Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức thế giới mới nhất ngày 18/1

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Tin tức thế giới mới nhất ngày 18/1: Hai tuần đầu năm 2017 đã có hơn 220 người di cư chết trên Địa Trung Hải; Cchâu Âu không chấp nhận bình luận của Trump...

(ĐSPL) - Tin tức thế giới mới nhất ngày 18/1: Hai tuần đầu năm 2017 đã có hơn 220 người di cư chết trên Địa Trung Hải; Pháp nói châu Âu không chấp nhận bình luận của Trump về thủ tướng Đức;...

Hai tuần đầu năm 2017 đã có hơn 220 người di cư chết trên Địa Trung Hải

Trong đó, chỉ riêng con tàu gỗ hai tầng rời Lybia đêm 14/1, bị lật đã mang theo 180 người, chủ yếu đến từ Tây Phi.
Ngày 17/1, các nhân viên cứu hộ thuộc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã công bố thông tin trên sau khi phỏng vấn 4 người di cư được cứu sống trong vụ tai nạn trên. Những người được cứu đến từ Eritrea và Ethiopia này cho biết đã xảy ra một vụ lật tàu từ ba ngày trước đó ở ngoài khơi Libya.

Theo họ, con tàu gỗ hai tầng rời Lybia đêm 14/1, chở theo 180 người, chủ yếu đến từ Tây Phi. Sau 5 giờ lênh đênh trên biển, động cơ của tàu đã ngừng hoạt động và sau đó tàu bị lật.

Theo số liệu thống kê, tính đến nay, đa số người di cư từ châu Phi chủ yếu tới Italy - quốc gia cửa ngõ vào châu Âu, đều đi qua Địa Trung Hải với điểm khởi đầu hành trình tại Lybia. Khoảng 181.000 người đã đăng ký tị nạn tại các cảng biển Italy trong năm 2016.

Pháp nói châu Âu không chấp nhận bình luận của Trump về thủ tướng Đức

"Ông ấy (Donald Trump) càng có những tuyên bố như vậy, người dân châu Âu càng xích lại gần nhau hơn", Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin trả lời báo giới ngày 17/1, theo Independent.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với The Sunday Times, Tổng thống Mỹ đắc cử Trump nói Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phạm "sai lầm thảm họa" khi đưa ra chính sách mở cửa đón người tị nạn. Ông Trump còn cho rằng vụ lao xe vào khu chợ Giáng sinh ở thủ đô Berlin chính là một hệ quả từ chính sách trên.

Theo Bộ trưởng Sapin, sự chỉ trích như vậy là không thể chấp nhận được. "Công kích thủ tướng Đức không phải là lời lẽ mà chúng tôi, người Pháp, hay người châu Âu có thể chấp nhận", ông nói.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 16/1 cũng cho rằng ông Trump bình luận trực tiếp về chính trị của một nước khác là hành động không phù hợp.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ nghi phạm xả súng tại hộp đêm

Theo cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ, sau hai tuần truy nã, các nhà chức trách đã bắt giữ thủ phạm và bốn nghi phạm khác trong vụ xả súng tại hộp đêm tại thành phố Istanbul, trong đêm giao thừa, khiến 39 người thiệt mạng.


Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đặt hoa ở lối vào của nơi xảy ra vụ xả súng đẫm máu vào ngày 1/1/2017 - Ảnh: Reuters.

Theo thông tin của hãng thông tấn Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, nghi phạm được xác định là Abdulkadir Masharipov. Bốn kẻ tình nghi khác bao gồm một người đàn ông gốc Kyrgyz, ba phụ nữ gốc Ai Cập, Senegal và Somalia. Những nghi phạm này bị bắt tại quận Esenyurt thuộc thành phố Istanbul.

Phó thủ tướng, đồng thời là người phát ngôn của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, Numan Kurtulmus vừa qua đã đăng một bài viết trên Twitter với nội dung: “Tôi muốn gửi lời chúc mừng tới cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đã bắt được thủ phạm của vụ thảm sát ở quận  Ortakoy. Cuộc chiến với những kẻ khủng bố và thế lực đằng sau chúng của chúng tôi sẽ tiếp tục đến khi chúng bị tiêu diệt hoàn toàn”.

Trước đó, hàng chục nghi phạm đã bị bắt giữ do có liên quan đến vụ xả súng. Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này, nói đó là để trả thù việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến tại Syria.

Vợ kẻ xả súng Orlando bị bắt vì cáo buộc “tiếp tay cho kẻ khủng bố”

FBI đã bắt giữ vợ của tay súng vụ xả súng Orlando (Mỹ) khiến 49 thiệt mạng hồi năm ngoái, với cáo buộc người phụ nữ này liên quan đến vụ thảm sát.

Noor Salman (trái), vợ của kẻ xả súng Orlando bị bắt. Ảnh: Bussiness Insider

"Tôi có thể xác nhận rằng việc bắt giữ đã xảy ra", Tổng chưởng lý Loretta Lynch nói với MSNBC hôm 16/1. "Đây là một vấn đề mà chúng tôi tiếp tục điều tra rất nghiêm túc", bà Lynch cho biết. Bà cũng lưu ý rằng Bộ Tư pháp luôn xác định mục tiêu rằng sẽ khiến tất cả những người liên quan phải chịu trách nhiệm. 

Noor Salman - vợ của Omar Mateen - tay súng đã bị bắn hạ bởi cảnh sát trong vụ xả súng tại một hộp đêm cho người đồng tính ở Florida hồi tháng 6/2016, đã bị bắt tại nhà riêng ở bên ngoài San Francisco, New York Times dẫn lời một quan chức thực thi pháp luật cho biết.

Salman phải đối mặt với cáo buộc từ phía liên bang là “cản trở công lý”, “giúp đỡ và tiếp tay, cố gắng hỗ trợ vật chất cho tổ chức khủng bố nước ngoài”, ABC News đưa tin, dẫn nguồn từ Cục Điều tra Liên bang (FBI) và luật sư bào chữa của Salman.

Bị cáo Salman, người đã chuyển đến khu vực San Francisco sau cuộc tấn công của chồng, được dự kiến ​​sẽ xuất hiện tại tòa án liên bang vào ngày 17/1. Sau đó, cô sẽ phải đối mặt với lệnh dẫn độ tới Tampa, nơi cô bị truy tố, theo ABC News.

Vụ thảm sát ở hộp đêm đồng tính là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ, với số người tử vong nhiều hơn so với cuộc tấn công diễn ra tại Virginia Tech năm 2007 và thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut hồi năm 2012.

Tỷ lệ ủng hộ Donald Trump thấp kỷ lục trước ngày nhậm chức

Kênh truyền hình CBS dẫn kết quả thăm dò dư luận mới nhất do Viện nghiên cứu Gallup công bố hôm 13/1 cho thấy, có tới 55% số người được hỏi bày tỏ quan điểm tiêu cực về Tổng thống đắc cử Donald Trump, và chỉ có 40% cho rằng họ ủng hộ tỷ phú này trước ngày ông tuyên thệ nhậm chức.

So với tỷ lệ 78% ủng hộ Tổng thống Barack Obama vào thời điểm năm 2009, khi ứng viên đảng Dân chủ chuẩn bị nhậm chức như Tổng thống đắc cử Trump bây giờ, tỷ lệ ủng hộ dành cho tỷ phú New York thấp hơn gần một nửa.

Trong khi đó, so với tỷ lệ 62% ủng hộ cựu Tổng thống George W. Bush, và tỷ lệ 66% ủng hộ cựu Tổng thống Bill Clinton trước thềm lễ nhậm chức của hai nhà lãnh đạo lần lượt vào các năm 2001 và 1993, tỷ lệ ủng hộ ông Trump vẫn thấp hơn nhiều.

Như vậy, trong 4 đời tổng thống đắc cử Mỹ liên tiếp, tỷ phú Donald Trump là người duy nhất có tỷ lệ không ủng hộ cao hơn tỷ lệ ủng hộ. Đối với Tổng thống Obama, chỉ có 18% người dân Mỹ có cái nhìn tiêu cực về ông trước ngày nhậm chức, trong khi tỷ lệ này đối với cựu Tổng thống Clinton và cựu Tổng thống Bush lần lượt là 26% và 36%.

(tổng hợp)

Tin nổi bật