Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức thế giới mới nhất ngày 15/3

(DS&PL) -

Tin tức thế giới mới nhất ngày 15/3: Nguy cơ chiến tranh hạt nhân từ đầu đạn 'siêu ngòi nổ' của Mỹ, Cướp biển Somalia tái xuất sau 5 năm, cướp tàu dầu của UAE...

Tin tức thế giới mới nhất ngày 15/3: Nguy cơ chiến tranh hạt nhân từ đầu đạn 'siêu ngòi nổ' của Mỹ, Cướp biển Somalia tái xuất sau 5 năm, cướp tàu dầu của UAE...

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân từ đầu đạn 'siêu ngòi nổ' của Mỹ

Đạn W76-1/Mk4A sử dụng 'siêu ngòi nổ' giúp tăng uy lực hủy diệt gấp ba lần nhưng cũng làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm châm ngòi chiến tranh hạt nhân.

Công nghệ mới mang tên "đầu đạn siêu ngòi nổ" mà Mỹ áp dụng trong chương trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, giúp tăng gấp ba lần sức hủy diệt của tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm, có thể gia tăng nguy cơ kích động chiến tranh hạt nhân giữa các cường quốc, theo Bulletin.

Đầu đạn siêu ngòi nổ sẽ khiến tên lửa của Mỹ nguy hiểm hơn bao giờ hết. Ảnh: War is Boring.

Thiết bị này có tên gọi chính thức là "hệ thống vũ trang, tra ngòi và khai hỏa" (AF&F), gồm ngòi nổ, tổ hợp khóa mục tiêu phụ trang bị radar, hệ thống hỏa lực phụ và một pin nhiệt cung cấp năng lượng. AF&F nằm ở đầu chóp tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, được phát triển cho đầu đạn W76-1/Mk4A trong chương trình kéo dài tuổi thọ của W76, loại đầu đạn có số lượng lớn nhất trong kho vũ khí hạt nhân Mỹ.

Công nghệ đầu đạn siêu ngòi nổ được triển khai lần đầu trên đầu đạn W88/Mk5 Trident II, sau khi quân đội Mỹ trao hợp đồng cho tập đoàn Lockheed vào đầu thập niên 1980.

Khinh khí cầu chở khách liên tiếp rơi xuống đất

Ba quả khinh khí cầu chở khách du lịch rơi xuống đất trong điều kiện thời tiết xấu ở Thổ Nhĩ Kỳ làm bị thương ít nhất 49 người.

Tai nạn xảy ra hôm 14-3. Những chiếc khinh khí cầu chở theo du khách châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc. Chúng bị rơi khi bay qua khu vực Cappadocia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự cố khiến 49 người, chủ yếu là du khách nước ngoài, bị thương. Theo hãng tin Dogan, trong số các nạn nhân có 9 người bị gãy xương, còn lại bị thương nhẹ không nguy hiểm đến tính mạng.

Vận chuyển người bị nạn tới bệnh viện. Ảnh: HABER TURK

Ba quả khinh khí cầu buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại ngôi làng Sofular thuộc quận Urgup hôm 14-3 sau khi gặp mưa và gió mạnh. Một người điều khiển khinh khí cầu cho biết họ xuất phát từ thị trấn Goreme lúc 7 giờ sáng (giờ địa phương) trong điều kiện thời tiết khá lạnh. Dù mất kiểm soát nhưng các khinh khí cầu vẫn hạ cánh thành công.

Người ta tin rằng còn 7 quả khinh khí cầu khác cất cánh cùng lúc với 3 quả khinh khí cầu trên nhưng không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết.

Hồi tháng trước, một du khách Đan Mạch đã thiệt mạng ở Cappadocia trong một sự cố khinh khí cầu tương tự.

Đông Bắc Mỹ “đóng băng” vì bão tuyết

Cơn bão tuyết mang tên Stella đi vào khu vực Đông Bắc nước Mỹ hôm 14-3 khiến sinh hoạt tại nhiều thành phố lớn bị “đóng băng”.

Một số bang đã ban hành lệnh cấm đi lại cũng như ban bố tình trạng khẩn cấp khi bão tuyết được dự báo làm gián đoạn cuộc sống của 31 triệu người. Các văn phòng chính phủ Liên bang Mỹ ở thủ đô Washington ngày 14-3 (giờ địa phương) mở cửa chậm hơn 3 giờ; các nhân viên có thể chọn phương thức làm việc ở nhà. Nhiều trường học ở thủ đô cũng như các thành phố Philadelphia, New York, Boston phải đóng cửa.

Tuyết rơi dày tại TP New York hôm 14-3 Ảnh: Reuters

Một số địa phương có tuyết rơi dày, mưa lớn và nhiệt độ xuống mức gần hoặc dưới 0 độ C. Riêng các vùng ngoại ô phía Bắc và phía Tây Washington có thể chứng kiến tuyết rơi dày 25 cm. Còn tại TP New York, tuyết có khả năng rơi dày đến 50 cm. Trong khi đó, Thống đốc bang Massachusetts Charlie Baker cho biết nhiều khu vực bang này có thể có tuyết rơi dày 60 cm hoặc hơn và có cuồng phong.

Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại bang New York, nơi 2.000 thành viên Vệ binh Quốc gia được huy động. Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo, khuyên người dân dự trữ thực phẩm đủ dùng trong 7-10 ngày.

Đáng chú ý, thời tiết cực đoan buộc cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Washington bị dời từ ngày 14 sang ngày 17-3.

Cướp biển Somalia tái xuất sau 5 năm, cướp tàu dầu của UAE

Cướp biển Somalia đã tấn công một tàu chở dầu và buộc thủy thủ đoàn người Sri Lanka thay đổi lộ trình để hướng về bờ biển đông bắc Somalia, theo AFP ngày 14.3.

Tàu Aris 13, do một công ty có trụ sở tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) điều hành, đã bị bắt cóc cùng 8 thuyền viên khi đang vận chuyển nhiên liệu từ Djibouti đến thủ đô Mogadishu (Somalia) vào chiều 13.3.

Ông John Steed, cựu sĩ quan quân đội Anh hiện là trưởng bộ phận Sừng châu Phi của tổ chức chống cướp biển Oceans Beyond Piracy, ngày 14.3 cho biết các thủy thủ trên tàu Aris 13 đã phát tín hiệu cầu cứu sau khi phát hiện tàu lạ bám đuổi.

Cướp biển Somalia từng là mối đe dọa thường trực đối với tàu thuyền đi lại trong khu vực. Ảnh: Getty

Một cuộc tìm kiếm tàu Aris 13 đã được tiến hành khẩn trương ngoài khơi bờ biển Somalia trong ngày 14.3. Chiếc tàu bị ép cập bến gần thị trấn Alula thuộc khu bán tự trị Puntland của Somalia.

“Cướp biển Somalia đã không thực hiện bất kỳ vụ tấn công tàu thương mại nào kể từ năm 2012”, ông Steed nói.

Hoạt động tấn công tàu của cướp biển Somalia bắt đầu vào năm 2005, và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải biển trong khu vực. Vào lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng cướp biển vào tháng 1.2011, đã có 736 con tin và 32 tàu bị bắt cóc.

(Tổng hợp)


Tin nổi bật