Theo tin tức trên Dân trí, để ứng phó diễn biến mưa bão, nhiều nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thực hiện việc vận hành, điều tiết xả nước.
Công ty Cổ phần Tổng công ty phát triển năng lượng Nghệ An xả nước hồ chứa thủy điện Nậm Mô (xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn) qua đập tràn lúc 9h30 ngày 22/7, với lưu lượng xả dự kiến 140-500m3/s.
Công ty Cổ phần PRIME Quế Phong xả nước hồ chứa thủy điện Châu Thắng (xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu), thời gian dự kiến xả là 2h30 ngày 22/7, lưu lượng xả 74-300m3/s.
Nhà máy thủy điện Chi Khê (xã Chi Khê, huyện Con Cuông) tăng lưu lượng điều tiết nước hồ chứa. Thời gian thay đổi lưu lượng xả từ 20h45 ngày 21/7, lưu lượng xả qua các cửa van đập tràn và phát điện qua các tổ máy, dự kiến 506-2.000m3/s.
Nhà máy thủy điện Khe Bố (huyện Tương Dương) vận hành điều tiết nước hồ chứa, thời gian xả qua đập tràn lúc 19h50 ngày 21/7, với lưu lượng xả 500-2.000m3/s và có thể thay đổi tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ, qua các tổ máy.
Thủy điện Châu Thắng xả lũ. (Ảnh: Dân trí)
Nhà máy thủy điện Sông Quang (huyện Quế Phong) vận hành điều tiết nước hồ chứa vào lúc 21h30, ngày 21/7, với lưu lượng xả 30-150m3/s.
Theo thông báo của các nhà máy, thời gian kết thúc xả nước qua đập tràn cho đến khi hết đợt mưa lũ hoặc lưu lượng nước về hồ nhỏ hơn lưu lượng phát điện.
Để chủ động ứng phó với bão số 2 và mưa lũ sau bão, Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó bão, mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Tỉnh Nghệ An yêu cầu rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét...
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động rà soát, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Để chủ động ứng phó với bão số 2, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo về UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này.
Tin tức trên Kinh tế & Đô thị, theo Công điện số 02/CĐ-BCH, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, từ đêm ngày 22/7, tại Hà Nội sẽ có gió mạnh dần lên cấp 3 - 4, giật cấp 6. Từ chiều ngày 22/7 đến ngày 24/7, trên địa bàn TP có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 50 - 120mm, có nơi trên 150mm.
Số liệu quan trắc cho thấy, hiện nay, mực nước trên các sông và hệ thống kênh mương thuỷ lợi của Hà Nội đang ở mức cao. Cá biệt mực nước trên sông Tích tại trạm thuỷ văn Kim Quan và Vĩnh Phúc đã đạt báo động I từ 17 giờ chiều qua (21/7); trong khi mực nước sông Nhuệ cũng lên trên báo động I, ở mức 4,15/4,13m.
Để chủ động ứng phó với bão số 2 và mưa lũ do hoàn lưu của bão trong những ngày tới, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội đề nghị các sở ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai; thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động phòng tránh.
Các sở ngành, địa phương khẩn trương rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm kịp thời ứng phó sự cố, thiên tai, bảo đảm an toàn về người và tài sản của nhân dân.
Mực nước sông Hồng dự kiến sẽ lên cao trong những ngày tới.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội cũng đề nghị Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tập trung rà soát các điểm ngập úng cục bộ, sẵn sàng phương án tiêu thoát nước đô thị. Sở NN&PTNT Hà Nội và các doanh nghiệp thuỷ lợi vận hành linh hoạt hệ thống tiêu nước đệm chống úng ngập vùng trũng thấp, diện tích canh tác nông nghiệp…
Đối với Sở TN&MT Hà Nội, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP đề nghị chỉ đạo tăng cường rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất; tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết các dấu hiệu và các kỹ năng xử lý tình huống, ứng phó khi có sự cố thiên tai xảy ra.
Theo Thanh niên, sáng 22/7, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP.Đà Nẵng huy động gần 50 công nhân để xử lý khẩn tình trạng cá chết hàng loạt, nổi đầy nhiều vị trí dọc theo các kênh thoát nước, hồ điều tiết.
Từ sáng sớm, các công nhân Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP.Đà Nẵng phát hiện xác cá nổi đầy khu vực sông Phú Lộc, đoạn gần Trạm xử lý nước thải Phú Lộc (Q.Thanh Khê).
Lãnh đạo công ty vừa phân công công nhân vớt xác cá, vừa huy động thêm lực lượng đi ngược tuyến sông lên phía đầu nguồn để tìm hiểu nguyên nhân.
Công nhân thu gom, vớt xác cá.
Theo khảo sát ban đầu của công ty, tình trạng cá chết hàng loạt xảy ra trên diện rộng, từ khu vực kênh ở cầu Đa Cô (đường Tôn Đức Thắng, P.Hòa Minh) ngược lên bãi rác Khánh Sơn, xuống hồ Hòa Phú (còn gọi là hồ Liên Chiểu, đường Thanh Nghị, P.Hòa Minh) và nhiều đoạn sông Phú Lộc.
Trước mắt, các công nhân vớt xác cá để đưa đi chôn lấp, xử lý tại bãi rác Khánh Sơn; tiếp đó sẽ dùng chế phẩm để xử lý mùi hôi và vệ sinh môi trường.