Nga khai hỏa hệ thống tên lửa chống hạm Bastion
Nga thử nghiệm hệ thống Bastion tại Quần đảo Kuril. Ảnh: RT
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hệ thống tên lửa chống hạm Bastion hiện đã được sử dụng trong cuộc tập trận bắn đạn thật trên đảo Matua ở vùng Viễn Đông.
Matua là một phần của Quần đảo Kuril - một nhóm các đảo trải dài từ khu vực Kamchatka của Nga đến Hokkaido của Nhật Bản. Quần đảo này là khu vực tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản suốt hàng chục năm qua. Trước đó, hệ thống Bastion đã được thử nghiệm trong một số cuộc tập trận khác.
Tháng 12/2021, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã tăng cường khả năng phòng thủ chống hạm trong khu vực với việc triển khai các bệ phóng Bastion tới Matua. Cuộc tập trận ngày 6/9 là sự kiện đánh dầu lần đầu tiên hệ thống này được triển khai.
Israel tiếp tục không kích sân bay quốc tế Aleppo
Ảnh vệ tinh cho thấy thiệt hại tại sân bay quốc tế Aleppo sau cuộc không kích của Israel.
Truyền thông nhà nước Syria đưa tin, ít nhất 1 tên lửa đã bắn trúng đường băng sân bay trong khi “một số” tên lửa bị lực lượng phòng không Syria bắn hạ.
“Hành động gây hấn của Israel đã nhắm vào sân bay Aleppo”, Hãng thông tấn SANA của Syria đưa tin, đồng thời cho biết thêm, lực lượng phòng không Syria đã bắn hạ một số tên lửa được phóng từ không phận quốc tế trên Biển Địa Trung Hải.
Truyền thông địa phương cho biết, cuộc tấn công có sự tham gia của ít nhất 5 tên lửa và khiến sân bay Aleppo ngừng hoạt động một lần nữa.
Iran sẵn sàng giúp cải thiện an ninh năng lượng toàn cầu
Một cơ sở khai thác dầu mỏ của Iran trên đảo Khark. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji khẳng định nước này sẵn sàng hỗ trợ đáp ứng các nhu cầu năng lượng toàn cầu, đồng thời bác bỏ việc chính trị hóa thị trường dầu mỏ.
“Là một nhà cung cấp lớn về dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu, chúng tôi luôn sẵn sàng đóng vai trò của mình trong việc cung cấp dầu và khí tự nhiên, không gắn với mục tiêu chính trị, đồng thời giúp cải thiện an ninh năng lượng trên thế giới", Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran dẫn lời ông Owji.
Bộ trưởng Owji cho biết do lo ngại tác động của những căng thẳng địa chính trị đối với tăng trưởng kinh tế thế giới và nhu cầu năng lượng, thị trường dầu mỏ toàn cầu đang trong tình trạng mong manh và giá dầu thô biến động liên tục trong những tháng gần đây.
Theo ông Owji, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang ngày càng trầm trọng hơn, điển hình là tình trạng tăng giá khí đốt tại nhiều nước châu Âu.
Mộc Miên (T/h)