Cố tình để mắc COVID-19 nhằm miễn dịch là quan niệm sai lầm
Trong khi hầu hết mọi người đang nỗ lực phòng, tránh bị mắc COVID-19, thì một số người lại có tâm lý “ai rồi cũng trở thành F0”, thậm chí cố ý để mắc bệnh, với hy vọng sau đó có thể miễn dịch.
“Nhiều người có suy nghĩ là cố tình mắc COVID-19 để sau này không bị nữa. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm vì người bệnh nhiễm chủng Delta rồi vẫn có khả năng nhiễm chủng Omicron, thậm chí đã nhiễm chủng Omicron vẫn tái nhiễm chủng đó, nhưng type khác”, ThS. BS chuyên khoa II Nguyễn Thu Hường - Trưởng Đơn nguyên chống dịch, BV Thanh Nhàn cho biết trên TTXVN.
Những người mắc bệnh đều có khả năng tái nhiễm, phổ biến nhất ở là những người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, người chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Bệnh nhân đến khám hậu COVID-19 tại bệnh viện Thanh Nhàn.
"Người bị tái nhiễm thường có triệu chứng nặng hơn lần đầu. Tái nhiễm, tái dương tính đều để lại những nguy cơ khó lường đối với bệnh nhân như các huyết khối, phổi, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, tổn thương não, chậm chạp về mặt tư duy, nhận thức; các bệnh lý hô hấp kéo dài có thể gặp di chứng xơ phổi, viêm phổi kẽ, kể cả ở người trẻ không có bệnh lý nền…", bác sĩ Nguyễn Thu Hường chia sẻ.
Do vậy khi đã khỏi bệnh rồi cần theo dõi sức khỏe, bồi bổ để cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng và đặc biệt không được chủ quan khi tiếp xúc với các F0 và người có nguy cơ cao nhiễm bệnh.
120 giờ lọc máu cứu sống bệnh nhi nhiễm SARS-CoV-2 nguy kịch
Sáng 19/3, trả lời VTC News, BSCKII Vũ Hữu Quyền - Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, đơn vị đã chữa trị thành công bé trai gần 4 tuổi nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nặng, biểu hiện tổn thương não, gan, men gan tăng cao, tỉ lệ tử vong 90%.
15h45 ngày 9/3, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tiếp nhận bệnh nhi P.M.K (43 tháng tuổi, ở phường Đông Hoà, Kiến An, Hải Phòng) biểu hiện co giật, lơ mơ. Một ngày trước, trẻ sốt cao liên tục 3 8- 39,5 độ C. Gia đình tự test COVID-19 và cho kết quả dương tính.
Khoảng 1 giờ trước khi vào viện, bé M.K bị co giật toàn thân khoảng 3 phút. Sau đó, trẻ không tỉnh, được gia đình được vào viện cấp cứu. "Thời điểm trẻ nhập viện, qua thăm khám, trẻ được theo dõi viêm não trong tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nặng, co giật chưa rõ nguyên nhân", BS Vũ Hữu Quyền nói.
Bệnh nhi mắc COVID-19 được lọc máu liên tục sau khi diễn biến bệnh nặng.
Các bác sĩ chẩn đoán, trẻ suy hô hấp độ III, theo dõi viêm não cấp, theo dõi cơn bão Cytokine, nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch.
Lúc 21h15 cùng ngày, bệnh nhi diễn biến nặng lên. Lúc này, Ban Giám đốc quyết định hội chẩn toàn bệnh viện, hội chẩn các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương qua hình thức trực tuyến và quyết định lọc máu liên tục cho bệnh nhân.
Sau 3 ngày thở máy (từ 9/3 đến 11/3), 5 ngày lọc máu liên tục (trong 120 giờ từ 9/3 đến 13/3), đồng thời dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, chống viêm, truyền dịch, sức khoẻ của bé M.K nhiều tiến triển, đã cai thở máy, dừng lọc máu. Sang ngày thứ 8, bệnh nhi có thể tự thở, các chỉ số sinh tồn bình thường.
Nỗi lo gia tăng trẻ em mắc COVID-19 ở Đắk Lắk
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, tỉnh ghi nhận hơn 80 nghìn bệnh nhân COVID-19, trong đó có khoảng 15.000 trẻ từ 0-11 tuổi. Chỉ tính riêng 4 ngày gần đây, từ ngày 13 - 17/3, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận hơn 3.500 bệnh nhân COVID-19 ở độ tuổi từ 0-11 tuổi.
Số bệnh nhân nhi mắc COVID-19, tăng, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập khu điều trị bệnh nhân nhi bị COVID-19, tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vào ngày 25/2 vừa qua. Kể từ khi thành lập khu điều trị bệnh nhi mắc Covid-19 đến nay, đơn vị tiếp nhận trên 100 trẻ F0, trong đó có khoảng 60 trường hợp đã khỏi bệnh và xuất viện, 43 trường hợp đang điều trị và 3 trường hợp có diễn tiến nặng phải thở oxy.
Bác sĩ Chuyên khoa II, Nguyễn Văn Mỹ, Phó trưởng Khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết trên VOV, hầu hết các bệnh nhi mắc COVID-19 nhập viện điều trị là các bệnh nhi có biểu hiện sốt cao liên tục, co giật, khó thở, đau ngực, nôn ói nhiều, thở nhanh, tiêu chảy, li bì, bỏ ăn, bỏ bú, SpO2 giảm. Trong đó, một số bệnh nhi có bệnh lý nền về máu, bệnh gan, suy giảm miễn dịch… Hầu hết các trẻ mắc COVID-19 khi vào điều trị tại bệnh viện đã hồi phục và xuất viện sau khoảng 5 ngày điều trị.
Các bác sĩ đang theo dõi tình trạng sức khỏe của các bệnh nhi mắc COVID-19.
Bác sĩ Mỹ cho biết, mặc dù đã bình phục và xuất viện nhưng phụ huynh không nên chủ quan mà cần chăm sóc, theo dõi kỹ. Bởi sau khi xuất viện, trẻ vẫn có nguy cơ biến chứng hậu Covid-19, đặc biệt là hội chứng MIS-C (Viêm đa hệ thống cơ quan). Đây là biến chứng nặng và xuất hiện khá muộn (từ 2-6 tuần sau khi trẻ mắc COVID-19. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, nguy cơ trẻ tử vong rất cao.
Việc thành lập một khu điều trị riêng dành cho bệnh nhi mắc COVID-19 là những nỗ lực của Đắk Lắk nhằm kiềm chế nguy cơ diễn tiến nặng của trẻ, xong với những biến phức tạp của dịch bệnh khi số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng mạnh thì việc có thêm nhiều trẻ em mắc Covid-19 là điều khó tránh khỏi. Để hạn chế nguy cơ trẻ em bị nhiễm và bị biến chứng nặng, ngoài việc cần đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ thì các bậc phụ huynh cần thực hiện nghiêm khẩu hiệu 5K và tuân thủ đúng việc chăm sóc, theo dõi điều trị cho trẻ theo hướng dẫn của ngành y tế.
Việt Hương (T/h)