Tin tức trên Dân trí, chiều 7/4, ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm phối hợp với những đơn vị liên quan, tăng cường tuần tra, kiểm soát và bảo vệ đàn cò nhạn đang trú ngụ trên địa bàn.
Cơ quan Kiểm lâm TP.Huế cũng tích cực tuyên truyền về việc bảo vệ các loài chim hoang dã, để người dân không săn bắt, đặt bẫy hoặc xâm phạm môi trường sống của chúng.
Theo ông Tuấn, những ngày gần đây, trên địa bàn thành phố Huế xuất hiện nhiều đàn chim di cư trên các cánh đồng, mang đến khung cảnh thiên nhiên sống động.
Đàn cò quý xuất hiện trên cánh đồng ở địa bàn TP.Huế (Ảnh: Kiểm lâm)
Đặc biệt, từ ngày 30/3, trên những cánh đồng tại thị xã Hương Trà, Phong Điền và huyện Quảng Điền (TP.Huế), ghi nhận sự xuất hiện của đàn cò nhạn, hay còn gọi là cò ốc (tên khoa học: Anastomus oscitans), với số lượng hơn 100 cá thể.
Đây là loài chim quý hiếm, thường sinh sống tại các vùng đất ngập nước và đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì cân bằng môi trường tự nhiên.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm TP.Huế nhận định, sự xuất hiện của đàn cò nhạn là dấu hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn động vật hoang dã, chim di cư và những nỗ lực giữ gìn môi trường sinh thái của thành phố Huế thời gian vừa qua.
VTC News thông tin, ngày 7/4, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, nữ bệnh nhân tên N.T.P. (53 tuổi, trú ở huyện Quảng Điền, TP.Huế) tử vong khi đang điều trị tại bệnh viện này.
Người này nhập viện ngày 6/4 trong tình trạng đột quỵ, có dấu hiệu ngưng tim.
Trrước khi đột quỵ phải nhập viện, bà P. đăng ký tham gia giải chạy marathon lớn được tổ chức ở TP.Huế vào sáng 6/4. Trong quá trình chạy, bà P. bị đột quỵ, nằm xuống đường. Dù được lực lượng y tế của giải chạy bộ cấp cứu ban đầu nhưng tình trạng của bà P. chuyển nặng.
Giải chạy mà bà P. tham gia là giải chạy marathon được tổ chức quy mô lớn ở TP.Huế, thu hút rất nhiều người tham gia. (Ảnh: VTC News)
Các bác sĩ xử trí cho bà P. thở máy qua nội khí quản. Tình trạng không có dấu hiệu phục hồi. Bệnh nhân được gia đình xin đưa về nhà.
Ngoài bệnh nhân nữ kể trên, trong ngày 6/4 Bệnh viện Trung ương Huế còn tiếp nhận thêm 3 trường hợp khác cũng nhập viện khi tham gia một giải chạy được tổ chức quy mô lớn tại TP.Huế.
Theo VOV, UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo khẩn trương xử lý các đơn vị thi công cải tạo vỉa hè gây hư hại rễ cây xanh. Đặc biệt, thành phố yêu cầu xem xét, xử lý nghiêm các đơn vị gây tổn hại 17 cây lim xẹt tại Quận 1.
Trước đó, Sở Giao thông Công chánh TP.HCM đã báo cáo về tình trạng nhiều chủ đầu tư thi công nâng cấp, sửa chữa vỉa hè chưa tuân thủ đầy đủ quy định, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống cây xanh đô thị.
Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật đã phải chặt hạ 90 cây xanh có nguy cơ mất an toàn do hệ rễ bị xâm hại nghiêm trọng, cắt tỉa cành nhánh nhiều cây xanh khác để giảm tải trọng, hạn chế rủi ro, tiếp tục theo dõi thường xuyên các trường hợp cây xanh khác.
Mặc dù đã có các biện pháp kiểm soát rủi ro, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật thừa nhận vẫn có thể xảy ra tình trạng mất an toàn do còn những khiếm khuyết chưa được phát hiện trong quá trình thi công.
Các đơn vị chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh cắt gọn cành nhánh nhiều cây, giảm nguy cơ rủi ro mất an toàn. (Ảnh minh họa)
Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND TP.HCM chỉ đạo: Thanh tra Sở Giao thông Công chánh chủ động phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh.
Sở Giao thông Công chánh chỉ đạo Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật tiếp tục tăng cường rà soát, kiểm tra và thực hiện các biện pháp xử lý trước mắt như thay thế cây, cắt tỉa cành, tán cây.
Sở Xây dựng báo cáo đề xuất biện pháp chế tài đối với các chủ đầu tư, đơn vị thi công không chấp hành quyết định xử phạt hành chính hoặc tái phạm.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường theo dõi, giám sát, kịp thời khuyến cáo, chấn chỉnh, xử lý vi phạm.
Đối với các dự án chỉnh trang, cải tạo vỉa hè hoặc các dự án khác có ảnh hưởng đến cây xanh, UBND TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công phải: Xây dựng phương án tổ chức thi công đảm bảo an toàn cho cây xanh đô thị. Gửi phương án về Sở quản lý chuyên ngành để được kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời nếu không đảm bảo quy định.