo đúng hướng dẫn của bộ Y tế.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-15 tuổi tại trường THCS Phú Lương, Đông Hưng, Thái Bình.
Các lô vaccine Comirnaty (Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine) được tăng hạn nêu trên được sử dụng cho tất cả các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.
Các địa phương đẩy mạnh truyền thông, tư vấn cho các đối tượng tiêm chủng, cha mẹ trẻ những thông tin đầy đủ về hạn dùng của vaccine nêu trên.
Bộ Y tế nhấn mạnh địa phương nào để vaccine hết hạn do không sử dụng, phải tiêu hủy thì đồng chí Giám đốc sở Y tế phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Đắk Lắk vượt mốc 10.000 ca mắc COVID-19, F0 trong cộng đồng còn cao
Theo Tiền Phong, tính đến sáng 20/12, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 10.092 ca mắc COVID-19 kể từ đầu đợt dịch thứ 4. Trong đó, 2.234 ca đang điều trị, 58 ca tử vong, còn lại đã khỏi bệnh. Đáng chú ý, số lượng ca mắc COVID-19 trong cộng đồng vẫn cao.
Theo sở Y tế Đắk Lắk, địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 và đang thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy vậy, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, để thích ứng, “sống chung” an toàn với COVID-19, Sở Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Đáng nói, vẫn có một bộ phận người dân chủ quan sau khi đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19.
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Hiện tỉnh Đắk Lắk đã triển khai rộng việc cách ly F1 tại nhà nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế (gần 13.000 trường hợp cách ly tại nhà, nơi cư trú); đồng thời đã triển khai thí điểm quản lý, điều trị F0 tại nhà trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố thành lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm tại cộng đồng... Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 125 trạm y tế lưu động tại các địa phương và 5 trạm y tế lưu động tại cơ sở y tế tư nhân.
Cà Mau có số F0 mới cao nhất các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long
Sở Chỉ huy phòng, chống dịch tỉnh Cà Mau thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, trong ngày 19/12, tỉnh này có thêm 1.345 ca mắc COVID-19 mới. Đây lại là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất các tỉnh miền Tây và là ngày thứ hai liên tiếp tỉnh này có số F0 mới đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (hôm qua có 1.341 ca). Cạnh đó, trong ngày tỉnh có thêm 543 người được điều trị khỏi và 4 người tử vong.
Lũy kế trong năm 2021, tỉnh đã có 24.397 người mắc COVID-19, trong đó có 11.360 người đã điều trị khỏi, 98 người tử vong, hiện đang điều trị 13.026 người (trong đó có 9.305 ca điều trị tại nhà).
Tỉnh đã có 90,27% người trên 12 tuổi tiêm đủ hai liều vaccine; cạnh đó có gần 10.000 người tiêm liều bổ sung và nhắc lại.
Việt Hương (T/h)